Dự thảo thi tuyển sinh lớp 10: Đã lấy ý kiến gần 8.900 cơ sở giáo dục

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lấy ý kiến của 63 sở giáo dục và đào tạo và gần 8.900 cơ sở giáo dục trung học về phương án thi vào lớp 10, trong đó có 60 sở và gần 93% trường đồng ý.

Thí sinh dự thi vào lớp 10. (Ảnh: TTXVN)
Thí sinh dự thi vào lớp 10. (Ảnh: TTXVN)

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo phương án tuyển sinh vào lớp 6 và lớp 10 từ năm 2025 để lấy ý kiến rộng rãi trong công luận.

Theo đó, kỳ thi vào lớp 10 sẽ gồm hai môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và môn thứ ba do sở giáo dục và đào tạo hoặc trường đại học có trường trung học phổ thông lựa chọn.

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, trước khi công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông để lấy ý kiến rộng rãi xã hội, Bộ đã gửi lấy ý kiến của 63 sở giáo dục và đào tạo và các trường trung học phổ thông trong cả nước về một số nội dung của Quy chế.

Theo đó, tính đến ngày 7/10, đã có 63 sở giáo dục và đào tạo gửi ý kiến góp ý các nội dung về tuyển sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông, trong đó có 60 sở đồng ý phương án 3 môn thi tuyển sinh vào lớp 10 và cho rằng điều này phù hợp thực tế và giảm áp lực.

Có 8.898 cơ sở giáo dục trung học tại 63 tỉnh/thành phố đóng góp ý kiến, trong đó có 8.267 ý kiến đồng ý với các nội dung dự thảo, chiếm 92,9%; có 631 ý kiến có đề nghị bổ sung.

Cũng theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, dự thảo Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông được xây dựng từ 3 quan điểm, nguyên tắc cốt lõi.

Thứ nhất là gọn nhẹ, không gây áp lực và tốn kém. Đây là quan điểm xuyên suốt được nhấn mạnh trong Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, đào tạo; nhất là ở nội dung về đổi mới kiểm tra đánh giá. Quan điểm này tiếp tục được thể hiện trong Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị.

Thứ hai là phải thúc đẩy hoạt động giáo dục, đặc biệt là giáo dục toàn diện, để học sinh có đầy đủ phẩm chất và năng lực, đủ điều kiện để tiếp tục học lên trung học phổ thông; hoặc nếu chuyển đổi phân luồng, học nghề cũng có được nền tảng về phẩm chất, năng lực để học, thực hành nghề nghiệp ngay.

Ngoài ra, môn thi, phương thức tuyển sinh cũng phải gắn kết được quá trình kiểm tra, đánh giá thường xuyên với kiểm tra đánh giá cuối kỳ; giúp học sinh có đầy đủ phẩm chất, năng lực, phù hợp với xu thế đổi mới và Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thứ ba, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định khung quy chế, bảo đảm mặt bằng chung để phục vụ công tác quản lý Nhà nước trong kiểm tra, thanh tra, đánh giá; đồng thời thực hiện tốt nguyên tắc phân cấp, phân quyền, rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các sở giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục đại học có trường trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Năm học 2024-2025 là năm khép kín chu kỳ thực hiện Chương trình giáo dục 2018 từ lớp 1 đến lớp 12. Theo đó, năm học này thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông và thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Quy chế thi tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông sẽ được ban hành trước ngày 31/12, sớm hơn 3 tháng so với những năm trước. Điều này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà trường, giáo viên, học sinh trong quá trình dạy - học, ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục