Hồi tháng Hai vừa qua, Nghị sỹ Philippines Ronald ‘Bato’ dela Rosa bị Mỹ từ chối cấp thị thực.
Ông Dela Rosa, một đồng minh quan trọng của Tổng thống Rodrigo Duterte, cũng là kiến trúc sư của cuộc chiến chống ma túy tại quốc gia này khi còn đứng đầu lực lượng cảnh sát Philippines.
Động thái của Mỹ đã khiến Tổng thống Duterte không hài lòng và đi đến quyết định hủy bỏ Thỏa thuận về các lực lượng thăm viếng (VFA) với Mỹ. Thị thực du lịch của ông Dela Rosa bị Mỹ từ chối rõ ràng chỉ là giọt nước làm tràn ly.
Liên minh Mỹ-Philippines thành lập từ sau Hiệp ước Phòng thủ Chung 1951 dường như đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Tuy nhiên đây không phải là lần đầu tiên liên minh này gặp thử thách.
Năm 1992, Thượng viện Philippines từng bỏ phiếu để tiến tới đóng cửa 2 căn cứ quân sự của Mỹ là Căn cứ Không quân Clark và Căn cứ Hải quân Subic. Tuy nhiên, việc Trung Quốc đánh chiếm Đá Vành khăn vào năm 1995 và các cuộc bạo loạn ở Midannao đã nhấn mạnh yêu cầu thúc đẩy các năng lực an ninh của Philippines.
Trong bối cảnh bất ổn hậu Chiến tranh Lạnh, VFA đã được thông qua năm 1999, cho phép Mỹ đưa các lực lượng tạm thời luân phiên đến quốc gia Đông Nam Á này. Thỏa thuận đã góp phần củng cố liên minh thông qua các biện pháp hợp tác trong nhiều lĩnh vực như chống khủng bố, tình báo, do thám, trinh sát và cả hỗ trợ nhân đạo, khắc phục hậu quả thiên tai.
Vào năm 2012, những động thái hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông thách thức các cam kết của Mỹ đối với đồng minh hiệp ước Philippines. Sự kiện Bãi cạn Scarborough là nền tảng dẫn tới việc thành lập Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường năm 2014.
Việc ông Duterte lên nắm quyền vào năm 2016 cũng là bước ngoặt thay đổi cục diện, không chỉ bởi lập trường chống Mỹ của chính trị gia này mà còn bởi “chính sách đối ngoại độc lập” mà ông thúc đẩy, vốn càng trở trên mạnh mẽ trong bối cảnh có nhiều ý kiến về việc Manila quá lệ thuộc vào Washington.
Tranh cãi về việc xét thị thực cho một chính trị gia có thể đẩy quan hệ liên minh Mỹ-Philippines tới bờ vực thẳm. Dù có lý do để cho rằng việc 2 bên tìm cách cân bằng mối quan hệ là điều chắc chắn sẽ diễn ra bất chấp cuộc khủng hoảng hiện nay, song mọi chuyện không đơn giản như vậy.
[Điều gì sẽ xảy ra khi các lực lượng Mỹ phải rời Philippines?]
Có 3 yếu tố có thể khiến quá trình tái cân bằng này đi chệch hướng. Thứ nhất, dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) và ảnh hưởng của nó đối với quan hệ Mỹ-Trung sẽ có những tác động nhất định. Thiệt hại kinh tế do dịch COVID-19 không hề nhỏ.
Các biện pháp đóng cửa và cách ly xã hội đồng nghĩa với việc hạn chế việc đi lại của hàng trăm triệu người. Sự gián đoạn của chuỗi cung ứng khiến nhu cầu xuất khẩu giảm mạnh, kéo tụt tốc độ tăng trưởng thường niên của Trung Quốc.
Bên cạnh những phí tổn về kinh tế, chính phủ Trung Quốc còn đang nỗ lực chuyển hướng dư luận trong nước từ “cuộc chiến nhân dân” chống lại dịch bệnh sang lập luận rằng dù SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại Trung Quốc song virus có thể không bắt nguồn từ quốc gia này.
Việc Trung Quốc kiềm chế số ca mắc mới mỗi ngày xuống mức 1 con số cũng cho thấy họ hoàn toàn có khả năng trở thành một đối thủ lớn trong cuộc đua hồi phục trên toàn cầu. Cách Trung Quốc thoát khỏi dịch COVID-19 và phục hồi sẽ tái định hình vị thế cường quốc đang nổi của họ cũng như mối quan hệ với Mỹ.
Yếu tố thứ hai có thể làm phức tạp hơn bối cảnh chính trị của quan hệ Mỹ-Philippines chính là vai trò của Mỹ trong môi trường toàn cầu luôn biến động.
Mỹ không còn là siêu cường duy nhất và ngày càng tập trung hơn cho các vấn đề đối nội, vì vậy rất có thể họ sẽ chấp nhận để mặc một số mối quan hệ liên minh. Đây thực sự là một nguy cơ lớn khi Donald Trump tại vị và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang tới gần.
Thứ ba, bối cảnh chính trị tại Philippines cũng có những ảnh hưởng không hề nhỏ. Khi Duterte lên nắm quyền vào năm 2016, những chiến thuật cứng rắn của ông đã ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại bởi ông cần phải xử lý cả quan hệ với Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh các tranh cãi ở Biển Đông. Điều này đòi hỏi Manila phải có một sự cân bằng thay vì chiến lược “xoay trục” sang Trung Quốc.
Nói một cách ngắn gọn, chiến lược của Philippines cho đến nay đã đi từ cân bằng, sang phòng ngừa, và cuối cùng là giải quyết hệ quả. Vấn đề nằm ở chỗ những thay đổi này lại mang màu sắc chính trị chứ không hề có các tính toán chiến lược đi kèm. Khi cuộc bầu cử năm 2022 đến gần, liệu những suy nghĩ tương tự có lặp lại hay không?
Số ca mắc COVID-19 tại Philippines hiện là hơn 6.700 người, và vẫn chưa rõ khi nào dịch bệnh sẽ được kiềm chế. Mối quan hệ Trung-Phi hậu COVID-19 sẽ như thế nào? Manila sẽ phản ứng ra sao nếu Trung Quốc một lần nữa dùng đến các chiến thuật chèn ép tại Biển Đông, tương tự những gì họ từng làm ở Bãi cạn Scarborough?
Tổng thống Duterte sẽ xoay xở thế nào với những kỳ vọng của người dân trong bối cảnh các khoản đầu tư của Trung Quốc chững lại do dịch bệnh?
Chắc chắn liên minh Mỹ-Philippines sẽ tìm lại được sự cân bằng, song con đường dẫn đến mục tiêu đó không tránh khỏi những gập ghềnh./.