Theo ông Nguyễn Đức Hòa, Phó trưởng Phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 6/4, khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ chịu ảnh hưởng của một đợt không khí lạnh yếu.
Như vậy, sau 5 ngày Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ xuất hiện nắng nóng, từ ngày 6/4, nắng nóng sẽ chấm dứt ở các khu vực này.
“Ngày 6/4, do ảnh hưởng của không khí lạnh yếu, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa rào, dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to; trong mưa dông cần đề phòng lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh. Từ ngày 7/4, nắng nóng kết thúc ở khu vực Trung Trung Bộ. Nắng nóng ở khu vực Nam Bộ tiếp tục duy trì,” ông Nguyễn Đức Hòa lưu ý.
Tuy nhiên, sau đó, không khí lạnh suy giảm dần về tần suất và cường độ. Trong tháng 4/2023, không khí lạnh tuy hoạt động suy yếu dần nhưng vẫn có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động trên các vùng biển. Nắng nóng có xu hướng gia tăng ở khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ vào nửa cuối tháng 4/2023.
Mưa dông kèm theo các hiện tượng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng.
[Các khu vực đều nắng nóng, có nơi gay gắt với nhiệt độ trên 39 độ C]
Trước các thông tin dự báo trên, ông Nguyễn Đức Hòa cảnh báo, người dân cần phải thường xuyên theo dõi thông tin dự báo, cảnh báo trên website của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia tại địa chỉ nchmf.gov.vn, các Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, thành phố và khu vực.
Bên cạnh đó, chính quyền và các đơn vị chức năng cần cung cấp nhanh, kịp thời thông tin dự báo thiên tai cho người dân, chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai bằng các hình thức khác nhau; vận động, tuyên truyền cũng như thực hiện lệnh cấm tuyệt đối người dân hoạt động tại các khu vực có nguy cơ rủi ro cao dễ xảy ra dông, lốc, sét, mưa đá...
Người dân trong khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng thiên tai cần theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia; cần tìm hiểu thêm về những hiện tượng thiên tai trong khu vực mình sinh sống như xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ, sạt lở…
Người dân cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn công tác ứng phó, phòng tránh thiên tai của chính quyền địa phương; cập nhật thường xuyên thông tin dự báo khí tượng thủy văn mới nhất trên các phương tiện truyền thông đại chúng chính thống của Trung ương và địa phương để chủ động ứng phó…/.