Bắc Giang: Lục Ngạn thực hiện thành công 'mục tiêu kép'

Trong bối cảnh dịch bệnh, Lục Ngạn vẫn tiêu thụ hết 145.000 tấn vải thiều, mang lại giá trị kinh tế hơn 4.000 tỷ đồng, đồng thời đảm bảo phòng chống dịch, không ghi nhận ca mắc mới từ 10 ngày qua.
Các tình nguyện viên Đoàn thanh niên huyện Lục Ngạn giúp người dân thu hoạch vải thiều. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Giữa vụ vải thiều 2021, dịch COVID-19 bùng phát, đe dọa thành quả kinh tế cả năm của người trồng vải ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.

Tuy nhiên, kế hoạch tiêu thụ vải thiều trong đại dịch đã được lên từ sớm, chính quyền tỉnh Bắc Giang đã chủ động, sáng tạo hành động quyết liệt phòng, chống dịch hiệu quả.

Kết quả toàn bộ 145.000 tấn vải thiều huyện Lục Ngạn đã tiêu thụ hết, mang lại giá trị kinh tế hơn 4.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, 10 ngày qua, toàn huyện không ghi nhận ca mắc mới, “nhiệm vụ kép” đã được thực hiện thành công. Người dân thêm tin tưởng và tiếp tục đồng lòng cùng chính quyền phòng, chống dịch và bắt đầu những vụ mùa mới đầy hứa hẹn.

[Hành trình vải thiều Bắc Giang chinh phục thị trường Nhật Bản]

Để có được thành công này, chính quyền tỉnh Bắc Giang đã có sự quan tâm đặc biệt tới huyện Lục Ngạn từ sớm, nhất là vào thời điểm cận kề mùa vụ vải thiều.

Ngay khi dịch bùng phát tại các khu công nghiệp, 3 kịch bản tiêu thụ vải thiều đã được lên kế hoạch.

“Vành đai bảo vệ vùng vải” được dựng lên. Hàng trăm lao động của Lục Ngạn là các trường hợp F0, F1 được giữ lại tại các khu cách ly của huyện Việt Yên (Bắc Giang) tránh nguy cơ lây lan dịch.

Nhiều chốt kiểm tra y tế được lập trên các tuyến đường trục chính vào các vùng sản xuất vải thiều tập trung.

Các lao động liên quan như lái xe, người thu hoạch, sơ chế, đóng gói, vận chuyển vải từ địa phương khác đến đều phải xét nghiệm và được cấp giấy chứng nhận âm tính với SARS-CoV-2.

Cùng với đó, tỉnh Bắc Giang phối hợp với các bộ, ban, ngành cùng các địa phương thống nhất về phương án lưu thông vải an toàn. Vải, phương tiện bảo quản, chủ hàng, xe và lái xe vận chuyển đều được xét nghiệm và phun khử khuẩn. Tỉnh đẩy mạnh đưa quả vải lên nhiều sàn thương mại điện tử.

Mặc dù vậy, người trồng vải vẫn “đứng ngồi không yên.”

Phó Chủ tịch xã Thanh Hải (huyện Lục) Ngạn Tống Anh Vũ cho biết khi đó, xã có hơn 3.000 hộ dân trồng vải với 776ha, sản lượng dự kiến gần 10.000 tấn. Được sự chỉ đạo của tỉnh, xã lập 4 chốt kiểm soát dịch, người dân tự lập 65 chốt kiểm dịch tại tất cả các đường ra vào thôn, hoạt động 24/24h.

Thế nhưng “Vành đai bảo vệ vùng vải” vẫn bị chọc thủng. Ca mắc COVID-19 đầu tiên tại Lục Ngạn được phát hiện ngày 15/6 đúng dịp vải thiều vào chính vụ. Ngay lập tức, Ban Chỉ đạo tiền phương số 2 được lập dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang Mai Sơn.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang Mai Sơn cho biết xác định ổ dịch này có nguy cơ trở thành ổ dịch lớn, đáng lo ngại, có thể lan trên diện rộng, kể cả sang địa phương khác do hoạt động mua bán vải thiều diễn ra rất sôi động. Đúng như nhận định hàng chục trường hợp F0 được phát hiện khiến 22 xã bị cách ly, huyện kích hoạt 74 khu vực cách ly. Lục Ngạn trở thành ổ dịch cộng đồng lớn trong tỉnh.

Với phương châm thần tốc dập dịch, xác định Lục Ngạn là mặt trận chính thay cho huyện Việt Yên, tỉnh đã huy động tối đa vật lực và nhân lực.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang Mai Sơn, thời điểm đó, ba Tổ công tác phòng, chống COVID-19 của tỉnh được cử về Lục Ngạn, cùng với chính quyền liên tục kiểm tra, rà soát cơ sở, đặc biệt những khu cách ly, để giám sát hoạt động của lực lượng chống dịch và người dân, kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn, phòng, chống lây chéo. Đây là bài học lớn rút kinh nghiệm từ Việt Yên.

Kiểm tra y tế tại chốt kiểm soát dịch bệnh xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Tỉnh đã phê bình hai Phó Chủ tịch huyện, đình chỉ ba Chủ tịch xã và xử phạt hàng trăm trường hợp người dân vi phạm quy định phòng, chống dịch. Đặc biệt, Lục Ngạn là nơi đầu tiên đưa ra xét xử trường hợp làm lây lan dịch bệnh.

Song song các biện pháp phòng, chống dịch, công tác tiêu thụ vải được quan tâm hàng đầu với phương châm “Chống dịch để tiêu thụ nông sản, tiêu thụ nông sản để chống dịch.”

Căn cứ kết quả xét nghiệm tầm soát, Ban Chỉ đạo tiền phương đã đưa ra bản đồ dịch tễ, kết hợp với bản đồ các vùng vải thiều của huyện, bản đồ hành chính để xác định khoanh vùng cách ly y tế ở phạm vi nhỏ nhất, trọng tâm nhất, ít ảnh hưởng nhất đến tiêu thụ vải thiều.

Với các xã trong diện cách ly, huyện có cách làm rất sáng tạo là cho phép thương lái đưa xe tải lớn vào tận vườn để thu mua vải.

Kịch bản xây dựng lò vải sấy khô (người dân được chính quyền hỗ trợ từ 1-4 triệu đồng/lò) đã phát huy tác dụng, giảm đáng kể áp lực tiêu thụ vải thiều tươi.

Phó Chủ tịch xã Thanh Hải Tống Anh Vũ hồ hởi khi toàn xã tiêu thụ được 50% số lượng vải thiều thì thực hiện cách ly y tế, song các biện pháp hỗ trợ người dân tiêu thụ vải của chính quyền đã trấn an người dân, cuộc sống không bị ảnh hưởng nhiều.

Số lượng vải thiều đã cơ bản tiêu thụ hết, trong đó 50% được tiêu thụ trước khi bị cách ly, 25% được chính quyền cho phép thương nhân đưa xe vào tận nơi thu mua, còn lại được đem sấy khô để bán...

Vụ vải thiều của huyện Lục Ngạn đã thành công ngoài dự kiến và kết thúc sớm 20 ngày so với năm trước.

Thành công của Lục Ngạn là bài học kinh nghiệm quý trong công tác phòng, chống dịch và tiêu thụ nông sản, góp phần củng cố thêm niềm tin của nhân dân với các cấp chính quyền./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục