Bài toán xử lý rác thải ở đô thị trung tâm ở Đồng bằng sông Cửu Long

Từ khi đi vào hoạt động, mỗi ngày, Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ xử lý mỗi ngày từ 400-430 tấn, tương đương khoảng 60% lượng rác của thành phố Cần Thơ và phát 150.000 kwh điện/ngày.
Một phần khu vực lò đốt rác của Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Là đô thị trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long, mỗi ngày, thành phố Cần Thơ thải ra 600-700 tấn rác.

Cho đến trước tháng 12/2018, lượng rác này được xử lý bằng cách chôn lấp và đốt không thu hồi năng lượng.

Tuy nhiên, các bãi chôn lấp rác cùng với những lò đốt công nghệ lạc hậu luôn bị người dân than phiền về mùi hôi, khói bụi, nước rỉ rác nhưng từ khi Nhà máy đốt rác sinh hoạt phát điện tại xã Trường Xuân, huyện Thới Lai đi vào hoạt động, đến nay, phần lớn lượng rác thải ra mỗi ngày của Cần Thơ được xử lý triệt để bằng công nghệ tiêu chuẩn châu Âu. Nhờ đó, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các bãi rác lộ thiên đã giảm rất nhiều.

Từ khi đi vào hoạt động, mỗi ngày, Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ xử lý mỗi ngày từ 400-430 tấn, tương đương khoảng 60% lượng rác của thành phố Cần Thơ và phát 150.000 kwh điện/ngày.

Đến nay, nhà máy đã xử lý được khoảng 110.000 tấn rác, phát 34 triệu kwh điện, góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường của thành phố, đồng thời tạo nguồn năng lượng xanh phục vụ phát triển sản xuất.

Công trình này do Tập đoàn China Everbright International đầu tư, được khánh thành ngày 8/12/2018. Theo đại diện nhà máy, các thiết bị sử dụng tại đây đều do chủ đầu tư tự nghiên cứu.

Hệ thống xử lý khói đạt tiêu chuẩn châu Âu 2010, lò đốt có thể đốt triệt để rác thải sinh hoạt, không cần dùng thêm nhiên liệu. Lượng tro xỉ còn lại sau quá trình đốt đang được nhà máy nghiên cứu chế biến làm vật liệu xây dựng. Với lượng tro bay phát sinh, thành phố Cần Thơ đang xây dựng khu chôn lấp để nhà máy xử lý theo quy định.

Bà Nguyễn Đặng Thy Thy, đại diện Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ, cho biết hiện nhà máy vận hành ổn định và liên tục, khoảng 60% lượng rác của thành phố Cần Thơ xử lý triệt để.

Toàn bộ lượng rác này được đem đốt để phát điện, nước rỉ rác được lọc qua nhiều bước, không gây ô nhiễm môi trường, toàn bộ lượng nước sau xử lý sẽ được tái sử dụng. Khói thải sau khi xử lý đạt quy chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt ban hành năm 2016.

Gia đình chị Lê Thị Kiều Trang, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ, đã vào tham quan nhà máy. Khi chứng kiến quy trình tiếp nhận, xử lý rác tại đây, chị không còn lo ngại như lúc mới nghe tin nhà máy xử lý rác sẽ được xây dựng đối diện nhà mình.

Cũng như nhiều hộ dân khu vực này, khi nhà máy hoạt động, gia đình chị Trang mở quán bán càphê, nước giải khát để tăng thêm thu nhập. “Vào tham quan nhà máy, tôi thấy sạch sẽ, không có mùi hôi. Thấy vậy, gia đình mới mở quán kinh doanh,” chị Trang chia sẻ.

[Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ]

Nhà đối diện ngay đường dẫn vào nhà máy, bà Lê Ngọc Tuyết cũng từng phản đối việc xây dựng nhà máy, cũng như đã tìm nơi khác để di dời vì lo ngại ô nhiễm. Thế nhưng, sau gần một năm nhà máy đi vào hoạt động, người phụ nữ này đã yên tâm.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, bà Tuyết cho hay lúc nhà máy làm xong, bắt đầu đốt rác, bà không còn lo lắng như trước. Môi trường, không khí xung quanh khu vực không có thay đổi, nước rỉ rác đổ xuống đường trong quá trình vận chuyển cũng được công nhân dọn rửa sạch sẽ.

Sau khi nhà máy đốt rác sinh hoạt phát điện hoạt động, hai bãi rác lớn của thành phố Cần Thơ là bãi rác Ô Môn và bãi rác Đông Thắng ở huyện Cờ Đỏ đã ngừng tiếp nhận rác để chôn lấp.

Nhiều năm qua, hai bãi rác này luôn trong tình trạng quá tải, mùi hôi, khói bụi, nước rỉ rác ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người dân xung quanh. Bãi rác Đông Thắng giờ chỉ còn nhận rác từ các huyện vùng ven của Cần Thơ để xử lý đốt, với số lượng rất ít. Nhờ đó, môi trường ở khu vực bãi rác này đã bắt đầu trong lành trở lại.

Ông Lưu Văn Bảy, người dân xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ, cho biết trước đây, bãi rác Đông Thắng là nơi tiếp nhận rác của các quận trung tâm thành phố với số lượng hàng trăm tấn mỗi ngày. Khói bụi, nước rỉ rác, mùi hôi phát tán từ đây gây ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

Cùng với đó, bãi rác còn thu hút rất nhiều ruồi nhặng, người dân có lúc phải mắc màn để ăn cơm. “Tuy nhiên, từ ngày bãi rác dời về Thới Lai đốt tới bây giờ, ở đây không có rác mới nên các hiện tượng đó không còn nữa. Trước đây mười, giờ còn lại một, hai thôi,” ông Bảy nói.

Nhà sát bãi rác Đông Thắng, ông Phương Văn Giao, ấp Thới Hiệp, xã Đông Thắng cho biết, vào lúc cao điểm, nước rỉ rác từ bãi rác chảy ra các kênh, rạch bên ngoài đặc quánh, đen kịt. Nông dân muốn bơm nước để tưới tiêu, sản xuất phải chờ nước lớn mới làm được. Hiện nay, nước rỉ rác vẫn chảy ra ngoài nhưng không còn đen như trước, đồng thời mùi hôi, khói cũng giảm rất nhiều.

Theo ông Nguyễn Chí Kiên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Cần Thơ, khi nhà máy xử lý rác của Công ty Năng lượng Môi trường EB đi vào hoạt động, tất cả rác thải ở các đô thị trung tâm như Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng đã được thu gom, xử lý.

Phòng điều hành trung tâm bên trong Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Qua đó, giải quyết được vấn đề tác động xấu gây ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực rác thải sinh hoạt của thành phố.

Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành lấy mẫu phân tích xem nhà máy có thực hiện theo đúng báo cáo đánh giá tác động môi trường do Bộ phê duyệt hay không. Theo đó, kết quả phân tích các chỉ tiêu đều đạt theo tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam. Không phát hiện chất độc hại, mà cụ thể là dioxin.

Mới đây, Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ vừa chấp thuận cho Công ty EB đốt thử nghiệm khoảng 3.000 tấn rác đang được chôn lấp ở các bãi rác do thành phố quản lý. Chi phí bốc dỡ, xử lý đốt rác cũ do Công ty EB phụ trách còn chi phí vận chuyển rác cũ do thành phố chi trả.

Bà Nguyễn Đặng Thy Thy cho biết, sau khi hoạt động ổn định, nhà máy đã chủ động xin phép chính quyền thành phố để tạm thời xử lý miễn phí 3.000 tấn rác tại các bãi chôn lấp cũ.

Việc này sẽ giúp thành phố giải quyết vấn đề môi trường, tạo ra các khoảng đất trống, cải tạo các bãi rác này thành những điểm nhấn xanh cho thành phố Cần Thơ.

Trao đổi với phóng viên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Cần Thơ Nguyễn Chí Kiên cho hay, Sở đang bàn bạc với công ty về kế hoạch bốc dỡ, vận chuyển đến nhà máy để đảm bảo công tác bảo vệ môi trường được tốt hơn, không gây tác động xấu cho môi trường khi vận chuyển rác trên đường.

Với kết quả hoạt động bước đầu rất khả quan, có thể nói, Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ đã giải quyết vấn đề bức xúc từ lâu của đô thị trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long về rác thải, góp phần xây dựng đô thị vệ sinh, sạch đẹp.

Hiện quy trình xử lý, đốt rác phát điện khép kín này đang được nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đến tham quan, mời gọi đầu tư về địa phương mình.

Đại diện nhà máy cho biết đến nay đã có hơn 1.000 lượt khách đến tham quan, tìm hiểu quy trình hoạt động của đơn vị này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục