Bạc Liêu thực hiện 16 dự án đối phó với biến đổi khí hậu

Đến nay, tỉnh Bạc Liêu đã triển khai thực hiện 16 dự án đối phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2012-2020 với nguồn kinh phí hơn 3.338 tỷ đồng.
Đoạn kè chắn sóng chống sạt lở cửa biển Nhà Mát đang được thi công xây dựng. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tỉnh Bạc Liêu đã đầu tư 101 dự án, công trình ưu tiên để hạn chế mức thấp nhất tác động của biến đổi khí hậu, nhất là nước biển dâng.

Đến nay, tỉnh đã triển khai thực hiện 16 dự án giai đoạn 2012-2020 với nguồn kinh phí hơn 3.338 tỷ đồng. Điển hình như công trình kè Nhà Mát, kè sông Bạc Liêu, kè Gành Hào và trồng rừng phòng hộ...

Bạc Liêu có hơn 224.600ha đất sản xuất, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp chiếm 41,65%, đất nuôi trồng thủy sản 46,25%, đất lâm nghiệp 1,91%.

Theo dự báo, biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng sẽ thu hẹp không gian sinh sống của người dân, nhất là các huyện Đông Hải, Hòa Bình, thành phố Bạc Liêu.

Theo kịch bản, nước biển dâng 30cm thì số dân trong tỉnh bị ảnh hưởng về chỗ ở khoảng 553.000 người, trong đó huyện Đông Hải chịu ảnh hưởng nặng nhất.

Để ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tỉnh đã xây dựng nhiều dự án, công trình làm giảm thiệt hại.

Tỉnh cũng đã kêu gọi đầu tư một số dự án phát triển khoa học-công nghệ giảm thải khí nhà kính. Điển hình là dự án điện gió Bạc Liêu, dự án này sử dụng năng lượng gió, giảm phát thải khí nhà kính.

Đồng thời triển khai nhiều dự án phát triển năng lượng mới như năng lượng môi trường, năng lượng biogas và chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ, vỏ đầu tôm; mở rộng diện tích rừng phòng hộ, trồng cây phân tán, lồng ghép việc ứng phó biến đổi khí hậu vào các chương trình, dự án trên tất cả các lĩnh vực của tỉnh; tuyên truyền cho hơn 10.000 lượt cán bộ, nhân dân các xã ven biển để nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu cho biết thời gian qua, triều cường, nước biển dâng cao làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân ven biển.

Để ứng phó với biến đổi khí hậu, tỉnh đã phát động người dân làm đê bảo vệ ao tôm để tránh thiệt hại, vận động người dân trồng rừng phòng hộ.

Tuy nhiên, tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục đầu tư một số công trình mang tính lâu dài cho địa phương như tiếp tục đầu tư thi công kè Gành Hào. Song song đó là việc phân bổ nguồn vốn hàng năm để tỉnh thực hiện các chương trình, dự án và đầu tư mua sắm các thiết bị hiện đại phục vụ dự báo, cảnh báo về biến đổi khí hậu, nhất là nước biển dâng.

Ngoài ra, tỉnh cũng khuyến cáo nhân dân vùng ven biển chủ động các biện pháp tự bảo vệ sản xuất, cơi nới nhà ở để ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục