Nhắc về Thủ đô những ngày kháng chiến gian khổ, người Hà Nội đều nhắc nhớ đến bác sỹ Trần Duy Hưng, vị Chủ tịch đầu tiên của Thủ đô với lòng tự hào, cảm phục và yêu mến.
Ông là người đại diện của trí thức, của văn hóa, của một thế hệ lãnh đạo tài năng, đức độ, gần dân, vì dân, đúng nghĩa là công bộc của dân, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận xét: "Một con người của nhân dân, một trí thức để lại tấm gương sáng cho các thế hệ trí thức hôm nay và mai sau."
Tài năng và đức độ từ cốt cách con người
Bác sỹ Trần Duy Hưng là một người con của Hà Nội. Ông sinh ngày 16/1/1912 trong một gia đình trung lưu tại làng Hòe Thị, xã Xuân Phương, nay là phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội - một trong bốn địa danh nổi tiếng của Thủ đô xưa Mỗ, La, Canh, Cót, là những nơi đã sản sinh và nuôi dưỡng nhiều nhân tài cho đất nước.
Tiếp thu nề nếp gia phong, lại là người thông minh, học giỏi, ông đã chọn học nghề y nối nghiệp gia đình. Ông là bạn học với Giáo sư Tôn Thất Tùng, Giáo sư Đặng Văn Ngữ.
Với lòng yêu nước thương nòi đã ngấm vào từ cốt cách, cùng sự nhạy cảm và nhân ái của một lương y, ngay khi còn là sinh viên, chàng thanh niên Trần Duy Hưng đã đáp lại tiếng gọi của non sông, hăng hái tham gia các phong trào yêu nước và nhiều cuộc vận động xã hội đòi độc lập cho dân tộc.
Với cây đàn violon, ông cùng các đồng chí đến các chợ quê, vừa hát các bài ca yêu nước, vừa tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng các phong trào yêu nước do Mặt trận Việt Minh phát động.
Tốt nghiệp Đại học Y với thành tích xuất sắc, năm 1942, ở tuổi 30, ông cùng em gái mở một phòng khám tư tại số 6 phố Bông Nhuộm. Phòng khám đông khách bởi không chỉ nổi tiếng về chuyên môn giỏi, bác sỹ Trần Duy Hưng còn được đồng nghiệp và nhân dân yêu quý, kính trọng bởi đức độ của một người thầy thuốc sẵn sàng cưu mang, chữa bệnh miễn phí cho những người nghèo.
Phòng khám cũng là nơi cung cấp thuốc cho chiến khu, đồng thời là địa chỉ bí mật, là nơi gặp gỡ, che giấu các cán bộ Việt Minh. Vốn thân thiết với giới văn nghệ sỹ, nên các nhạc sỹ, như Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, hay Đỗ Nhuận… đều từng ở tại phòng khám của bác sỹ Trần Duy Hưng khi bị mật thám truy lùng.
Vừa tài năng, đức độ, lại hết lòng vì cách mạng, nên ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị bác sỹ Trần Duy Hưng đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội (sau này là Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội), thủ đô của nước Việt Nam mới. Khi đó, bác sỹ Trần Duy Hưng mới 33 tuổi.
Trong một bài trả lời phỏng vấn năm 1981, bác sỹ Trần Duy Hưng từng kể lại cuộc gặp gỡ định mệnh này: Đó là hôm 26 tháng 8, Bác cho gọi tôi lên trên nhà Bác Hồ viết tuyên ngôn độc lập.
Bác hỏi tôi “Tôi biết chú là bác sỹ, giờ chú ra làm chủ tịch thành phố chú nghĩ thế nào.” Tôi nói: “Thưa Bác, nếu đoàn thể và Bác cử cháu ra làm công tác y tế thì cháu rất yên tâm, cháu xin làm hết sức…”
Bác Hồ nói luôn: “Thế thì Bác có bao giờ làm Chủ tịch nước đâu, nhưng mà Bác, cháu chúng ta, dù là chủ tịch nước, dù là chủ tịch thành phố, thì cũng không phải là ông quan cách mạng, mà là người đầy tớ của nhân dân."
Những lời động viên và tin tưởng của Bác Hồ đã trở thành nguồn động lực để bác sỹ Trần Duy Hưng vững tâm nhận nhiệm vụ mới. Ông chuyên tâm cố gắng vừa quản lý, vừa học tập. Học tập qua sách vở, qua cuộc sống thường ngày, học tập từ chính cuộc đấu tranh của Nhân dân để xây dựng và bảo vệ một chính quyền thực sự của dân, cho dân và vì dân.
Nhà lãnh đạo dám nghĩ, dám làm
Theo thời gian, tầm nhìn sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được minh chứng, để lại cho lịch sử Hà Nội một vị Chủ tịch mẫu mực, hết lòng vì dân, vì nước.
Người dân Hà Nội nhớ đến ông với dấu ấn của một "cây đại thụ" với nhiều kỷ lục: là Chủ tịch đầu tiên của Thủ đô dưới chính thể dân chủ cộng hòa; vị Chủ tịch trẻ nhất vì khi nhậm chức mới 33 tuổi và cũng là người đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch thành phố lâu nhất lịch sử.
Trong thời gian giữ chức vụ, ông không chỉ giúp Thủ đô đứng vững trong điều kiện đầy thách thức của chiến tranh, mà còn đưa Hà Nội trở thành ngọn cờ đầu của cả nước với những bước phát triển quan trọng, toàn diện và rất nhiều công trình kinh tế, văn hóa, xã hội ấn tượng.
Năm 1946, bác sỹ Trần Duy Hưng được kết nạp Đảng. Cũng mùa đông năm đó, đêm 30 Tết, Bác Hồ đã cùng bác sỹ Trần Duy Hưng đi thăm, chúc Tết một số gia đình người dân của Hà Nội, mở ra truyền thống, cứ đến Tết là Chủ tịch nước cùng Chủ tịch thành phố đi thăm một số gia đình văn nghệ sỹ, trí thức, gia đình cách mạng và gia đình công nhân, người lao động.
Nhận trọng trách lãnh đạo Thủ đô trong bối cảnh Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung mới giành lại chính quyền, công việc bộn bề, khó khăn chồng chất, bộ máy hành chính non trẻ phải đối mặt với nhiều thách thức, đó là nạn đói, "giặc dốt", là thù trong giặc ngoài.
Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương và Thành ủy, Chủ tịch Trần Duy Hưng rất kiên định nhưng khôn khéo, lần lượt giải quyết những công việc cấp bách do Chính phủ lâm thời đề ra lúc đó, đầu tiên là sớm tổ chức cuộc Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của dân tộc, bác sỹ Trần Duy Hưng được Mặt trận Việt Minh giới thiệu ứng cử tại Hà Nội. Được các tầng lớp nhân dân tín nhiệm, bác sỹ Trần Duy Hưng trúng cử với tỷ lệ cao 73,7%.
Với uy tín của mình, Chủ tịch Trần Duy Hưng đã vận động, thuyết phục và quy tụ được các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là nhân sỹ, trí thức, các nhà tư sản yêu nước tham gia vào sự nghiệp kiến quốc và bảo vệ thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại.
Chỉ trong hơn một năm, từ ngày 30/8/1945 đến ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, Ủy ban Hành chính Thủ đô do ông phụ trách đã giải quyết được nhiều vấn đề cấp bách, như đoàn kết các tầng lớp nhân dân, xây dựng chính quyền các cấp từ thành phố xuống huyện, xã và khu phố, thực hiện chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần. Nạn đói dần được giải quyết, cuộc sống của người dân liên tục được cải thiện, trình độ dân trí từng bước được nâng cao.
Để giải quyết tình trạng ngân khố trống rỗng, Chủ tịch Trần Duy Hưng trực tiếp tham gia vận động và tổ chức “Tuần lễ vàng”, kêu gọi nhân dân Thủ đô ủng hộ chính quyền non trẻ, huy động nguồn lực từ nhân dân để kiến thiết nước nhà.
Có thể nói, thành công lớn nhất của bác sỹ Trần Duy Hưng trong giai đoạn này là đã tập hợp được đông đảo các tầng lớp nhân dân Thủ đô, đoàn kết, đồng lòng dưới ngọn cờ của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, vượt qua mọi khó khăn thách thức.
Toàn quốc kháng chiến, ông theo Chính phủ lên chiến khu Việt Bắc và được cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ, rồi Thứ trưởng Bộ Y tế.
Sau 9 năm kháng chiến, ngày 10/10/1954, ông dẫn đầu đoàn quân trở về tiếp quản Thủ đô với trọng trách Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính và ngày 4/11/1954, tiếp tục được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội.
Ông đã đảm nhiệm cương vị này cho đến khi nghỉ hưu năm 1977. Dưới sự lãnh đạo chỉ đạo sáng suốt của Chủ tịch Trần Duy Hưng, Thủ đô đã trở thành hậu phương vững mạnh, góp sức cùng cả nước hoàn thành công cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất non sông.
Thực hiện đường lối của Đảng về phục hồi và phát triển kinh tế, Chủ tịch Trần Duy Hưng mạnh dạn triển khai và chỉ đạo thực hiện nhiều chính sách mạnh mẽ, đưa Hà Nội trở thành ngọn cờ đầu của nhiều phong trào thi đua sản xuất như “Năm xung phong,” “Ba sẵn sàng.”
Về nông nghiệp, thành phố đạt năng suất lúa cao nhất miền Bắc. Các hoạt động công-thương nghiệp, chăn nuôi và trồng rau xanh luôn đi đầu cả nước. Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên có mô hình nhà lắp ghép rồi từ đó nhân rộng ra các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Là một trí thức, ông hiểu rõ giá trị của tầng lớp trí thức nên đã vận động nhiều trí thức tư sản như ông Nguyễn Tử Trinh, Trịnh Văn Bô tham gia chính quyền, sử dụng kinh nghiệm và trí tuệ của họ vào công cuộc phát triển thành phố.
Ông cũng là người dám đột phá với những chủ trương không dễ dàng vào thời điểm đó. Vào những năm 60 của thế kỷ XX, Nhà nước có chính sách phân phối nhà cho cán bộ, công chức.
Được sự nhất trí của Thành ủy, Chủ tịch Trần Duy Hưng đã triển khai việc bán căn hộ theo cách trả dần cho cán bộ, một mặt để thành phố có thêm ngân sách, mặt khác các gia đình có điều kiện tự quản lý, sửa chữa nhà cửa phù hợp với nhu cầu.
Đặc biệt, khi Hà Nội khan hiếm một số mặt hàng thiết yếu do đang trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, ông đã cho phép tư nhân sản xuất thủ công một số mặt hàng gia dụng thiết yếu nhằm phục vụ nhu cầu cuộc sống của người dân.
Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, ông còn là vị Chủ tịch có tầm nhìn của tương lai. Trong suốt thời gian đảm nhiệm trọng trách, ông đã đưa ra những quy hoạch tổng thể để Hà Nội đẹp lên từng ngày với dấu ấn đậm nét trong hàng loạt những công trình tầm cỡ về kinh tế, văn hóa và xã hội của Thủ đô, như Khu công nghiệp Cao-Xà-Lá, đường Thanh Niên, công viên Thống Nhất, công viên Thủ Lệ, Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô... cùng các phong trào thi đua có sức lan tỏa lớn, những ngày lao động xã hội chủ nghĩa với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", "Trung ương và địa phương cùng lo."
Chủ tịch Trần Duy Hưng cũng là người gợi mở ý tưởng biến Hà Nội thành một thành phố “soi bóng sông Hồng”, đưa khu vực xung quanh sông Hồng rộng lớn, mang đầy trầm tích văn hóa lịch sử, trở thành một trong những khu trung tâm về kinh tế-văn hóa của Thủ đô. Và trong suốt quãng thời gian còn lại của cuộc đời, ông đã gắng hết sức mình vì một Hà Nội thân yêu.
Sau ngày giải phóng 30/4/1975, Chủ tịch Ủy ban hành chính Hà Nội Trần Duy Hưng vào Sài Gòn tham gia đoàn đại biểu hiệp thương. Ngày 15/5/1975 mít tinh chào mừng Thành phố giải phóng, ông không đứng trên khán đài Dinh Độc Lập mà đứng dưới đường cùng những người dân Sài Gòn. Dường như đó là nơi ông thấy phù hợp nhất để cảm nhận và chia vui cùng đồng bào miền Nam.
Với tầm nhìn, trí tuệ, tài năng và nhân cách của mình, bác sĩ Trần Duy Hưng được nhân dân mến mộ và tín nhiệm. Ông liên tục được bầu làm đại biểu Quốc hội từ Khóa I đến Khóa VIII.
Người đại diện của trí thức, của văn hóa, gần dân và vì dân
Nét đặc biệt của Chủ tịch Ủy ban hành chính Hà Nội Trần Duy Hưng trong rất nhiều năm là ông không đi xe ôtô, mà tự đạp xe đi làm; tự mình viết các bài diễn văn, báo cáo quan trọng; tự nói chuyện với các nhà ngoại giao nước ngoài mà không cần đến phiên dịch, vì ông vốn thông thạo nhiều ngoại ngữ.
Ông cũng dành nhiều thời gian để tiếp dân, nghe dân nói, dân phát biểu. Đồng thời, trong quyền hạn của mình, ông thường đưa ra những quyết định rất nhanh, kịp thời để giải quyết những khúc mắc, kiến nghị theo từng trường hợp cụ thể của nhân dân.
Trong suốt thời gian đảm đương chức vụ Chủ tịch thành phố, bác sỹ Trần Duy Hưng luôn có mặt ở những địa bàn nóng bỏng để chia sẻ, động viên nhân dân kịp thời.
Làm Trưởng ban xóa nạn mù chữ, ông xuống tận các ngõ xóm lao động để thăm hỏi, động viên nhân dân tham gia các lớp bình dân học vụ buổi tối.
Kết thúc ba năm thi đua diệt "giặc dốt," Hà Nội được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Hai về thành tích thanh toán xong nạn mù chữ, trong đó có công lớn của vị Chủ tịch tận tụy và mẫn cán Trần Duy Hưng.
Trong ký ức của những người dân Hà Nội xưa trong chiến dịch 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không,” đích thân ông cùng quân và dân tham gia cứu hộ, dập lửa.
Ông luôn có mặt động viên kịp thời người dân trên các “điểm nóng” bị bom Mỹ tàn phá, như phố Khâm Thiên, An Dương, Bạch Mai. Với cương vị người đứng đầu thành phố, bác sỹ Trần Duy Hưng hẳn nhiên không phải đích thân làm những việc đó nhưng ông vẫn làm vì tình yêu thương con người và đạo đức nghề nghiệp của một bác sỹ.
Hành động của ông, việc làm của ông, sự hiện diện của ông ở nơi khốc liệt, tang thương nhất Hà Nội lúc đó đã gửi đi bức thông điệp về tình yêu, về sự chia sẻ những nỗi đau, về sự đoàn kết và kiên cường, bất khuất của người đứng đầu Thủ đô đến với nhân dân.
Ông từng nói việc trực tiếp xuống hiện trường là để nắm tình hình cụ thể để có phương án lo cho dân. Hơn nữa, ông cũng là một bác sĩ, khi có người bị nạn, bác sĩ phải có mặt để cứu chữa!
Có lẽ chính sự mẫu mực, quả cảm của những người lãnh đạo như Chủ tịch Trần Duy Hưng đã tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để nhân dân Hà Nội làm nên kỳ tích của một "Điện Biên Phủ trên không" lừng lẫy đi vào lịch sử.
Bác sỹ Trần Duy Hưng cũng dành rất nhiều tình yêu cho văn học nghệ thuật và văn nghệ sỹ. Ông không những chỉ có kiến thức về chuyên môn mà có phông văn hoá rất rộng. Sách báo, tiểu thuyết bằng tiếng Pháp, các tác phẩm cổ điển thế giới ông đều đọc hết.
Trong gia đình ông lúc nào cũng như có một ban nhạc nhỏ và bác sỹ Trần Duy Hưng chơi violon. Thời ông làm Chủ tịch thành phố, các nghệ sỹ, các đoàn nghệ thuật Hà Nội đều rất được quan tâm. Ông luôn đến tận nơi, lắng nghe tâm tư nguyện vọng và tận tình giải đáp các câu hỏi hay kiến nghị của các văn nghệ sỹ.
Ngày 2/10/1988, Chủ tịch thành phố Hà Nội đầu tiên, lâu nhất, một trí thức vì dân, được dân tin, dân yêu - bác sỹ Trần Duy Hưng - đã mãi mãi ra đi.
Ngày tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng, trong đoàn quan khách trong và ngoài nước, còn có đông đảo người dân Thủ đô đến đưa tiễn ông - người con ưu tú của Thủ đô Hà Nội trong niềm tiếc thương vô hạn.
Tận hiến với việc công, hết mình cho Thủ đô, bản lĩnh chính trực, giản dị khiêm cung, gương mẫu để người dân tin, yêu và làm theo, gần dân để lắng nghe được những tiếng nói từ các nẻo khuất nhất của cuộc sống, để đưa ra các quyết định sáng suốt nhất, là những phẩm chất tạo nên hình ảnh thân thuộc của vị Chủ tịch đầu tiên của thành phố Hà Nội.
Những phẩm chất đó không hề cao siêu xa lạ, thế nhưng không phải người lãnh đạo nào cũng làm được như ông, một tấm gương sáng cho các thế hôm nay và mai sau./.
Hà Nội: Tri ân những người trực tiếp tham gia giải phóng Thủ đô
Lãnh đạo thành phố Hà Nội khẳng định Đảng bộ, chính quyền và nhân dân luôn trân trọng, tự hào, biết ơn những người con ưu tú của Thủ đô đã hy sinh, chiến đấu và trực tiếp tiếp quản, giải phóng Thủ đô.