Hiện nay, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tỉnh Bắc Ninh đang ở mức thấp, hiện, tỉnh đang tích cực triển khai các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công phấn đấu giải ngân 100% vốn đúng kế hoạch được giao.
Nhiều dự án “gặp khó”
Dự án Đầu tư mở rộng Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh có tổng mức đầu tư kinh phí hơn 491 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích 2,2ha, gồm khối nhà tổng hợp với 9 tầng nhà, tầng mái và 1 tầng hầm và khối nhà truyền nhiễm cao 3 tầng. Đây là công trình bệnh viện chuyên khoa có quy mô lớn, nhiều tiện ích hiện đại trong khu vực.
Công trình đi vào sử dụng ngoài việc đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong và ngoài tỉnh, giảm tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương, công trình còn góp phần tạo điểm nhấn về không gian kiến trúc cảnh quan của thành phố Bắc Ninh.
Nhằm đảm bảo công trình được triển khai theo đúng tiến độ, anh Vũ Thế Nhân, Chỉ huy trưởng công trình Đầu tư mở rộng Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh, cho biết ngay sau khi mặt bằng được bàn giao, nhà thầu đã gấp rút chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực thi công.
[Có tới 27 Bộ và 3 địa phương tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công dưới 20%]
Được khởi công từ tháng 1/2022, dự kiến hoàn thành tháng 6/2024, đến nay, nhà thầu đang thực hiện ép cọc đại trà, đạt đúng tiến độ đề ra.
Tuy nhiên, hiện nay, trong quá trình thi công, đơn vị gặp phải nhiều khó khăn, nhất là do giá nguyên vật liệu tăng, trong khi đó điều chỉnh giá của Liên sở Xây dựng-Tài chính không theo sát với giá thị trường ảnh hưởng không nhỏ đến nhà thầu.
Cụ thể, để hoàn thiện dự án, nhà thầu phải sử dụng trên 2.000 tấn thép. Hiện nay, giá thép thị trường là 16 triệu đồng/tấn, trong khi báo giá Liên sở Xây dựng-Tài chính là hơn 15 triệu đồng/tấn, giá ximăng theo công bố là 1,1 triệu đồng/tấn trong khi giá thị trường 1,4 triệu/tấn.
Như vậy, để hoàn thiện được công trình, nhà thầu sẽ phải “bù lỗ” rất nhiều. Vì vậy, nhà thầu đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh cần cập nhật giá nguyên vật liệu sát với giá thực tế để “gỡ khó” cho nhà thầu.
Cùng khó khăn về giá nguyên, vật liệu tăng cao, Dự án Đầu tư xây dựng Đường tỉnh 278 đoạn từ Quốc lộ 18 đến đê sông Cầu (huyện Quế Võ) được triển khai thi công từ tháng 12/2020.
Hiện liên danh nhà thầu đang đào, đắp cát nền đường và hệ thống cống, thi công đắp cấp phối đá dăm loại II và hệ thống thoát nước...
Tuy nhiên, hiện tiến độ thi công đang cầm chừng do nhiên vật liệu (cát, đá, sỏi...) khan hiếm, giá tăng cao so với công bố giá của các cơ quan chức năng ảnh hưởng đến nguồn cung cấp vật liệu cho gói thầu.
Anh Nguyễn Văn Du, Chỉ huy trưởng công trình của nhà thầu thi công, Công ty Cổ phần Thương mại và Xây dựng Tân Thành, cho biết hiện dự án đang trong quá trình thi công nền đường, nhà thầu chủ yếu sử dụng cát và đá để làm đường, từ khi đấu thầu công trình đến nay, giá cả nguyên vật liệu tăng gấp hơn 2 lần.
Cụ thể, khi đấu thầu công trình năm 2020, nhà thầu đưa ra mức giá đấu thầu 100.000 đồng/m3 cát; đến nay, giá cát đến chân công trình có thời điểm lên đến 250.000-270.000 đồng/m3.
Trong khi tại bảng giá vật liệu xây dựng đến chân công tình tại khu vực trung tâm các huyện do Liên sở Tài chính-Xây dựng công bố tháng 7/2022 chỉ ở mức 155.000-168.000 đồng/m3; thời điểm trước (từ tháng 3-6/2022), giá cát san nền được công bố dao động từ mức 95.000-108.000 đồng/m3, thấp hơn nhiều so với giá thực tế trên thị trường và cũng thấp hơn giá công bố của các địa phương lân cận như Bắc Giang (từ 140.000-160.000 đồng).
Theo tính toán của nhà thầu, để hoàn thành đắp nền, riêng nguyên vật liệu cát để thi công và chi phí nhân công nhà thầu bị lỗ từ 1,5-2 tỷ đồng/km.
Hơn nữa, do nguồn cung khan hiếm nên dù giá tăng khá cao, song nhiều thời điểm các nhà thầu cũng rất khó khăn để đưa cát, đá về công trình.
Ngoài ra, hiện nay việc khó khăn trong giải phóng mặt bằng cũng đang “làm khó” nhà thầu. Ông Đặng Công Trung, Giám đốc Ban Quản lý các dự án xây dựng huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, cho biết ở Yên Phong, nhiều dự án hiện tiến độ giải ngân vốn đang chậm do gặp nhiều vướng mắc, đặc biệt là vấn đề giải phóng mặt bằng.
Đơn cử như Dự án Xây dựng đường nối từ đê sông Cầu, xã Dũng Liệt đi Khu công nghiệp Yên Phong I mở rộng, huyện Yên Phong được Hội đồng Nhân dân tỉnh Bắc Ninh phê duyệt với tổng mức đầu tư gần 71 tỷ đồng với tổng chiều dài trên 2.450m.
Tuy nhiên, khi lựa chọn nhà thầu phải đấu thầu lại lần thứ 2 nên tiến độ dự án chậm 6 tháng so với kế hoạch thi công.
Ngoài ra, một số hộ gia đình, cá nhân không chấp thuận phương án thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng nên không có mặt bằng thi công.
Hay như Dự án Đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải làng nghề xã Văn Môn, huyện Yên Phong cũng không thể triển khai được do nhiều hộ dân không đồng ý phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng.
Với những trường hợp đó, huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận để xây dựng các dự án đảm bảo tiến độ.
"Dồn sức" đạt kế hoạch đề ra
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Đình Xuân, tính đến hết 15/8, tỉnh Bắc Ninh đã giải ngân được trên 2.500 tỷ đồng.
Số vốn giải ngân so với kế hoạch vốn Chính phủ giao của tỉnh Bắc Ninh đạt tỷ lệ 36,24%.
Số vốn giải ngân so với kế hoạch vốn Hội đồng Nhân dân tỉnh giao đạt tỷ lệ 26,51%.
Số vốn giải ngân so với kế hoạch vốn Ủy ban Nhân dân tỉnh giao cho Ủy ban Nhân dân cấp huyện và phân bổ chi tiết cho chủ đầu tư các dự án cấp tỉnh quản lý năm 2022 đạt 29,78%.
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Bắc Ninh đang chậm hơn so với những năm trước.
Nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm được Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh cho biết với các dự án có quy mô lớn có tính chất liên kết vùng như Dự án Cầu Kênh Vàng kết nối 2 tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương theo quy định phải được các Bộ chuyên ngành thỏa thuận, thẩm định, cấp phép thi công cũng ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ triển khai và giải ngân dự án.
Ngoài ra, đối với dự án sử dụng vốn trong cân đối ngân sách chủ yếu khó khăn trong giải phóng mặt bằng, người dân đòi hỏi giá đền bù cao hơn đơn giá nhà nước quy định; dịch COVID-19 và tình hình thế giới xung đột ảnh hưởng tới giá nguyên vật liệu, giá nhân công thực tế tăng cao so với đơn giá và thông báo của cơ quan nhà nước dẫn đến một số các đơn vị thi công cầm chừng chờ hướng dẫn điều chỉnh chính sách bù giá nguyên nhiên vật liệu.
Bên cạnh đó, trong kế hoạch vốn Chính phủ giao cho tỉnh Bắc Ninh năm 2022 có 4.000 tỷ đồng là tiền sử dụng đất của địa phương, chiếm 58% kế hoạch vốn năm; trong đó, với hơn 3.500 tỷ đồng thuộc ngân sách cấp huyện, xã.
Với đặc thù tiền thu sử dụng đất là tiền phát sinh thực tế trong năm, chỉ phân bổ chi tiết và giải ngân sau khi được thu, nộp vào ngân sách nhà nước.
Mặt khác, việc triển khai các dự án đấu giá đất trên địa bàn tỉnh đang chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân, ảnh hưởng đến tiến độ thu ngân sách và phân bổ, giải ngân đối với nguồn vốn này...
Giám đốc Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh cũng thẳng thắn thừa nhận có một số chủ quan như một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa chủ động, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo; chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; chưa phối hợp chặt chẽ trong triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, nhất là trong tuyên truyền, vận động, bồi thường giải phóng mặt bằng; năng lực và ý thức một số chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, thi công còn hạn chế, thiếu quyết liệt; việc chuẩn bị dự án chất lượng chưa cao; quyết toán dự án, hoàn thành còn chậm...
Với mục tiêu phấn đấu đến tháng 9/2022 giải ngân đạt 60%, đến 31/12/2022 đạt 90% và đến 31/1/2023 giải ngân 100% kế hoạch vốn Chính phủ giao, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức đôn đốc, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện kế hoạch, bảo đảm tiến độ đề ra.
Việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân phải gắn với việc kiểm soát chất lượng và thực hiện đúng theo quy định; khẩn trương đề xuất điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt và có nhu cầu bổ sung vốn theo quy định, tuân thủ việc đề xuất, tham mưu điều chuyển vốn kế hoạch năm 2022 trước ngày 15/11/2022 theo quy định.
Ngoài ra, tỉnh tập trung đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, khẩn trương thực hiện nghiệm thu, thanh toán, giải ngân vốn khi có khối lượng nghiệm thu, không để dồn khối lượng vào cuối năm; kịp thời xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, chậm giao nộp thủ tục thanh toán khối lượng hoàn thành và vi phạm các điều khoản hợp đồng ký kết.
Xử lý điều chuyển cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công./.