Bà Rịa-Vũng Tàu: Giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt gần 25% so với kế hoạch giao

Nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng năm 2024 của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu còn thấp là do các chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn bồi thường giải phóng mặt bằng; vướng mắc về các thủ tục đầu tư.
Thi công đường Thống Nhất nối dài (thành phố Vũng Tàu). (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 24,81%, thấp hơn cùng kỳ năm 2023.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lê Ngọc Khánh yêu cầu các chủ đầu tư, các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công các dự án đảm bảo đạt tiến độ đề ra.

Ngoài ra, thành lập tổ giúp việc để báo cáo theo định kỳ về giải ngân vốn đầu tư công. Phó Chủ tịch Lê Ngọc Khánh gợi ý Sở Kế hoạch và Đầu tư mời các chủ đầu tư, nhất là các chủ có đầu tư giải ngân thấp vào danh sách họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Lê Ngọc Khánh yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo làm rõ trách nhiệm các chủ đầu tư trong giải phóng mặt bằng; tăng cường phối hợp giữa các địa phương với sở, ngành chuyên môn trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công; bám sát tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công để có sự giám sát, đánh giá chặt chẽ và chính xác về việc giải ngân vốn đầu tư công.

Tổng nguồn vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hơn 20.645 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách Trung ương hơn 1.747 tỷ đồng, các dự án tỉnh quyết định đầu tư hơn 13.107 tỷ đồng, các dự án cấp huyện quyết định đầu tư hơn 5.791 tỷ đồng. Tính tới nay, tỉnh đã phân bổ hơn 19.651 tỷ đồng, đạt 95,19% tổng nguồn vốn.

Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm, tỉnh mới chỉ giải ngân được hơn 4.874 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư công, đạt 24,81% so với kế hoạch đã giao.

Hiện, trên địa bàn có các chủ đầu tư vốn lớn có tỷ lệ giải ngân cao như Ủy ban Nhân dân huyện Châu Đức (48,84%); Ủy ban Nhân dân huyện Long Điền (36%) và Ủy ban Nhân dân huyện Xuyên Mộc (36,3%).

Các chủ đầu tư có vốn lớn, có tỷ lệ giải ngân thấp hơn tỷ lệ chung của tỉnh như: Ủy ban Nhân dân thị xã Phú Mỹ, Ủy ban Nhân dân huyện Côn Đảo, Ban quản lý Dự án Chuyên ngành dân dụng và công nghiệp, Ban quản lý Dự án Chuyên ngành giao thông, Ban quản lý Dự án Chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ban quản lý Dự án Giao thông khu vực cảng Cái Mép-Thị Vài.

Theo kế hoạch, trong 2024 trên địa bàn tỉnh có 24 dự án khởi công mới, với số vốn là hơn 5.490 tỷ đồng. Tổng số vốn đã giải ngân hiện mới đạt tỷ lệ 8,77% kế hoạch vốn.

Tới nay có 7 dự án khởi công xây dựng, 1 dự án đang tổ chức đấu thầu và 16 dự án còn lại đang hoàn chỉnh thủ tục đầu tư để thực hiện đấu thầu và khởi công.

Tỷ lệ giải ngân nhóm dự án này còn rất thấp do trong các tháng đầu năm chủ đầu tư còn đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư để đủ điều kiện tổ chức đấu thầu, đồng thời có 11 dự án mới được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt điều chỉnh từ chuẩn bị đầu tư lên khởi công mới.

Kế hoạch 2024, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phân bổ bồi thường giải phóng mặt bằng cho 9 dự án với số vốn là 661 tỷ đồng, đến nay nhóm dự án này cũng mới chỉ giải ngân đạt 12.92% kế hoạch vốn.

Tỷ lệ giải ngân nhóm dự án này chưa cao do trong các tháng đầu năm chủ đầu tư còn đang hoàn thiện các thủ tục về bồi thường giải phóng mặt bằng.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lê Ngọc Linh, nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu còn thấp do các chủ đầu tư gặp nhiều vướng mắc, khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; vướng mắc về các thủ tục đầu tư và hồ sơ pháp lý dự án.

Việc phối hợp giữa chủ đầu tư và các địa phương chưa chặt chẽ; một số chủ đầu tư chưa quyết liệt, chủ động hướng dẫn xử lý, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn kịp thời, hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; năng lực triển khai thi công của một số nhà thầu còn hạn chế; chất lượng chuẩn bị dự án chưa cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục