Bắc Giang thu hút dự án công nghệ cao ở khu công nghiệp Quang Châu

Khu Công nghiệp Quang Châu hiện có 18 doanh nghiệp đầu tư gồm hai dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký trên 1.286 tỷ đồng, 16 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 1.756 triệu USD.
Dây chuyền đóng gói các tấm pin năng lượng Mặt Trời tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn JA Solar Việt Nam, vốn đầu tư của Hong Kong (Trung Quốc) tại khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang). (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Với địa hình đa dạng (có cả đồng bằng, trung du, miền núi), giao thông thuận tiện, Bắc Giang có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển các ngành công nghiệp điện tử, thiết bị điện, chế biến nông sản thực phẩm, công nghiệp cơ khí, hóa chất, sản xuất vật liệu xây dựng...

Hiện trên địa bàn tỉnh đã có sáu khu công nghiệp được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng, trong đó tại Khu Công nghiệp Quang Châu có 18 doanh nghiệp đầu tư gồm hai dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký trên 1.286 tỷ đồng, 16 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 1.756 triệu USD.

Thu hút đầu tư các dự án “sạch”

Theo ông Nguyễn Xuân Ngọc, Phó Trưởng ban Ban quản lý các Khu Công nghiệp Bắc Giang, đến nay tổng số dự án đầu tư trong các khu công nghiệp là 317 dự án đăng ký đầu tư còn hiệu lực (bao gồm 12 dự án đầu tư hạ tầng và 305 dự án thứ cấp), trong đó có 94 dự án trong nước và 223 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 7.865 tỷ đồng và 3.090 triệu USD (hiệu quả vốn đầu tư đạt 75 tỷ đồng/ha).

Ngành nghề thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp của tỉnh chủ yếu là gia công, lắp ráp linh kiện điện tử; cơ khí chế tạo; pin năng lượng Mặt Trời, may mặc... Các khu công nghiệp của tỉnh đã giải quyết việc làm cho khoảng 85.000 lao động.

Trên địa bàn tỉnh dù có nhiều doanh nghiệp nhỏ nhưng vốn đầu tư tương đối lớn, giá trị sản xuất tăng do sản xuất phụ kiện ôtô, linh kiện điện tử, pin Mặt Trời…

Hiện tỉnh đứng thứ sáu trên toàn quốc về thu hút đầu tư sau một số tỉnh như Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh và thành phố Hà Nội. Tuy vậy, vướng mắc lớn nhất chính là ở Luật Quy hoạch; hạ tầng nhiều khu công nghiệp chậm được đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ; một số sở, ngành, địa phương chưa chủ động trong xúc tiến đầu tư.

Các dự án gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện, đặc biệt là khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng tiếp cận đất đai để có mặt bằng thực hiện dự án. Nguyên nhân là do sự vào cuộc chậm chạp của các cấp chính quyền, người dân chưa hiểu hết ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án đối với phát triển kinh tế-xã hội địa phương; phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương trong việc tham gia ý kiến thẩm định hồ sơ dự án còn hạn chế.

Nhằm tạo thêm quỹ đất cho các nhà đầu tư cũng như tạo ra một hành lang phát triển công nghiệp, tỉnh sẽ rà soát lại quy hoạch phát triển các khu công nghiệp hiện có, định hướng quy hoạch phát triển một số khu công nghiệp mới trên địa bàn trong giai đoạn 2020-2030, từng bước đưa Bắc Giang trở thành tỉnh có ngành công nghiệp phát triển, theo kịp với sự phát triển chung của cả nước.

[Bắc Giang nỗ lực hướng tới chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu]

Trưởng phòng Quản lý doanh nghiệp Khu Công nghiệp Bắc Giang Trần Văn Thống cho biết, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cụ thể của các doanh nghiệp, nhà đầu tư đang triển khai dự án trên địa bàn, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị tỉnh có văn bản chỉ đạo một số nội dung liên quan phối hợp nhiều ngành như giao thông vận tải, xây dựng, địa phương, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và ngay cả chính doanh nghiệp.

Nhờ đó chỉ riêng trong quý 1/2019, Bắc Giang đã cấp mới 30 dự án đầu tư, trong đó có 11 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đạt trên 180 tỷ đồng và 19 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt trên 148 triệu USD.

Đặc biệt, trong số các dự án sản xuất công nghiệp ở tỉnh có tám dự án sản xuất pin năng lượng Mặt Trời (đều là các dự án của các nhà đầu tư nước ngoài), điều này cho thấy lĩnh vực sản xuất pin năng lượng Mặt Trời cũng thu hút được khá nhiều các nhà đầu tư quan tâm.

Hiện có tới doanh nghiệp của 12 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư trực tiếp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, trong đó nhiều nhất là các nhà đầu tư Hàn Quốc với 218 dự án; tiếp đến là Trung Quốc có 95 dự án; Nhật Bản có 22 dự án; còn lại là các quốc gia khác.

Chế tạo vật liệu sản xuất pin năng lượng mặt trời tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn JA Solar Việt Nam, vốn đầu tư của Hong Kong (Trung Quốc) tại khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang). (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Sản xuất sạch, môi trường xanh

Đây là tiêu chí sản xuất của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn JA Solar Việt Nam tại Khu Công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đề ra.

Trên thực tế, sản xuất pin năng lượng Mặt Trời là xu thế sử dụng công nghệ cao để tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, tận dụng nguồn năng lượng dồi dào này để đầu tư phát triển giá trị gia tăng cho nền kinh tế.

Chính vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký Quyết định số 2795/QĐ-BTNMT phê duyệt đánh giá tác động môi trường Dự án nhà máy sản xuất tấm silic và lắp ghép tấm pin năng lượng Mặt Trời công suất 1500 MW/năm cho JA Solar Việt Nam.

Với tổng diện tích 18,86ha được quy hoạch khoa học và hiện đại gồm ba Nhà xưởng tổng hợp, Kho phụ liệu và Xưởng lắp ghép sản phẩm tấm pin năng lượng Mặt Trời. Công ty chuyên sản xuất thanh silic đơn tinh thể, thỏi silic đa tinh thể và tấm pin năng lượng Mặt Trời, các khâu sản xuất đều tự động hóa.

Các sản phẩm ngoài tiêu thụ trên thị trường Việt Nam, còn chủ yếu xuất sang Malaysia, chất lượng sản phẩm được bảo hành 25 năm, sau 25 năm hoạt động các sản phẩm đều được Công ty thu hồi để tái chế.

Ông Ni Bùi Gia, Giám đốc an toàn môi trường Tập đoàn JA, cho biết để phòng ngừa ô nhiễm môi trường, Công ty có các hạng mục công trình phụ trợ là kho chứa chất thải rắn công nghiệp, kho chứa chất thải nguy hại, hệ thống giao thông nội bộ, cây xanh.

Trong xử lý chất thải, nước thải, công ty phân ra hai loại là nước thải rửa nguyên liệu, nước thải rửa sản phẩm trong quá trình thi công. Cụ thể, khối lượng xử lý nước thải rửa nguyên liệu có hợp chất là khoảng 500m3/ngày đêm; nước thải rửa sản phẩm có sử dụng chất hữu cơ khoảng 1.000m3/ngày đêm, tổng cộng lý nước thải khoảng 1.500m3/ngày đêm.

Theo ông Lý Quảng Triệt, Phó Tổng Giám đốc Thường vụ Công ty, hiện Công ty đã hoàn thiện những yêu cầu bảo vệ môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường, về thiết kế, thi công xây lắp và vận hành hiệu quả một trạm xử lý nước thải tập trung của dự án với công suất 5.400m3/ngày đêm.

Nước thải của nhà máy đảm bảo được thu gom và xử lý toàn bộ trong quá trình vận hành dự án đạt QCVN 40:2011/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp cột A. Công ty cũng đã lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động liên tục trước cửa xả của trạm xử lý nước thải tập trung, kết nối kết quả quan trắc tự động về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang theo đúng quy định.

“Thời gian qua, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn JA Solar Việt Nam đã tuân thủ các quy định về nhập khẩu hóa chất, quản lý lưu trữ và sử dụng và phải xây dựng kế hoạch ứng phó với sự cố hóa chất để giảm thiếu các tiêu cực tới môi trường sống, môi trường sinh thái. Ngoài ra, công ty còn thực hiên chương trình giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường đối với đội ngũ cán bộ và công nhân…,” Trưởng phòng Quản lý doanh nghiệp Khu Công nghiệp Bắc Giang Trần Văn Thống khẳng định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục