Góc khuất với Uber không chỉ là câu chuyện người dùng “vỡ mộng” với cước giá rẻ mà còn từ chính cánh lái xe ôm giấc mộng làm giàu. Nhiều người gom góp, vay mượn để có tiền chạy Uber đã ngả ngửa vì việc kiếm tiền không như là mơ.
Và cũng do thu nhập ngày càng teo tóp nên nhiều lái xe Uber đã tìm cách để “xoay” tiền của khách hàng. Thế mới có chuyện, một số lái xe móc ngoặc với khách hàng để giảm tiền nộp cho hãng.
Tài xế mướt mồ hôi để… “cày”
Công việc không ổn định nên năm 2015, Anh Trần Xuân T (Hà Nội) quyết định vay ngân hàng và mua trả góp chiếc xe Innova trị giá khoảng 800 triệu đồng để đăng ký tham gia hãng Uber với hy vọng tăng thu nhập.
Thời điểm đó, sau khi trừ mọi chi phí, trung bình mỗi tháng anh T cũng để ra được một khoản gần 15 triệu/tháng. Với anh, đây cũng là một số tiền khá lớn để có thể bù vào tiền mua xe và trang trải thêm cho cuộc sống hàng ngày.
[Taxi Uber và những góc khuất của “ông trọc đầu” ở trời Tây]
Nhưng mức thu nhập trên cũng chỉ được một thời gian ngắn, Anh T cho biết, sau khi hãng Uber cắt dần các khoản hỗ trợ cho chủ xe và chỉ tính theo tỷ lệ ăn chia % thực tế số tiền chạy thì thu nhập ngày càng “teo tóp”. Nhiều lái xe thậm chí lỗ không đủ tiền để trả lãi vay ngân hàng.
Được bạn bè gợi ý tăng thêm thu nhập trong những lúc nông nhàn bằng cách gia nhập đội ngũ lái xe Uber, anh Sơn (Xã Đàn, Hà Nội) đã quyết định vay mượn để mua chiếc Toyota Highlander trị giá gần 1,2 tỷ đồng làm “cần câu cơm”.
Khi quyết định làm lái xe UberBlack (xe có giá trên 800 triệu đồng), anh Sơn kỳ vọng mỗi tháng sẽ có thu nhập khoảng 30 triệu đồng/tháng, với mức thu nhập này theo tính toán chẳng mấy chốc sẽ trả hết nợ.
Ôm mộng làm giàu nhưng sau một năm lái cho Uber, anh cảm thấy sức ép ngày càng lớn, thực tế các khoản hỗ trợ của hãng khi tăng chuyến vào giờ thấp điểm và cao điểm không còn nữa. Chưa kể, những lúc ùn tắc giao thông cánh tài xế phải nhích từng mét đường để chạy.
Ngồi trầm ngâm một lúc, anh Sơn hồi tưởng lại thời gian trước đây, Uber áp dụng hình thức thưởng tiền cho lái xe sau mỗi chuyến đi, với số tiền từ 30.000-100.000 đồng/chuyến, tùy theo loại xe và quãng đường di chuyển nên thu nhập cũng khá.
Thế nhưng khi cắt hết các khoản trên, với những lái xe không chuyên, để đạt được thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng tại thời điểm này rất khó khăn và không phải tài xế nào cũng có thể bám trụ lại.
“Trung bình mỗi ngày phải chạy xe ngoài 9 tiếng và chăm chỉ đi vào giờ cao điểm mới có thể bù được chi phí bỏ ra” Anh Sơn tính toán và phân tích.
Chính vì thu nhập ít dần nên nhiều lái xe đã tìm đủ các “mánh” để bù lỗ. Theo “bật mí” của anh Sơn với những khách hàng dễ tính, lái xe có thể thỏa thuận để ăn chia ngoài luồng.
Theo anh, cách làm là, nếu khách đi quãng đường dài, sau vài câu chuyện thấy hợp ý, cánh lái xe như anh sẽ thỏa thuận để khách tự hủy trên hệ thống chuyến đi. Việc này có thể khiến người dùng chịu khoản phí hủy chuyến nhưng bù lại, lái xe sẽ giảm giá cho quãng đường dài còn lại để từ đó ăn chênh lệch.
Anh ví dụ về quãng đường đi từ trung tâm Hà Nội lên Nội Bài khoảng hơn 30km. Khách đặt chuyến rồi sau khi di chuyển, lái xe thỏa thuận với khách để hủy chuyến. Số tiền khách phải trả cho Uber theo quãng đường di chuyển thực sẽ rất ít, có thể chỉ 20.000-30.000 đồng. Phần lớn quãng đường còn lại, tài xế có thể chỉ lấy khoảng 120.000-130.000 đồng của khách. Số tiền này lái xe không phải trích 20% cho hãng và khách hàng cũng chỉ mất tổng cộng 150.000-160.000 đồng cho cả hành trình.
Thuê lái xe, coi thường an toàn của khách
Mặc dù hoạt động ở Việt Nam mới vài năm gần đây nhưng người dân ở Hà Nội cũng quen dần với dịch vụ Uber nhờ có thêm một loại phương tiện đi lại phù hợp, thuận tiện.
Tuy vậy, không ít lái xe còn thiếu kinh nghiệm nên khi va chạm xảy ra việc xác định trách nhiệm của người liên quan rất phức tạp.
Nhìn tờ đăng ký mà anh Sơn cho xem, phóng viên nhận thấy thủ tục khá đơn giản, sơ sài, bởi lẽ để tham gia Uber, thay vì chủ xe phải gửi hình ảnh xác nhận đích danh người lái thì hiện nay trong tờ khai đăng ký chỉ cần cung cấp số điện thoại và Email, khi hoàn tất có thể đem xe cho thuê để kiếm lời.
Chính điều này khiến nhiều khách hàng “ngã ngửa” bởi trên điện thoại thì chủ xe là một người nhưng khi đặt được xe lại là người khác.
Anh Lê Xuân Tùng, một khách hàng ở Cầu Giấy Hà Nội chia sẻ, cách đây 2 tuần khi gọi xe Uber từ Cầu Giấy đến Hồ Tùng Mậu, mặc dù “tặc lưỡi” bỏ qua vì lái xe không đúng như trên điện thoại, nhưng lúc ngồi trong xe anh không ít lần lo lắng bởi chứng kiến lái xe này rất lóng ngóng xử lý tình huống khi tham gia giao thông.
“Nhiều lái xe đã bỏ qua quy trình về an toàn đường bộ, phóng nhanh thậm chí vượt cả đèn đỏ, nếu có vấn đề gì thì khách hàng không biết kêu ai?” anh Tùng ngao ngán nói.
Thực tế, việc quản lý lỏng lẻo này đã được các cơ quan quản lý không ít lần cảnh bảo. Nhiều trường hợp, lực lượng Thanh tra giao thông khi kiểm tra đã phát hiện tài xế chỉ chạy thuê...
Theo quy định hiện hành, khi khách hàng sử dụng dịch vụ taxi Uber gặp sự cố như bị tai nạn, bị cướp tài sản…, trước hết, chính lái xe phải chịu trách nhiệm bởi trong trường hợp này họ là người trực tiếp cung cấp dịch vụ nhưng không đảm bảo chất lượng.
Bên cạnh đó, theo quy định của Bộ luật Dân sự, Công ty Uber cũng phải liên đới chịu trách nhiệm nếu họ có lỗi như ký hợp đồng với những lái xe không đủ điều kiện lưu thông theo pháp luật Việt Nam.
Được biết, khi có sự cố xảy ra, hành khách phản ánh đến Công ty Uber, Uber sẽ kiểm tra, khóa tài khoản đối tác khi lái xe có dấu hiệu vi phạm chính sách hoặc quy chuẩn dịch vụ đối với khách hàng.
Như vậy, bất cập ở chỗ, việc ngừng cấp phép hoạt động đối với lái xe của Uber chỉ diễn ra khi lái xe có dấu hiệu vi phạm chứ Uber chưa có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa rủi ro cho hành khách từ trước đó (từ khâu tuyển dụng, ký hợp đồng, đào tạo đối tác).
Đối với bảo vệ quyền lợi cho hành khách, ông Bùi Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết đã nghiên cứu kỹ các hợp đồng cung cấp dịch vụ giữa Uber và nhà cung cấp dịch vụ vận tải, cũng như giữa Uber và khách hàng và nhận thấy rằng Uber hoàn toàn không chịu trách nhiệm về bất cứ vấn đề gì và mọi khiếu nại, tranh chấp sẽ được xử lý tại tòa án và theo pháp luật Hà Lan.
Trong đề án mới của Uber, Bộ Giao Thông đã đề nghị doanh nghiệp này phải thực hiện đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh theo đúng lĩnh vực hoạt động, đồng thời là bên trực tiếp xây dựng, ký kết và chịu trách nhiệm đối với thỏa thuận hợp tác kinh doanh, với đơn vị kinh doanh vận tải và hợp đồng cung cấp dịch vụ kết nối với hành khách tại Việt Nam (hợp đồng dịch vụ với đơn vị kinh doanh vận tải và hành khách).
Đây cũng là những quyết định mạnh mẽ nhằm đảm bảo tính pháp lý của Uber cũng như làm rõ trách nhiệm của Công ty Uber khi có vấn đề tranh chấp, khiếu nại của khách hàng./.
Bài 3: Ngang nhiên chạy chui, vì sao chưa "trói" được Uber?