Trước đề xuất được lùi thời điểm kết thúc phát sóng tất cả các kênh chương trình truyền hình trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình tương tự mặt đất (analog) sang 31/12/2016 của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam không đồng ý.
Theo lộ trình số hóa truyền hình giai đoạn 1, 5 thành phố trực thuộc Trung ương gồm Hà Nội (cũ), Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ sẽ phải kết thúc phát sóng analog để chuyển sang truyền hình số mặt đất trước ngày 31/12. Thế nhưng, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Số hóa Truyền hình ngày 21/1, bà Phan Lan Tú, Giám đốc Sở Thông tin Hà Nội đề nghị được lùi thời điểm này sang ngày 31/12/2016-cùng thời điểm với lộ trình của Hà Nội (mở rộng).
Lý do được bà Tú đưa ra là để tạo bình đẳng giữa Hà Nội cũ và mới. Bên cạnh đó, Hà Nội hiện có 7,2 triệu dân thường trú và 3 triệu dân vãng lai nên việc chuyển đổi đồng loạt là “không đơn giản.” Ngoài ra, đài Hà Nội đang phát sóng phục vụ khoảng 20 triệu người xem nên nếu tắt sóng theo đúng lộ trình thì sẽ có khoảng 10 triệu dân ở khu vực lân cận không được xem tín hiệu analog…
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, kết thúc phát sóng truyền hình mặt đất công nghệ tương tự tại một tỉnh, khu vực để chuyển sang phát sóng truyền hình mặt đất công nghệ số khi 95% số hộ gia đình tại địa phương có máy thu hình có khả năng thu được các kênh chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị thông tin tuyên truyền thiết yếu.
Bởi thế, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, nếu sát đến thời hạn tắt sóng mà Hà Nội chưa sẵn sàng hoặc chưa đạt đủ số hộ mục tiêu thì mới xem xét lùi. Giờ còn một năm để triển khai mà đã xin hoãn thì không hợp lý.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son khẳng định quan điểm các địa phương thuộc giai đoạn 1 cần thực hiện đúng lộ trình được vạch ra.
“Năm 2015 là năm đầu tiên triển khai giai đoạn 1 của đề án, kết quả đạt được sẽ làm tiền đề cho những năm tiếp theo,” ông Son nhấn mạnh.
Trong năm 2014, Hà Nội cũng nhận được AVG hỗ trợ tới 50.000 đầu thu cho các hộ dân nghèo, cận nghèo. Bên cạnh đó, Hà Nội (cũ) là vùng kinh tế mạnh, tuyên truyền tốt… nên việc triển khai tắt sóng analog sẽ gặp nhiều thuận lợi. Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho rằng, Hà Nội (cũ) nên theo nhóm 1 và cố gắng đẩy nhanh tiến độ của Hà Nội (mới) chứ không nên kéo lùi tiến độ.
Cũng tại cuộc họp, Tiểu ban giúp việc Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam cho biết có hai phương án ngừng phát sóng truyền hình analog tại 5 thành phố thuộc giai đoạn 1.
Cụ thể, theo phương án 1 sẽ ngừng phát sóng và phát bù sóng tương tự cho các địa bàn lân cận chịu ảnh hưởng và hỗ trợ đầu thu truyền hình số theo địa giới hành chính.
Ưu điểm của phương án này là phù hợp với kế hoạch đề ra trong Quyết định số 2451/QĐ-TTg nhưng sẽ phải đầu tư, thiết lập nhiều trạm phát bù truyền hình tương tự tại các tỉnh lân cận. Theo tính toán, dự kiến cần 200 tỷ đồng để thiết lập trạm phát lại và 20 tỷ đồng/năm để vận hành.
Phương án 2 sẽ ngừng phát sóng analog và hỗ trợ đầu thu truyền hình số (Set-Top-Box) theo vùng phủ sóng. Theo đó, các hộ dân thuộc diện hỗ trợ ở khu vực lân cận, chịu ảnh hưởng bởi việc ngừng phát sóng analog của 5 thành phố lớn giai đoạn 1 sẽ được hỗ trợ đầu thu sớm hơn so với dự kiến trước đây.
Theo phương án này, chi phí hỗ trợ đầu thu cho giai đoạn 1 khoảng từ 260-280 tỷ đồng (với mức hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo có đối tượng chính sách và hộ cận nghèo lần lượt là 100%, 100% và 80%).
Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện cho hay, ưu điểm của phương án 2 là không phải đầu tư thêm hệ thống các đài phát bù và thực hiện được việc tắt sóng analog ở 5 thành phố theo đúng lộ trình. Ngoài ra, thị trường đầu thu sẽ được đẩy mạnh hơn, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước tham gia thị trường để phục vụ nhu cầu phát sinh đột biến. Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là việc tính toán vùng hỗ trợ sẽ phải chi tiết và phức tạp hơn phương án 1.
Về vấn đề này, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết hiện các ý kiến nghiêng về phương án 2 vì nhiều điểm ưu việt, đặc biệt sẽ đẩy nhanh tiến độ của đền án và tránh lãng phí nguồn lực./.