Phút sinh tử và 13 người hùng thầm lặng ở mỏ Mông Dương

Bài 4: Phút sinh tử và 13 người hùng thầm lặng ở mỏ Mông Dương

13 công nhân cũng là 13 anh hùng, chỉ chịu rời hầm lò khi nước đã tràn vào. Câu chuyện của họ là minh chứng rõ rệt của tinh thần vượt khó nói chung của người dân tỉnh Quảng Ninh trong lũ dữ.
Những công nhân ngành than trắng đêm cứu mỏ than Mông Dương. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Trong đợt mưa lũ lịch sử , ngành than Quảng Ninh phải gồng mình hứng chịu những tổn thất hết sức nặng nề, ​nhưng không phải ai cũng biết, ở đó, vẫn còn có​ những​ con người thầm lặng, quyết tâm bám trụ và cứu mỏ tới những giờ phút cuối cùng.

13 công nhân cũng là 13 anh hùng chỉ chịu rời hầm lò khi nước đã tràn vào. Câu chuyện của họ là minh chứng rõ rệt của tinh thần vượt khó nói chung của người dân tỉnh Quảng Ninh trong lũ dữ.

Bám trụ

Chiều 28/7, sau 4 ngày mưa liên tiếp, các mỏ của Công ty than Mông Dương đứng trước nguy cơ bị úng ngập nghiêm trọng. Vào thời điểm này, với nỗ lực giải cứu mỏ, 74 công nhân đã được huy động xuống hầm lò. Tuy nhiên, do diễn biến thời tiết mỗi lúc một xấu đi bên 61 anh em đã buộc phải rút lên trước, 13 người còn lại nhận nhiệm vụ “cố thủ” để vận hành hệ thống máy bơm nước ở độ sâu hàng trăm mét dưới mặt đất.

Là một trong những người bám trụ tới giờ phút cuối cùng, thợ lò Nguyễn Duy Lĩnh kể lại: Đầu giờ chiều ngày 28, anh nhận ca để xuống hầm lò ở độ sâu âm 97,5m. Nhiệm vụ của anh là đảm bảo cho 4 máy bơm ở điểm này vận hành nhằm tiêu thoát nước, cứu mỏ.

“Vào thời điểm tôi đặt chân xuống độ sâu quy định, nước đã dồn vào mỏ rất nhiều,” anh Lĩnh nhớ lại.

Lúc đó, mức nước đã dâng lên mức 0,2 mét gần sát với mặt đập gần trạm vận hành máy. Người công nhân 50 tuổi vừa bì bọp lội, vừa khẩn trương tập trung hết sự chú ý vào 4 chiếc máy bơm đang nắm giữ sinh mạng của cả khu hầm lò.

Công nhân Nguyễn Duy Lĩnh kể lại giây phút sinh tử trong đêm lũ tràn vào khu hầm lò. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Mặc dù máy bơm hoạt động hết công suất, nhưng nước từ bên ngoài lò vẫn ồ ạt dồn vào và mỗi lúc một dâng cao hơn. Khi nước chỉ còn cách mặt đập khoảng 20 cm, anh em vận hành buộc phải lùi, rút sâu vào trong trạm điện để đóng cửa kín, tránh trường hợp lũ tràn vào trong.

Cùng thời điểm đó, tại độ sâu âm 250m, nhiều anh em công nhân khác cũng đang cố thủ với trạm bơm khu trung tâm.

Bùi Duy Tân, trưởng phòng kỹ thuật khai thác mỏ, người trực tiếp chỉ huy giám sát anh em nhớ lại: “Tôi được lãnh đạo giao nhiệm vụ ở hiện trường nhằm kiểm soát mức nước ở đầu ngầm để đảm bảo an toàn tính mạng cho anh em phía dưới. Lúc đầu, mức nước dâng trong hầm lò khá chậm khoảng 10 cm/20 phút nên vẫn nằm trong tầm kiểm soát an toàn.”

Nhưng ngay sau đó, bất ngờ, nước dềnh lên rất lớn. Chỉ trong khoảng 10 phút, các cửa đập đã mấp mé lụt. Nếu lượng nước này tràn vào đập, tính mạng của hơn chục con người sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.

Vào chính khoảnh khắc sinh tử ấy, lệnh rời mỏ được đưa ra. Tại độ sâu âm 97,5m, một bơm không chịu nổi tải đã vỡ van. Lũ hung hăng dâng cao. Nguyễn Duy Lĩnh cùng 3 người thợ khác lúc này mới buộc lòng rút theo cửa lò nghiêng để lên mặt đất.

Tân, trưởng phòng kỹ thuật khai thác mỏ của công ty là người chốt cuối cùng để kiểm tra số lượng công nhân trước khi “rời trận địa.” Vẫn chưa hết bàng hoàng, anh kể: “Khi vừa thoát khỏi hầm thì nước cũng bắt đầu tràn xuống, nhanh chóng dâng lên ngang ngực. Chỉ cần chậm một chút thôi, không biết chuyện gì sẽ xảy ra với chúng tôi.”

Tính tới thời điểm 19 giờ 30 tối 28/7, toàn bộ anh em công nhân đã đóng kín hầm bơm, trạm điện và rút ra an toàn. Mặc dù không thể cứu được mỏ Mông Dương, nhưng những nỗ lực của họ đã hạn chế phần nào tình trạng nước tràn vào các hệ thống trạm, tàn phá bên trong các điểm hầm quan trọng.

Hậu "đại hồng thủy"

Những ngày này, vào Mông Dương, ​​nhiệm vụ vận hành và duy trì sản xuất tiếp ra sao vẫn hết sức nóng bỏng với những người trong cuộc.

Theo ông Trần Quang Cảnh, Chủ tịch Công đoàn Công ty than Mông Dương, trận mưa lụt lịch sử vừa qua đã tàn phá nặng nề ngành than nói chung cũng như công ty than Mông Dương nói riêng. Hệ thống kho bãi, giếng khoan đều bị nước, bùn xâm thực nghiêm trọng.

Khu mỏ than Mông Dương tan hoang sau trận mưa lũ lịch sử. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

“Với quyết tâm giữ mỏ, cứu mỏ, chúng tôi đang huy động tối đa anh em công nhân khắc phục hậu quả của trận mưa lũ vừa qua. Sau nhiều ngày vật lộn, anh em đã tạm thời kiểm soát được mực nước ở độ sâu âm 97,5 m, tạo việc làm cho khoảng 2/3 số lao động,” ông Cảnh nói.

Hiện tại, công ty than Mông Dương đang tiếp tục chỉ đạo bơm hút dần xuống các mức sâu hơn như mức âm 150m ở Đông Bắc Mông Dương và âm 250m.

Có mặt tại khu vực khai thác của công ty vào thời điểm này, hàng nghìn công nhân đang căng mình để dọn dẹp lại những đống đổ nát. Bùn thải vẫn ngập ngang đầu gối người. Hệ thống máy gạt, máy xúc cũng được huy động tối đa nhằm giải cứu mỏ.

Nhìn anh em công nhân đang căng mình đánh vật với bùn, đất, Chủ tịch công đoàn Trần Quang Cảnh buồn rầu: “Hầu hết các điểm khai thác mỏ đều đã ngập, sắp tới, công ăn việc làm sẽ không đủ cho người lao động. Nhiều anh em sẽ phải ngồi không.”

Theo báo cáo ban đầu của Mông Dương, dự kiến sẽ phải mất từ 3-5 tháng để mỏ hồi phục một phần. Số tiền bỏ ra để khắc phục sự cố cũng lên tới con số trăm tỷ. Hơn 4.000 lao động của công ty đứng trước nguy cơ giảm thu nhập, thậm chí không có việc làm.

Nỗi lo về cơm áo gạo tiền đang hiển hiện trước mắt những người công nhân nghèo. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

“Trước mắt, chúng tôi đã bố trí khoảng 500 công nhân sang các mỏ khác làm việc để đảm bảo cuộc sống cho anh em. Đối với những người chưa nghỉ phép năm, chúng tôi cũng cho nghỉ phép. Một số anh em cũng được công ty động viên nghỉ tự túc cho đến khi mỏ hoạt động lại bình thường,” ông Cảnh tâm sự.

Hơn lúc nào hết, nỗi lo về cơm áo gạo tiền lại lửng lơ treo trên đầu các công nhân ngành than những ngày hậu “đại hồng thủy.”

Đã gần 2 tuần từ khi trận mưa lũ lịch sử quét qua, một khung cảnh hoang tàn, đổ nát bao trùm nhiều vùng đất tại Quảng Ninh. Hàng ngàn hộ dân mất hết nhà cửa, tài sản đã trắng tay và đang đối mặt với cuộc sống vô cùng khốn khó. Cơn lũ đã để lại những hậu quả nặng nề thế nhưng trong lúc gian nguy ấy lại sáng lên tình người ấm áp.

Bài 5: Tình người trong cơn lũ dữ

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục