Theo trang mạng thediplomat.com, sự ủng hộ hoàn toàn của Trung Quốc đối với chính quyền quân sự ở Myanmar đã “bật đèn xanh” cho việc thúc đẩy thương mại biên giới và đầu tư vào bang Shan – nơi bị chia cắt về chính trị, đa sắc tộc và xung đột.
Bang Shan nằm ở phía Đông của biên giới Myanmar, tiếp giáp tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.
Một chuyên gia phân tích cấp cao nhận định ưu tiên của Trung Quốc là “ổn định vùng biên giới và tạo môi trường thuận lợi cho sự bùng nổ thương mại biên giới nhằm mang lại tăng trưởng kinh tế cho các tỉnh nghèo nhất ở phía Tây Bắc, dẫn đầu là Vân Nam.”
Quyết định của Trung Quốc về việc hỗ trợ chính quyền quân sự ở Myanmar đã được khẳng định tại một buổi tiệc chiêu đãi hồi đầu tháng Tư vừa qua do Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị chủ trì.
Cam kết này đã mở ra một giai đoạn hợp tác kinh tế mới giữa Bắc Kinh và chính quyền quân sự Myanmar, bao gồm cả việc phát triển Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Myanmar (CMEC), dựa trên các thỏa thuận đã ký với chính phủ dân bầu trước đó do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo.
Các khoản đầu tư trị giá hàng tỷ USD đang bị đe dọa, bao gồm hành lang xuyên biên giới chính cung cấp các kết nối đường sắt và đường bộ từ Côn Minh, thủ phủ Vân Nam, đến cảng nước sâu Kyaukphyu ở bang Rakhine.
Quyết định hợp tác với chính quyền quân sự Myanmar cũng sẽ đẩy nhanh chiến lược của Trung Quốc nhằm thúc đẩy thương mại biên giới và đầu tư vào các vùng biên giới đầy biến động của bang Shan.
Nhưng mục tiêu đó có thể đặt ra một thách thức lớn. Liệu tình trạng bất ổn của bang Shan có thể biến thành môi trường ổn định thân thiện với doanh nghiệp mà Trung Quốc đang tìm kiếm?
Chính sách ngoại giao biên giới của Trung Quốc dựa trên nhiều thập kỷ xây dựng Khu tự trị đặc biệt của Đảng Thống nhất bang Wa ở bang Shan, miền Đông Myanmar, và cung cấp vũ khí cho Quân đội bang Wa Thống nhất (UWSA) - lực lượng vũ trang dân tộc thiểu số mạnh nhất Myanmar với ước tính khoảng 30.000 người.
Thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với UWSA và các nhóm vũ trang sắc tộc khác trong khu vực là một phần quan trọng trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm tạo ra môi trường an toàn và đảm bảo an ninh cho các khoản đầu tư của họ.
Các nhóm vũ trang thuộc Liên minh phương Bắc từ các bang Shan và Kachin (dọc biên giới với Trung Quốc) đều đã tiếp cận được vũ khí của Trung Quốc qua biên giới Vân Nam. Nhưng cách tiếp cận này có những hạn chế.
Văn phòng Liên hợp quốc về chống Ma túy và Tội phạm (UNODC) và Lực lượng chống Ma túy Mỹ đã cáo buộc quân đội bang Wa là nhà cung cấp chính các loại ma túy tổng hợp như yaba hay amphetamine, hiện được cho là đang tràn ngập Thái Lan và Lào.
Sau cuộc đảo chính hồi tháng 2/2021, hầu hết các cuộc giao tranh do quân đội Shan tiến hành đều không nhằm vào quân đội chính quy Myanmar. Thay vào đó, họ lao vào cuộc chiến tranh bè phái, sắc tộc.
[Trung Quốc kêu gọi xúc tiến đối thoại hòa giải tại Myanmar]
Bất chấp các cuộc biểu tình ôn hòa chống đảo chính hồi năm ngoái ở thủ phủ Taunggyi của bang Shan, các nhóm vũ trang sắc tộc ở bang Shan chưa bao giờ tham gia các hoạt động chống đảo chính.
Chỉ có Quân đội Giải phóng Dân tộc Ta’ang (TNLA) ủng hộ Các lực lượng Phòng vệ Nhân dân chống đảo chính (PDF) liên kết với Chính phủ Thống nhất Quốc gia, lực lượng đang tìm cách đưa Myanmar trở lại con đường dân chủ.
Trong số các thành viên của Liên minh phương Bắc, chỉ có Quân đội Độc lập Kachin (KIA) lên án mạnh mẽ cuộc đảo chính, gây tổn thất nặng nề cho Lực lượng vũ trang Myanmar (Tatmadaw) và hỗ trợ phong trào biểu tình trên toàn quốc.
Tại bang Shan, các nhóm vũ trang sắc tộc khác đứng về phía phía quân đội bang Wa và cùng với Đảng Cấp tiến bang Shan (SSPP) và TNLA, đã giáng đòn nặng nề vào Hội đồng Khôi phục bang Shan (RCSS) đối thủ.
Những lợi ích về lãnh thổ đã đẩy RCSS về phía Nam kết hợp với tham vọng của các nhà hoạch định chính sách ở Vân Nam. Tháng 11/2021, Li Chenyang, một học giả có quan hệ mật thiết với quân đội Myanmar, đã được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Thương mại Vân Nam để thúc đẩy CMEC và các dự án xuyên biên giới mới.
Tác động đến bang Shan
Trước cuộc đảo chính năm 2021, người Myanmar đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình phản đối các dự án lớn hủy hoại môi trường, chẳng hạn như đập Mong Tong khổng lồ do Trung Quốc đề xuất trên sông Salween ở bang Shan.
Dự án xây đập này - cũng như tất cả các dự án thủy điện trên dòng chính của sông Salween, một trong số ít những con sông không bị xâm thực ở Đông Á - đã bị chính phủ trước đó tạm dừng sau một cuộc khảo sát đánh giá môi trường quy mô lớn.
Các tổ chức xã hội dân sự lo ngại cánh cửa một lần nữa lại mở ra cho các công ty Trung Quốc hồi sinh các dự án đập lớn trên con sông huyết mạch này. Và với chính quyền quân sự hiện nay, sẽ có rất ít cơ hội cho các cuộc biểu tình phản đối của dân chúng.
Sai Khur Hseng, Điều phối viên của Tổ chức Môi trường Sapawa, cho biết: “Đây là một thách thức lớn. Mọi tầng lớp xã hội ở bang Shan đang chịu hậu quả của khủng hoảng kinh tế. Họ đang rất cần tiền.
Rất nhiều dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) sẽ được thực hiện và mọi người sẽ chấp nhận chúng.” CMEC cũng là một phần của BRI.
Các đặc khu kinh tế
Hành lang xuyên biên giới CMEC - cung cấp các kết nối đường sắt và đường bộ từ Côn Minh qua bang Shan và kết nối với cảng biển nước sâu ở bang Rakhine đổ ra Ấn Độ Dương - đang khôi phục hoạt động.
Đầu tư của Trung Quốc được rót vào thời điểm nhiều công ty đã rút khỏi Myanmar để phản đối cuộc đảo chính hồi tháng 2/2021. Quyết định của Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào dự án khổng lồ này chắc chắn sẽ làm gia tăng tâm lý bài Trung Quốc ở Myanmar.
Sai Khur Hseng cho biết Trung Quốc “đã giao nhiệm vụ cho các nhóm vũ trang khác nhau để đảm bảo các dự án BRI nằm trong khu vực của họ.”
Các nhóm UWSA, SSPP và TNLA thân Trung Quốc đang kiểm soát phía Bắc bang Shan sẽ cung cấp an ninh cho các khoản đầu tư gây tranh cãi vào các vùng lãnh thổ mà họ kiểm soát.
Những động thái nhằm thiết lập một vòng vây kinh tế của Trung Quốc này sẽ tiếp tục cô lập bang Shan khỏi cuộc chiến chống lại chính quyền ở hầu hết các khu vực khác của Myanmar, từ vùng đồng bằng trung tâm Myanmar đến các bang sắc tộc thiểu số còn lại.
Trung Quốc có thể cho rằng việc này đảm bảo sự ổn định, an ninh và thành công cho các triển vọng đầu tư chiến lược, bất chấp làn sóng chống Trung Quốc.
Tuy nhiên, việc phản đối các siêu dự án của Trung Quốc không phải là rào cản tiềm tàng duy nhất đối với các dự án BRI ở Myanmar.
Ở phía Bắc bang Shan, Khu kinh tế xuyên biên giới ở Chinshwehaw đã được phê duyệt, nối thị trấn Laukkai của Shan, thủ phủ của Khu tự trị đặc biệt Kokang, với Lincang thuộc tỉnh Vân Nam.
Quá cảnh qua tuyến đường này là con đường ngắn nhất từ Côn Minh đến cảng nước sâu Kyaukphyu trên Vịnh Bengal. Tuy nhiên Laukkai vốn nổi tiếng là một thị trấn biên giới bạo lực và tội phạm.
Cả Trung Quốc và chính quyền địa phương đều phụ thuộc vào hoạt động của một tổ chức mafia Myanmar-Trung Quốc đang kiểm soát khu vực tự quản giáp Vân Nam này.
Jason Tower, Giám đốc quốc gia tại Viện Hòa bình Mỹ ở Myanmar cho biết: “Trung Quốc làm ăn với Khu tự trị đặc biệt Kokang, nơi cộng đồng người gốc Hoa dưới sự kiểm soát của các gia tộc Kokang cấu kết với tội phạm xuyên quốc gia, bao gồm buôn lậu ma túy, hoạt động sòng bạc ở Myanmar, Campuchia và Philippines."
Bên kia biên giới Kokang, những gia tộc này tham gia các cuộc đàm phán kinh doanh với chính quyền Vân Nam và các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Các ông chủ ở Kokang cũng tài trợ cho các hoạt động chống nổi dậy của Lực lượng Biên phòng Myanmar (BGF) – lực lượng vốn được xem là chìa khóa để chính quyền kiểm soát các hành lang thương mại và vận tải ở miền Bắc Myanmar.
Chinshwehaw và Kunlong - hai khu vực do Tatmadaw kiểm soát - tiếp giáp với Khu tự trị đặc biệt Kokang và là nơi có một trong những đặc khu kinh tế xuyên biên giới quan trọng.
Kokang đã đóng một vai trò quan trọng trong CMEC nhưng kèm với đó là mặt tối: nạn cờ bạc, tống tiền, lừa đảo và buôn người hoành hành ở Kokang đã kích hoạt các chiến dịch của cảnh sát Vân Nam nhằm truy quét tội phạm xuyên biên giới.
Những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc vô cùng bối rối trước các tổ chức tội phạm người Hoa ở nước ngoài. Những vụ bê bối liên quan các sòng bạc do các ông chủ Kokang điều hành cuối cùng đã dẫn đến một cuộc can thiệp để đóng cửa các sòng bạc ở Sihanoukville, miền Nam Campuchia.
Ở Myanmar, vụ việc gây chấn động nhất là trường hợp của Shwe Kokko Yatai New City ở thị trấn Myawaddy, thuộc bang Karen, gần với biên giới Thái Lan.
Đây được cho là dự án đầu tiên ở Myanmar thuộc khuôn khổ BRI, nhưng đã bị chính phủ Trung Quốc công khai bác bỏ với tuyên bố “đây là khoản đầu tư của nước thứ ba và không liên quan đến BRI.”
Thành phố mới Yatai là một ví dụ về cách mạng lưới tội phạm những người nói tiếng Hoa trên toàn cầu lợi dụng thương hiệu BRI và tham gia các hoạt động bất hợp pháp tại các “điểm đen” địa chính trị ở Nam Bán cầu.
Việc hợp tác với các nhóm tội phạm này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến mục tiêu chính của Trung Quốc là tạo ra một môi trường kinh doanh ổn định và thân thiện cho các dự án đầu tư lớn? Theo ông Tower, “rất khó để Trung Quốc có thể kiểm soát được những mâu thuẫn này; một lần nữa, BRI có nguy cơ bị các tội phạm lợi dụng.”
Trong bối cảnh kinh tế đang suy thoái, các tướng lĩnh của Tatmadaw phụ thuộc vào Trung Quốc để tồn tại. Nhưng liệu mạng lưới khách hàng, phiến quân, đối tác kinh doanh, các băng nhóm ma túy và tướng lĩnh Myanmar có thực sự phục vụ lợi ích lâu dài của Bắc Kinh?
Không thể biết đến bao giờ các phe phái thù địch ở bang Shan và tâm lý thù địch nói chung đối với Trung Quốc mới chấm dứt để có thể tạo môi trường tiếp cận thuận lợi cho các dự án BRI.
Tiến sỹ Paul Chambers, chuyên gia về quan hệ quốc tế Đông Nam Á tại Đại học Naresuan, Thái Lan, nhận định: “Bang Shan thực sự phức tạp và không thể đoán trước được.”
Ông nói thêm: “Đại dịch vẫn đang tiếp diễn, các lệnh trừng phạt quốc tế, tâm lý chống Trung Quốc, kinh tế suy giảm và sự trỗi dậy của các hoạt động kinh tế bất hợp pháp đang khiến vùng biên giới bang Shan trở nên bất ổn hơn so với trước cuộc đảo chính năm 2021”./.