Năm 2017 được đánh giá là năm thành công nhất của thị trường chứng khoán kể từ năm 2008, với việc chỉ số VN-Index vượt qua mốc 1.000 điểm.Chính sự khởi sắc đó đã tạo đà cho việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, mang về một nguồn tiền lớn để giúp Nhà nước tái đầu tư, phát triển kinh tế.
[Bức tranh tương phản trong nỗ lực thoái vốn Nhà nước năm 2017]
Nhằm hiểu rõ hơn hiệu quả của việc bán vốn nhà nước trong thời gian qua, phóng viên Thông tấn xã đã có cuộc phỏng vấn Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính của Quốc hội, Phó Hiệu trưởng trường Đại học kinh tế quốc dân về vấn đề trên.
Vẫn chưa có nhà đầu tư trong nước đủ mạnh
- Nhìn lại những thương vụ bán vốn nhà nước tại Vinamilk và mới đây nhất là Sabeco, ông có đánh giá thế nào về những sự kiện trên?
Đại biểu Hoàng Văn Cường: Có thể thấy, những doanh nghiệp vừa rồi Nhà nước thoái vốn rất thành công, với một khối lượng cổ phiếu đưa ra lớn, giá trị cao, tức là giá đưa ra để đấu cũng cao, điều đó chứng tỏ rằng những doanh nghiệp hay những cổ phiếu mà Nhà nước bán ra đang được thị trường đón nhận rất tốt.
Trước đó cũng có nhiều ý kiến lo ngại khi chúng ta thoái vốn với lượng vốn lớn như thế và với nhiều cổ phần của những doanh nghiệp lớn như vậy liệu thị trường có hấp thụ được hay không và giá có giữ được như dự kiến không, hoặc là bán quá nhiều, cung vượt cầu sẽ làm giá cổ phiếu tụt xuống, nhưng rõ ràng qua các thương vụ vừa rồi thì nhìn về giá đã thấy rất thành công, thậm chí cao hơn cảmức giá trị của nó mà trước khi đưa ra để thực hiện đấu giá.
Điều đó chứng tỏ thị trường đang có sức hấp thụ rất tốt với những cổ phiếu, cổ phần mà Nhà nước đưa ra.
Một yếu tố rất quan trọng là những doanh nghiệp Nhà nước này đều có thương hiệu rất mạnh, sức cạnh tranh rất lớn và điều đó cũng nói lên một điều, không phải cứ doanh nghiệp Nhà nước là yếu kém mà đều là thương hiệu mạnh và làm ăn tốt.
Tuy nhiên, cũng phải thấy những doanh nghiệp Nhà nước khi thoái vốn vừa qua đều không thuộc nhóm những doanh nghiệp giữ những vị trí then chốt mà theo quy định Nhà nước bắt buộc phải giữ, thậm chí có thể thoái vốn toàn bộ mà chỉ là những doanh nghiệp mang lại những nguồn lợi đóng góp cao.
Tôi cho rằng việc chúng ta thực hiện thoái vốn và cổ phần hóa những doanh nghiệp này rõ ràng không thiệt hại về mặt kinh tế. Nhiều ý kiến lo ngại thiệt hại về mặt kinh tế, giá trị những doanh nghiệp lớn khi đấu giá có thể thấp và lợi ích rơi vào tay một số người nhưng thực tế cho thấy không có chuyện đó.
Dù vậy, chúng ta cũng thấy một điều lo ngại là cổ phần của những doanh nghiệp này nếu trước đây là của doanh nghiệp Việt do Nhà nước giữ cổ phần chi phối nên sau các thương vụ cổ phần hóa này, nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu đã nắm giữ được tỷ trọng cổ phiếu tương đối lớn.
Tức là rất có nguy cơ một số sản phẩm, thương hiệu Việt sẽ không còn là sản phẩm của người Việt nữa mà là thương hiệu của nước ngoài. Thậm chí, nếu như không cẩn trọng sẽ mất đi cả thương hiệu đó trên thị trường.
Trong lịch sử đã có rất nhiều sản phẩm thương hiệu Việt khi nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ rồi thì họ sẽ dùng thương hiệu của họ để nắm giữ thị trường và gần như mất cả thương hiệu Việt.
Như vậy, đứng ở góc độ kinh tế thì chỉ thay thế người chủ sở hữu này sang người chủ sở hữu khác và nó mang lại cho xã hội về mặt sản phẩm không thay đổi, nhưng đứng về mặt sự phát triển bền vững của nền kinh tế, tự chủ về kinh tế thì không chỉ doanh nghiệp của Nhà nước mà kể cả doanh nghiệp tư nhân nếu có nhà đầu tư trong nước nắm giữ được thì tính độc lập tự chủ của nền kinh tế bao giờ cũng tốt hơn, chắc chắn hơn so với doanh nghiệp ngoại.
Do vậy, nhiều người quan tâm hơn và băn khoăn hơn là cổ phiếu đó rơi vào tay nhà đầu tư nước ngoài, trong khi nhà đầu tư trong nước vẫn chưa có một nhà đầu tư đủ lớn để chiếm giữ với tỷ trọng chi phối.
Khoảng trống ở phân khúc sản xuất thuần túy
- Qua các thương vụ như Vinamilk, Sabeco và nhiều thương vụ có quy mô vốn tương tự như vậy, thì sự tham gia của nhà đầu tư trong nước còn mờ nhạt, thậm chí là không có? vậy có phải do tiềm lực của nhà đầu tư nội còn yếu?
Đại biểu Hoàng Văn Cường: Ở đây chúng ta nhìn thấy có hai yếu tố mà sự tham gia của nhà đầu tư trong nước chưa nhiều và quy mô của một nhà đầu tư chưa lớn, điều đó thể hiện ở chỗ:
Thứ nhất là ở những lĩnh vực mà Nhà nước thoái vốn vừa qua thì bản thân những doanh nghiệp đó, ví dụ như Sabeco hay Vinamilk thì không có những doanh nghiệp tư nhân trong nước hoạt động ở những ngành hay lĩnh vực tương đồng như thế, để cùng một lĩnh vực, cùng một ngành, doanh nghiệp có thể vươn ra chiếm lĩnh thị trường và để tăng thêm sức mạnh cho những doanh nghiệp đó.
Bây giờ một doanh nghiệp đang hoạt động ở lĩnh vực khác nhảy sang mua cổ phần để trở thành người kinh doanh của những sản phẩm này rõ ràng phải là nhà đầu tư rất lớn để khi chuyển sang chiếm giữ cổ phần chi phối những doanh nghiệp như Sabeco hay Vinamilk thì những lĩnh vực cũ của họ vẫn không bị bỏ đi hay nói cách khác là mất sân đó đi, do vậy đòi hỏi phải là nhà đầu tư rất lớn.
Còn nếu vừa song song kinh doanh tốt những lĩnh vực mà doanh nghiệp đang có lại vươn sang lĩnh vực mới thì quả thật điều đó đòi hỏi phải có năng lực rất cao về quản trị, về vốn… mới có thể làm được.
Trên thực tế, vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp trong nước có thể làm được điều này. Chúng ta có thể nhìn thấy doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thì chuyển sang nắm giữ vốn của ngân hàng là hai lĩnh vực liên thông với nhau và có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.
Còn nếu doanh nghiệp đang ở lĩnh vực ngân hàng hay bất động sản mà nhảy sang để mua Sabeco, hay Vinamilk thì khó có thể làm được và đây cũng là một điều khó khăn cho doanh nghiệp trong nước. Vẫn chưa có một nhà đầu tư mạnh trong cùng lĩnh vực đó để tham gia vào.
Từ những yếu tố trên cho thấy, trong chiến lược kinh doanh, vẫn chưa có nhiều nhà đầu tư trong nước đi vào những phân khúc được gọi là chỉ sản xuất thuần túy.Ví dụ, Sabeco và Vinamilk thì thuần túy mang tính chất sản xuất là nhiều chứ không phải làm bằng con đường thương mại hay tài chính.
Hơn nữa, chúng ta nhìn những doanh nghiệp có thương hiệu mạnh ở trong nước hoặc phải gắn với đầu tư về tài chính hoặc phải có gắn với thương mại, thậm chí những tập đoàn lớn như VinGroup, FLC... đều đầu tư bất động sản và tài chính chứ chưa nhìn thấy có doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất hay tiêu dùng, sản xuất những mặt hàng máy móc thiết bị mà lại do tư nhân và thật sự là chúng ta đang thiếu.
Thực tế, cả Vinamilk, Sabeco là hai doanh nghiệp chỉ đi vào sản xuất và phân phối sản phẩm của mình chứ không phải họ đi làm thương mại, xuất nhập khẩu hay đầu tư kinh doanh tài chính.
Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài khi mua các cổ phần của doanh nghiệp trong nước, bản thân họ đã có hướng kinh doanh tương đồng và việc mua lại các thương hiệu Việt Nam giúp họ mở rộng thêm lĩnh vực, hoặc để đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh.
Với tiền vốn lớn, năng lực quản trị lớn, năng lực về thị trường lớn các doanh nghiệp ngoại có thể đổ tiền vào lĩnh vực này và không có anh nào rời bỏ hoàn toànsân kinh doanh của mình để chuyển sang một lĩnh vực mới.
Còn nếu doanh nghiệp Việt Nam nhảy vào để chiếm lĩnh, giữ được cổ phần chi phối thì chắc chắn họ phải rời bỏ lĩnh vực đang kinh doanh thì mới có đủ tiền, đủ năng lực để chuyển sang.
- Ông đánh giá thế nào về xu hướng các doanh nghiệp Thái Lan đang mua lại các doanh nghiệp nội?
Đại biểu Hoàng Văn Cường: Đúng là lĩnh vực phân phối, bán lẻ thì người Thái đã nhảy vào mua lại các doanh nghiệp trong nước. Còn hàng tiêu dùng chúng ta cũng nhìn thấy một chiến lược của hàng Thái đã có sự dịch chuyển nhiều vào Việt Nam.
Chúng ta cũng thấy, bản thân người tiêu dùng Việt Nam cũng có xu hướng chấp nhận hàng hóa của nhiều nước khu vực trong đó có hàng Thái. Rõ ràng ở đây đã có tiền đề để nhà đầu tư Thái Lan tiếp cận thị trường nội địa tốt hơn.
Những sản phẩm mà chúng ta vừa chỉ ra đây cũng là những sản phẩm đang chủ yếu phục vụ cho thị trường nội địa là sữa và bia, các mặt hàng này có xuất khẩu nhưng không lớn, rõ ràng người Thái đang muốn hướng vào chiến lược cung cấp hàng tiêu dùng, chiếm lĩnh thị trường bán lẻ nội địa và hai sản phẩm này sản xuất ra rất phù hợp với chiến lược của họ, có thể thấy đó là lựa chọn rất khôn khéo của nhà đầu tư Thái và phù hợp với chiến lược kinh doanh của họ.
Quay trở lại câu chuyện doanh nghiệp trong nước, từ thực tế trên có thể nhìn thấy năng lực của mình còn yếu, không chỉ mất đi những thương hiệu mạnh mà còn thị trường trong nước dần dần bị các nhà đầu tư nước ngoài chen chân vào, bản thân doanh nghiệp nội không giữ được thị trường với 90 triệu dân trong nước, đây là điều có thể đáng lo ngại.
Hạn chế cổ phần, nguy cơ xé lẻ nguồn lực đầu tư
- Vậy theo ông Nhà nước cần có chiến lược gì để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp vừa giữ được thương hiệu và thị trường trong tương lai?
Đại biểu Hoàng Văn Cường: Ở đây có một bài toán rất mâu thuẫn và khó cho chính sách của Nhà nước.
Nếu chúng ta muốn giữ cổ phần cho doanh nghiệp trong nước bằng cách hạn chế tỷ lệ sở hữu cổ phần của doanh nghiệp nước ngoài thì có nguy cơ sẽ xé nhỏ nguồn lực đầu tư của những doanh nghiệp lớn đó cho nhiều nhà đầu tư nhỏ và khi đó không còn nhà đầu tư chiến lược, một nhà đầu tư thực sự có năng lực đứng ra để điều hành quản trị cả nhãn hiện và doanh nghiệp đó.
Như vậy rất dễ dẫn đến câu chuyện sản phẩm đó ngày một bị mai một đi thậm chí sản phẩm đó có thể yếu kém đi vì không thật sự có được nhà đầu tư chuyên nghiệp và người ta bỏ một lượng vốn lớn vào đó để đầu tư dài hạn và bài bản nhằm phát triển thương hiệu đó.
Còn nếu chúng ta mở rộng ra để có được những nhà đầu tư mạnh và có được nhà đầu tư chiến lược để làm chuyện đó thì năng lực của nhà đầu tư trong nước lại không làm được và lại rơi vào nhà đầu tư nước ngoài thì đây sẽ là một mâu thuẫn mà bản thân nhà nước cũng nhìn thấy nhưng khó giải được.
Chúng ta đặt mục tiêu phát triển, đặt mục tiêu duy trì sự phát triển cao hơn và đặt mục tiêu tạo ra sự vững mạnh hơn cho những doanh nghiệp đó thì chúng ta đành phải chấp nhận không hạn chế những nhà đầu tư để nắm giữ những cổ phần lớn ở đó và việc này sẽ dẫn đến hiện trạng là doanh nghiệp trong nước không chiếm giữ được mà lại là doanh nghiệp nước ngoài.
Do vậy, theo tôi trong tình thế như vậy thì chiến lược cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước cũng phải tính đến những giải pháp nhằm giúp cho những doanh nghiệp Việt có thể tiếp cận tốt hơn.
Ví dụ, chúng ta có thể thực hiện chủ trương phải thoái vốn nhưng có thể nên thoái vốn một lần, hoặc thoái vốn ồ ạt hay thoái vốn có lộ trình.
Việc thoái vốn lộ trình có thể giúp nhà đầu tư trong nước tiếp cận nhanh hơn và tốt hơn, mức cạnh tranh với nhà đầu tư nước ngoài ít hơn nhưng rõ ràng việc thoái vốn chậm thì quá trình đổi mới doanh nghiệp nhà nước sẽ chậm và những mục tiêu đặt ra là làm thế nào để tạo ra nhanh hơn cho doanh nghiệp tư nhân hoạt động bình đẳng rồi tránh được hậu quả của việc quản lý yếu kém...
Vì nhà nước phải quản lý các doanh nghiệp của mình thì những vấn đề đó có thể sẽ khó thực hiện được sớm các mục tiêu đề ra nhưng nếu chúng ta muốn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt họ có thời gian và điều kiện tích lũy để tiếp cận dần thì có khi tốc độ thoái vốn sẽ phải tính đến.
Một việc nữa là chúng ta cũng phải nghĩ đến những doanh nghiệp nào thực sự có thế mạnh, có lợi thế đặc biệt là lợi thế với thị trường trong nước thì chúng ta cần phải có hỗ trợ nhiều hơn để doanh nghiệp Việt đặt chân vào, còn những doanh nghiệp nào thực sự cần phải có sự đổi mới về công nghệ, về kỹ thuật, chiến lược phát triển thậm chí phải thay đổi một cách cơ bản về mặt thị trường thì có lẽ chúng ta cũng phải mở rộng hơn và mời gọi những nhà đầu tư mạnh, thậm chí là 100% doanh nghiệp nước ngoài để vào những doanh nghiệp đó.
Với chiến lược đó thì có thể tốc độ cổ phần hóa của chúng ta không nhanh, cũng có thể một số doanh nghiệp bán ra không phải lúc nào cũng được giá cao, nhưng sẽ tạo ra được một chỗ đứng phù hợp hơn, những loại hình nào, những khu vực nào nước ngoài vào còn lĩnh vực nào thì sự tham gia của doanh nghiệp nước ngoài chậm hơn để doanh nghiệp trong nước có thời gian tiếp cận.
- Xin cảm ơn ông./.