"Kiên quyết điều chuyển cán bộ sợ trách nhiệm về giải ngân vốn đầu tư công"

Bên cạnh một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt, vẫn còn 33 bộ, cơ quan trung ương và 29 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng dưới mức trung bình cả nước.

Dự án, công trình xây dựng đường Nguyễn Phúc Chu trên địa bàn thành phố Hà Tiên (Kiên Giang) đang giai đoạn thi công. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN
Dự án, công trình xây dựng đường Nguyễn Phúc Chu trên địa bàn thành phố Hà Tiên (Kiên Giang) đang giai đoạn thi công. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Ngày 6/6, thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết để phấn đấu hoàn thành mục tiêu giải ngân trên 95% kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ giao, khẩn trương phân bổ hết nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 và hoàn thành thu hồi toàn bộ vốn ứng trước của các dự án, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có Công điện số 03/CĐ-BKHĐT gửi các bộ, ngành, địa phương.

Kiên quyết điều chuyển cán bộ sợ trách nhiệm

Nội dung nêu rõ tình hình giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 148.284 tỷ đồng, bằng 22% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Bên cạnh một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt, vẫn còn 33 bộ, cơ quan trung ương và 29 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm dưới mức trung bình của cả nước. Cả nước vẫn còn 5 bộ, cơ quan trung ương và 10 địa phương chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với các dự án sử dụng tăng thu ngân sách trung ương năm 2022; 6 địa phương chưa đề xuất điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn ngân sách Trung ương hoặc bố trí ngân sách địa phương để thu hồi hoặc chưa thu hồi đủ vốn ứng trước.

Theo đó, Công điện đã chỉ các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác thuộc Trung ương, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết liệt chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các Nghị quyết Phiên họp thường kỳ của Chính phủ.

Công điện nêu rõ, các cấp thành lập Ban chỉ đạo, Tổ công tác tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước. Các thành viên Tổ công tác đặc biệt chủ động rà soát, đôn đốc, phối hợp, hỗ trợ các chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

kien-giang-giai-ngan-von-dau-tu-cong-3522.jpg
Các cấp thành lập Ban chỉ đạo, Tổ công tác tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước. (Ảnh: TTXVN)

Kế hoạch giải ngân cần được xây dựng theo từng tháng, quý cho từng nhiệm vụ, dự án đồng thời phân công Lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện và giải ngân của từng nhiệm vụ. Đây sẽ là căn cứ để đánh giá, bình xét thi đua của các cấp, các ngành và mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2024 người đứng đầu.

Công điện nhấn mạnh, các khó khăn, vướng mắc liên quan tới việc khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cần phải được tăng cường tháo gỡ. Chỉ số giá xây dựng, giá vật liệu xây dựng, đơn giá nhân công xây dựng kịp thời công bố và bảo đảm đầy đủ, phù hợp với giá thị trường, đúng quy định pháp luật.

Việc thực hiện các thủ tục thanh toán vốn đầu tư được yêu cầu hoàn tất trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu theo quy định, không để dồn thanh toán vào cuối năm.

Riêng 33 bộ, cơ quan trung ương và 29 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư dưới mức trung bình của cả nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo quyết liệt các đơn vị trực thuộc thực hiện các giải pháp mạnh mẽ, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn các dự án, kiên quyết thực hiện việc điều chuyển đối với những cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, gây ách tắc trong việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.

Hoàn thiện thủ tục dự án sử dụng nguồn tăng thu

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nghị quyết số 112/2024/QH15 ngày 18/01/2024, Quốc hội đã cho phép sử dụng 63.725 tỷ đồng dự phòng chung nguồn ngân sách Trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022.

Tuy nhiên đến nay, vẫn còn 3 bộ và 5 địa phương (bao gồm Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Lâm Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Phước, Tây Ninh, Vĩnh Long) chưa đủ điều kiện để phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022. Bên cạnh đó, 2 bộ và 5 địa phương (Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính và các địa phương: Thái Bình, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Dương, Cần Thơ) chưa đủ điều kiện để bố trí kế hoạch vốn hàng năm.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 15/6 để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền phân bổ kế hoạch vốn.

Về việc thực hiện thu hồi vốn ứng trước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị 6 địa phương là Hà Giang (616 tỷ đồng), Hòa Bình (107 tỷ đồng), Hải Phòng (10 tỷ đồng), Ninh Bình (1.359 tỷ đồng), Quảng Bình (54 tỷ đồng), Lâm Đồng (511 tỷ đồng), nêu rõ lý do chưa thực hiện hoặc chưa thu hồi đủ thu hồi vốn ứng trước cũng như những khó khăn, vướng mắc.

Mặt khác, các địa phương này rà soát, báo cáo rõ số vốn ứng trước chưa thu hồi thuộc trách nhiệm của ngân sách Trung ương. Trường hợp số liệu có sự thay đổi về danh mục dự án, số vốn thu hồi ứng trước, các địa phương báo cáo giải trình cụ thể, có đủ căn cứ pháp lý kèm theo các Quyết định cho phép ứng trước, số vốn đã hoàn trả có chứng từ, xác nhận của Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch....

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị địa phương nêu rõ danh mục dự án thuộc trách nhiệm của ngân sách Trung ương nhưng chưa bố trí nguồn thu hồi (trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025), danh mục dự án đề xuất điều chỉnh giảm tương ứng để thu hồi vốn ứng trước. Đối với trường hợp sử dụng vốn ngân sách địa phương, báo cáo cần nêu rõ phương án, văn bản của Hội đồng nhân dân các cấp trong việc bố trí vốn ngân sách địa phương nộp trả ngân sách Trung ương để thu hồi vốn ứng trước.

Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục rà soát, thực hiện thu hồi toàn bộ vốn ứng trước của các dự án (nếu có), bảo đảm tuân thủ đúng quy định.

Theo đó, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác thuộc Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 không đạt mục tiêu đã đề ra./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.