Chiều 18/11, Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Thành ủy và Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh do Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Phan Nguyễn Như Khuê làm Trưởng đoàn, làm việc với lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu.
Tại buổi làm việc, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao sự phát triển nhanh chóng của tỉnh Bạc Liêu, nhất là trong những năm qua, dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng tỉnh vẫn có bước phát triển đáng ghi nhận.
Điểm đáng ghi nhận của tỉnh chính là việc xác định được 5 trụ cột phát triển kinh tế -xã hội; xây dựng tỉnh trở thành trung tâm công nghiệp tôm của cả nước và năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có những chia sẻ với tỉnh Bạc Liêu trong việc đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm đặc thù của tỉnh, thu hút được các nhà đầu tư đến với tỉnh Bạc Liêu, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới và xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ sản xuất, giao thương; công tác phối hợp truyền thông với các cơ quan báo chí để đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm, thế mạnh tiềm năng của tỉnh như tôm-lúa, điện gió.
[Đưa tỉnh Bạc Liêu phát triển theo hướng xanh và bền vững]
Phó Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lê Thị Ái Nam cho biết 10 tháng đầu năm 2022, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là dịch COVID-19 vẫn còn tiềm ẩn, song nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương, cùng sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân trong thực hiện “mục tiêu kép” nên tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh tiếp tục ổn định, phát triển và đạt được những kết quả quan trọng.
Đặc biệt, tỉnh đã ban hành các chủ trương, nghị quyết tập trung lãnh đạo trên các lĩnh vực; chỉ đạo chính quyền các cấp cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả.
Cụ thể, trong 10 tháng đầu năm 2022, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy hải sản đạt 371.789 tấn, tăng hơn 8% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 705 triệu USD (tăng hơn 10%) so với cùng kỳ; toàn tỉnh có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; 91 sản phẩm được công nhận đạt OCOP...
Đặc biệt, toàn tỉnh Bạc Liêu có 8 dự án điện gió hoàn thành hòa vào lưới điện quốc gia với tổng công suất 469,2 MW.
Tỉnh Bạc Liêu đang tập trung đẩy mạnh thực hiện 5 trụ cột phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh gồm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm chủ lực là tôm, lúa gạo; phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời và điện khí); phát triển du lịch; phát triển giáo dục, y tế chất lượng cao; phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh).
Đồng thời, Bạc Liêu định hướng phát triển là trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước; là một trong những trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của quốc gia và trung tâm du lịch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Bà Lê Thị Ái Nam cũng thông tin thêm về công tác chuẩn bị của tỉnh Bạc Liêu cho Ngày hội Văn hóa-Du lịch và Lễ hội Dạ cổ Hoài lang 2022 sắp diễn ra. Ngày hội có tổng số 14 sự kiện, trong đó sẽ có 6 sự kiện diễn ra trước ngày khai mạc và 8 sự kiện diễn ra sau ngày khai mạc.
Đơn vị tổ chức đã lên phương án không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của các địa phương, mời các đơn vị tham gia Hội chợ công nghiệp-thương mại-du lịch và sản phẩm OCOP; mời các doanh nghiệp lữ hành tham gia khảo sát các sản phẩm du lịch mới của tỉnh; mời các đầu bếp tham gia Ngày hội tôm và muối Bạc Liêu; gửi hồ sơ đề nghị xác lập kỷ lục Việt Nam đối với 122 món ăn được chế biến từ tôm và muối Bạc Liêu.
Tỉnh Bạc Liêu cũng xác định Ngày hội Văn hóa-Du lịch và Lễ hội Dạ cổ Hoài lang 2022 là dịp tốt nhất để giới thiệu, quảng bá thế mạnh của tỉnh đến với các doanh nghiệp, nhà đầu tư cả trong và ngoài nước; thông qua đó thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp vào tỉnh, cùng tỉnh phát triển./.