Bài 3: Tô “gam màu sáng” lên bức tranh giao thông của Hà Nội

Bức tranh về giao thông thông minh mà Tập đoàn FPT trình lên Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội được kỳ vọng rất lớn sẽ khiến Thủ đô “đường thông, hè thoáng”…
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: linkedin)

Vào cuối tháng Sáu, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ký kết hợp tác với Tập đoàn FPT trong việc triển khai hệ thống giao thông thông minh và đề xuất theo mô hình cho thuê dịch vụ công nghệ thông tin với tổng mức đầu tư dự kiến 1.700 tỷ đồng.

Bức tranh về giao thông thông minh mà Tập đoàn FPT đưa ra được kỳ vọng rất lớn sẽ khiến Thủ đô “đường thông, hè thoáng” hoặc ít nhất sẽ không xấu đi dù tốc độ phát triển của phương tiện giao thông ngày càng tăng…

[Nhích từng xen-ti-mét và giấc mơ lãng mạn về giao thông Hà Nội]

Người Việt tự giải đề toán của mình

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus, ông Phạm Minh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS, thuộc Tập đoàn FPT) khẳng định đơn vị này tiếp cận với Hà Nội trên khía cạnh đưa các giải pháp thông minh để phát huy tối đa hiệu quả của hạ tầng.

Theo ông Tuấn, nhiều quốc gia trên thế giới có các phương thức khác nhau để giải quyết bài toán này. Thế nhưng, khác với nhiều nước, Việt Nam có nhiều xe máy và loại phương tiện này lại lưu thông cùng ôtô. Hành vi của người lái xe máy và ôtô là khác biệt, xe máy có thể quay đầu, đổi làn, lên lề đường…

[Hà Nội triển khai xây dựng hệ thống giao thông thông minh]

Đây là lý do, khiến các nhà thầu nước ngoài tới Việt Nam không giải được bài toán giao thông của xe máy và bị lạc hậu vì công tác dự báo quy hoạch về số lượng phương tiện, thay đổi tổ chức giao thông của Việt Nam diễn ra thường xuyên…

Do đó, theo ông Tuấn, chỉ có người Việt am hiểu hành vi tham gia giao thông giải quyết tốt nhất vấn đề của mình và phải làm linh hoạt, nhờ vào công nghệ mới.

Cụ thể, lãnh đạo của FPT IS cho rằng, để giải quyết bài toán này phải kết hợp hàng loạt các biện pháp như đảm bảo chất lượng của hạ tầng giao thông, đường sá phải đạt tiêu chuẩn tối thiểu bởi nếu có ổ gà, xảy ra tai nạn là ùn tắc. Cùng lúc, phải phát triển phương tiện vận tải công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân và giảm nhu cầu đi lại của người dân.

Theo ông Tuấn, khi nói về đô thị thông minh thì phải có cơ chế giảm nhu cầu đi lại. Đó là việc phải cung cấp dịch vụ công bằng việc đăng ký qua mạng, gửi trả kết quả tại nhà; xây dựng việc đưa đón con tin cậy, tránh trường hợp người dân đi đón con rồi lại quay trở lại công sở làm việc; xây dựng một trung tâm điều hành taxi thông minh thay vì việc mỗi hãng đều có một bộ phận điều hành để tránh việc tài xế phải đi lòng vòng quanh thành phố, gia tăng áp lực giao thông; thu phí đỗ xe theo giờ với phương châm thu phí tăng lũy tiến sau 1 giờ gửi xe…

[Ùn tắc giao thông: Khi “thuốc tiên” không còn chữa tiệt bệnh]

Hệ thống giao thông thông minh thành phố Hà Nội được FPT đề xuất xây dựng dựa trên ba nguyên tắc là tích hợp thu thập dữ liệu từ các nguồn và quản lý tập trung; Khai thác dữ liệu để ra các quyết định tốt hơn; Dự đoán được các vấn đề để chủ động giải quyết; Phối hợp các tài nguyên và quy trình để hoạt động hiệu quả nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

FPT làm gì trong năm 2017?

Tổng Giám đốc FPT IS Phạm Minh Tuấn chia sẻ, ngay trong năm 2017, đơn vị này sẽ triển khai và đưa Hệ thống thông tin giao thông vào vận hành phục vụ cung cấp thông tin cho người dân, doanh nghiệp và du khách.

Đáng chú ý trong hệ thống này là “Bản đồ giao thông Hà Nội” (bản đồ giao thông số), bao gồm bản đồ nền giao thông, cung cấp công cụ tìm đường, phân luồng giao thông cho các tuyến phố.

Giải pháp của FPT sẽ cung cấp thông tin tình trạng giao thông theo thời gian thực về tình trạng lưu lượng giao thông, cảnh báo lưu lượng giao thông, tiếp nhận cảnh báo và hiển thị cảnh báo khi có sự cố hạ tầng giao thông tại các nút giao thông.

[Triển khai bản đồ số giao thông cho Hà Nội trong năm 2017]

Ngoài ra, từ hình ảnh nhận về của các camera được đặt trên các tuyến phố ở Hà Nội, hệ thống sẽ hiển thị các vùng, tuyến đường bị ùn tắc một cách liên tục. Ứng dụng còn có thể đề xuất các tuyến đường thay thế cho tuyến đường đang đang xảy ra ùn tắc, giúp người dân thêm lựa chọn phù hợp để di chuyển thuận lợi. Người dùng cũng dễ dàng theo dõi các camera giao thông, hay chia sẻ thông tin về giao thông, điểm ùn tắc nhờ vào kết nối mạng 3G/4G hoặc Wi-Fi…

Cùng lúc, giải pháp này cũng cung cấp thông tin vận tải hành khách công cộng theo thời gian thực như thông tin về điểm dừng, nhà chờ, bến bãi, tuyến hoạt động, hành trình vận tải trên bản đồ giao thông của các hoạt động vận tải hành khách công cộng như xe buýt, đường sắt nội đô, xe có hợp đồng.

Bên cạnh đó, hàng loạt các thông tin tiện ích như về cơ sở dịch vụ công, y tế, giáo dục, văn hóa và du lịch trong thành phố, trạm xăng, siêu thị, chợ… cũng sẽ được cung cấp qua ứng dụng để phục vụ người dân. Ứng dụng cũng có công cụ tương tác tự động với người dân thông qua Chat-Bot ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Hệ thống thông tin giao thông cũng cung cấp linh hoạt các giao diện tương tác với người dân và cơ quan quản lý thông qua website thông tin giao thông và qua ứng dụng trên Android và iOS. cho phép người dân và cơ quan quản lý nhà nước dễ dàng cập nhật và tương tác mọi lúc, mọi nơi.

Về việc người đi xe máy tiếp nhận thông tin giao thông, ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết tỷ lệ xe máy là rất lớn (trên nhiều cung đường có thể chiếm đến 85-90% lưu lượng tham gia giao thông). Không giống như ôtô hay xe buýt tiếp nhận rất dễ nhờ những thiết bị thu nhận âm thanh hình ảnh, việc cung cấp thông tin giao thông trực tuyến đến người đi xe máy như thế nào là một bài toán cần phải lưu ý.

Ngoài việc hướng tới phục vụ người dân là đối tượng chính của dự án này, ông Minh cũng nhấn mạnh và kỳ vọng các thông tin giao thông trực tuyến cũng nên được thu thập, phân tích chia sẻ hợp lý rộng rãi hiệu quả đến tất cả các cơ quan có liên quan, trong đó có các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp vận tải, để làm sao hướng tới mục tiêu tạo ưu tiên mạnh mẽ hơn cho vận tải công cộng.

Giả dụ, nếu có thể biết 1 chiếc xe bus đến gần 1 nút giao thông thì Trung tâm điều khiển tín hiệu đèn có thể điều chỉnh chu kỳ đèn, giảm bớt đèn đỏ đèn xanh ở pha khác nhau để làm sao cho xe buýt thông qua nút giao thông đó 1 cách nhanh nhất. Từ đó, tiết kiệm thời gian cho người dân đi lại và tiền bạc cho doanh nghiệp vận tải.

“Quá trình đánh giá triển khai và đưa hệ thống thông tin giao thông vào vận hành phục vụ cung cấp thông tin cho người dân, doanh nghiệp và du khách nên có đánh giá trước và sau dự án bằng các chỉ tiêu cụ thể để có những bài học nhằm nhân rộng sang các đô thị khác của nước ta,” ông Minh chốt lại./.

Ông Phạm Minh Tuấn tin tưởng giải pháp FPT đưa ra sẽ khiến giao thông của Thủ đô không xấu đi trong tương lai dù áp lực của các phương tiện giao thông gia tăng.
Hệ thống giao thông thông minh thành phố Hà Nội được FPT đề xuất đáp ứng yêu cầu về 10 chức năng chính theo Thông báo 484/TB-UBND ngày 29/5/2017, gồm: Hệ thống thông tin giao thông phục vụ người tham gia giao thông và cơ quan quản lý nhà nước; Hệ thống quản lý về kinh doanh, điều kiện kinh doanh và cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; Hệ thống quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Hệ thống điều khiển giao thông bằng đèn tín hiệu; Hệ thống giám sát, xử lý vi phạm bằng hình ảnh; Hệ thống an ninh thông minh; Hệ thống quản lý, giám sát ô nhiễm môi trường giao thông; Hệ thông thu phí điều tiết, hạn chế các phương tiện giao thông vào một số khu vực nội đô theo hình thức tự động không dừng; Hệ thống phần mềm chỉ huy - điều hành giao thông thông minh; Hệ thống bảo mật và an toàn dữ liệu.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục