Ngày 10/10, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã bổ nhiệm 27 thẩm phán mới vào Tòa án tối cao, thực hiện cuộc cải cách tư pháp gây tranh cãi từng dẫn tới một vụ kiện của Liên minh châu Âu (EU) chống lại Ba Lan.
Động thái trên diễn ra bất chấp phán quyết của Tòa Hành chính tối cao, yêu cầu ngừng việc bổ nhiệm các chức danh tư pháp, công việc vốn luôn được tiến hành dựa trên đánh giá của các thẩm phán đang tại nhiệm, chứ không phải các chính khách, trước khi Đảng Luật pháp và Công lý (PiS) bảo thủ lên nắm quyền năm 2015.
Chính hành động bị cho là "chính trị hóa" cơ quan tư pháp này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của EU cũng như các nhóm dân sự và phe đối lập ở trong nước Ba Lan. Tuy nhiên, Chính phủ Ba Lan khẳng định rằng các cải cách trên là cần thiết nhằm cải thiện tính hiệu quả của các tòa án.
[Ba Lan bác bỏ chỉ trích của EU về cải cách tòa án tối cao]
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Phó Chánh Văn phòng tổng thống, ông Pawel Mucha, khẳng định các bổ nhiệm thẩm phán mới là "một cuộc cải cách rất quan trọng nhằm lập lại các nền tảng của lòng tin vào cơ quan tư pháp."
Cuộc khủng hoảng tư pháp tại Ba Lan đã xảy ra khi PiS thông qua luật giảm tuổi về hưu, gián tiếp khiến hơn 1/3 thẩm phán Tòa án Tối cao phải nghỉ hưu sớm.
Đầu tháng 7 vừa qua, Tòa Hành chính tối cao Ba Lan đã ra phán quyết yêu cầu ngừng thủ tục bổ nhiệm các thẩm phán mới của Tòa án Tối cao, song ông Mucha cho biết phán quyết này không mang tính ràng buộc đối với tổng thống.
Trước đó, tháng 12/2017, trong một động thái chưa từng có tiền lệ, EC đã đề nghị Hội đồng châu Âu kích hoạt Điều 7 của Hiệp ước Lisbon, mở đường cho các biện pháp trừng phạt Ba Lan và đình chỉ một số quyền biểu quyết của quốc gia này do cái gọi là "vi phạm các nguyên tắc của khối."
Ngày 24/9 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) tuyên bố kiện Chính phủ Ba Lan lên Tòa án Tư pháp châu Âu với cáo buộc vi phạm nguyên tắc độc lập của cơ quan tư pháp, đi ngược lại luật pháp của EU. EC cho Ba Lan thời hạn một tháng để phản hồi về quyết định mới này.
Đáp lại, Ba Lan vẫn khẳng định những gì quốc gia này đang làm ở thời điểm hiện tại là hoàn toàn đúng đắn. Vácsava cho rằng cải cách hệ thống tư pháp nằm trong thẩm quyền riêng của các nước thành viên EU, do vậy nước này không vi phạm luật pháp EU.
Ngoài ra, Ba Lan cũng chỉ rõ các quy định mới về Tòa án Tối cao và hạ tuổi về hưu mà nước này ban hành đối với các thẩm phán không làm hạn chế tính độc lập của các thẩm phán./.