Bà Park bị yêu cầu làm rõ các hoạt động trong ngày chìm phà Sewol

Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc đã yêu cầu Tổng thống Park Geun-hye phải làm rõ những hoạt động của bà vào ngày xảy ra vụ chìm phà Sewol năm 2014, làm 304 người thiệt mạng, trong đó phần lớn là học sinh.
Bà Park bị yêu cầu làm rõ các hoạt động trong ngày chìm phà Sewol ảnh 1Bà Park Geun-hye tại phiên họp nội các khẩn ở thủ đô Seoul ngày 9/12. (Nguồn: AP/TTXVN)

Ngày 22/12, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc đã bắt đầu xem xét về việc quốc hội bỏ phiếu thông qua kiến nghị luận tội Tổng thống Park Geun-hye.

Cả Tổng thống Park Geun-hye và người bạn thân lâu năm của bà là Choi Soon-sil đã không có mặt tại tòa khi các thẩm phán quyết định tiếp nhận các tài liệu điều tra của bên công tố.

Tòa cũng xác nhận bà Choi Soon-sil và hai cựu quan chức Nhà Xanh (Phủ Tổng thống) An Chong-bum và Jeong Ho-seong là nhân chứng trong phiên điều trần này.

Thẩm phán Lee Jin-Sung đã bác nỗ lực nhằm trì hoãn phiên điều trần của các luật sư bào chữa cho Tổng thống.

Tại phiên điều trần, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc đã yêu cầu Tổng thống Park Geun-hye phải làm rõ những hoạt động của bà vào ngày xảy ra vụ chìm phà Sewol năm 2014, làm 304 người thiệt mạng, trong đó phần lớn là học sinh.

Yêu cầu trên được đưa ra nhằm bổ sung chi tiết về nơi bà Park Geun-hye đã ở trong văn phòng tổng thống và những việc bà đã làm trong thời gian được gọi là "mất tích 7 giờ" vào ngày 16/4/2014 - khi phà Sewol bị chìm ở ngoài khơi bờ biển phía Nam Hàn Quốc.

Trước đó, ngày 9/12, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua kiến nghị luận tội Tổng thống Park Geun-hye, theo đó nữ chính khách này ngay lập tức bị bị đình chỉ tạm thời chức vụ tổng thống. Thủ tướng đương nhiệm Hwang Kyo-ahn đã thay thế bà tạm thời lãnh đạo đất nước.

Mặc dù việc luận tội tập trung vào bê bối tham nhũng liên quan đến người bạn thân lâu năm của tổng thống, song quyết định luận tội cũng bao gồm cả việc bà Park Geun-hye bị cáo buộc đã lơ là nhiệm vụ khi không giải quyết thỏa đáng vụ chìm phà. Bà bị chỉ trích vì đã không xuất hiện trước công chúng cho đến 7 tiếng sau khi thảm họa xảy ra.

Trong bản tường trình gửi lên tòa án vào đầu tháng này, bà khẳng định có bằng chứng rõ ràng về việc bà đã chỉ thị cho các quan chức thực hiện mọi biện pháp cần thiết trong việc triển khai công tác cứu hộ.

Theo tòa án, phiên điều trần tiếp theo dự kiến diễn ra vào ngày 27/12 tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.