Bài 3: Giải pháp nào “cứu” hệ thống giáo dục mầm non ngoài công lập?

Để kịp thời "giải cứu" hệ thống mầm non ngoài công lập, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang kiến nghị Chính phủ nhiều giải pháp, từ hỗ trợ tài chính đến ưu đãi thuế, các gói tín dụng...
Do gặp khó khăn về tài chính, chủ cơ sở mầm non TK Bé Yêu đã phải xin giải thể cơ sở này. (Ảnh: NVCC)

Các gói hỗ trợ trước mắt cũng như những chính sách ưu đãi tài chính như vay vốn lãi suất thấp, miễn giảm thuế… đang là những giải pháp được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất để “cứu” hệ thống giáo dục mầm non trước tác động nặng nề của đại dịch COVID-19.

Đây cũng là mong mỏi của các chủ trường và các giáo viên.

Mong hỗ trợ giáo viên, ưu đãi tài chính

Dù gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế nhưng các giáo viên và chủ cơ sở mầm non tư thục cho hay họ rất chia sẻ với Chính phủ những khó khăn chung mà nền kinh tế đất nước đang phải trải qua.

“Chính phủ đang phải dốc ngân sách cho việc phòng chống dịch, hệ thống y tế vẫn còn nhiều thiếu thốn nên dù chỉ nhận được mức hỗ trợ ít ỏi vài triệu đồng, không thấm vào đâu so với việc hơn nửa năm trời nghỉ việc không lương, nhưng chúng tôi vẫn rất trân trọng và cảm thấy được động viên. Chúng tôi chỉ mong có chính sách hỗ trợ cho các chủ trường duy trì cơ sở, mong sớm có thể quay lại trường, trở về với công việc của mình,” cô Thu Quỳnh (Văn Điển, Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ.

Cô Trần Thanh Hà lặng cơ sở mầm non của mình, giờ chỉ còn là hình ảnh lưu trên máy tính . (Ảnh: PM)

Với các chủ trường, điều họ mong đợi nhiều nhất là được ưu đãi về thuế và có thể vay ngân hàng với lãi suất 0% nhằm duy trì và khôi phục trường sau khi học sinh được đi học trở lại.

“Tôi mong các cấp có thể tạo điều kiện cho chúng tôi về tinh thần, vật chất, tài chính; kêu gọi chủ nhà quan tâm, hỗ trợ hơn cho các cơ sở. Tôi cũng mong nhà nước có chính sách tạo điều kiện cho các cơ sở vay vốn ngân hàng với lãi suất 0%, để từ nguồn tài chính đó chúng tôi có thể duy trì, khôi phục hoạt động cho trường, lớp và giữ lại được ngôi nhà thứ hai của các con,” cô Trần Thanh Hà, chủ cơ sở mầm non TK Bé Yêu (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ.

[Bài 1: Giáo viên mầm non tư thục chật vật mưu sinh]

Cô Hà cũng kiến nghị có chính sách hỗ trợ nhiều hơn cho giáo viên mầm non tư thục để họ không phải bỏ nghề: “Nhiều giáo viên rất tâm huyết nhưng buộc phải vào làm công nhân cho các khu công nghiệp. Đó là điều rất thiệt thòi cho ngành giáo dục, cho đất nước và cho các học sinh.”

Đây cũng đề xuất của cô Nguyễn Thị Kim Long, chủ cơ sở mầm non Kid’s Moon, quận Cầu Giấy, Hà Nội. “Nếu giáo viên được hỗ trợ hàng tháng họ sẽ có thể có thêm động lực cố gắng trụ lại với nghề,” cô Long bày tỏ.

Cô Nguyễn Thị Kim Long phải chuyển hướng sang kinh doanh mì chũ với hy vọng có doanh thu để "nuôi" cơ sở mầm non Kid'Moon, tạo việc làm cho giáo viên. (Ảnh: PM/Vietnam+)

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh, rà soát của Bộ cho thấy chỉ khoảng 25,8% giáo viên mầm non tư thục được hưởng hỗ trợ theo chính sách chung của Chính phủ tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đa số các giáo viên không đủ điều kiện hưởng hỗ trợ vì chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

[Bài 2: Lao đao vì dịch COVID-19, nhiều cơ sở mầm non rao bán, giải thể]

Trong khi đó, chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương cho người lao động ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất có nhiều điều kiện ràng buộc, gây khó khăn cho chủ các cơ sở mầm non khi tiếp cận. Cụ thể, các điều kiện như phải tạm dừng hoạt động từ ngày 1/5/2021 nhưng nhiều cơ sở mầm non tư thục đã phải dừng hoạt động từ trước đó; điều kiện “có người lao động làm việc theo hợp đồng đang tham gia bảo hiểm xã hội” hoặc “không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn” nhưng nhiều doanh nghiệp, cơ sở giáo dục mầm non tư thục không có nguồn thu nên không có kinh phí để đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, chậm trả lãi, tất toán các khoản vay.

Các cơ sở mầm non tư thục cũng khó tiếp cận các gói hỗ trợ tài chính do quy mô nhỏ hoặc thủ tục phức tạp.

Đề xuất chính sách "cứu" mầm non tư thục

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn của các giáo viên và cơ sở mầm non ngoài công lập, giúp các cơ sở có điều kiện phục hồi và phát triển sau đại dịch COVID-19, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho hay Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với các bộ, ngành đề xuất Chính phủ nhiều giải pháp.

Thứ trường Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết Bộ đã trình Chính phủ xem xét các giải pháp hỗ trợ giáo viên và chủ trường, cơ sở mầm non ngoài công lập. (Ảnh: moet.gov)

Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ nhằm duy trì công việc, tránh bỏ việc đối với cán bộ quản lý, giáo viên nhân viên mầm non, tiểu học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập đã được cấp phép hoạt động nhưng phải dừng hoạt động để phòng dịch bệnh theo yêu cầu của các cấp có thẩm quyền. Qua rà soát có khoảng 111.423 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thuộc đối tượng này.

Bộ cũng đề xuất đưa vào Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đang được Chính phủ dự thảo các chính sách hỗ trợ số hóa, ưu đãi tín dụng để các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập có thể sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học, trang thiết bị phòng chống dịch... nhằm phục hồi hoạt động. Rà soát của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy có khoảng 2.310 trường mầm non, tiểu học ngoài công lập và 11.210 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập thuộc đối tượng cần hỗ trợ tín dụng.

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, tổng số tiền gói tài chính ngành giáo dục đang đề xuất cho cả người lao động và các cơ sở mầm non ngoài công lập và đang trình Chính phủ xem xét là hơn 800 tỷ đồng, đi kèm với cơ chế vay vốn, thuế và các điều kiện khác nhằm hỗ trợ người lao động và các cơ sở vượt qua khó khăn.

“Đây là tin vui cho các giáo viên và chủ cơ sở mầm non tư thục. Rất mong Chính phủ sẽ sớm xem xét thông qua để chúng tôi có thể sớm tiếp cận gói hỗ trợ, có điều kiện để tiếp tục duy trì, khôi phục cơ sở mầm non, gắn bó với công việc mình tâm huyết và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục,” cô Trần Thanh Hà xúc động nói./.

Cần có chính sách để 'giải cứu' hệ thống mầm non ngoài công lập.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục