Giới chức Bangladesh ngày 24/9 ra thông báo cấm các công ty viễn thông bán thẻ sim điện thoại cho người tị nạn Hồi giáo Rohingya vì lý do an ninh.
Thứ trưởng Bộ Viễn thông Bangladesh Tarana Halim cho biết quyết định trên được đưa ra ngày 23/9 vì lý do an ninh nhằm chấm dứt mọi hoạt động liên lạc của gần 430.000 người tị nạn từ Myanmar chạy sang Bangladesh.
Các hãng viễn thông sẽ bị phạt nặng nếu cung cấp thiết bị liên lạc cho những người tị nạn này trong khi lệnh cấm còn có hiệu lực. Thứ trưởng Halim nhấn mạnh nước này tiếp nhận người Rohingya vì lý do nhân đạo song không thể để ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Tuy nhiên, quan chức này cũng không nêu rõ những nguy cơ mà người Rohingya có thể gây ra.
Bangladesh trước đó đã cấm việc bán thẻ sim cho những công dân không thể cung cấp thẻ căn cước chính thức nhằm mục đích ngăn khả năng liên lạc, kết nối của các tay súng nổi dậy tại nước này.
Tuy nhiên, giới chức Banglades cho biết có thể dỡ bỏ lệnh cấm ngay khi những người tị nạn mới này được nhận thẻ nhận dạng sinh trắc học. Trước đó, quân đội ước tính quá trình này sẽ kéo dài 6 tháng.
[Các trại tị nạn của người Hồi giáo Rohingya trước bờ vực thảm họa]
Kể từ cuối tháng 8 năm ngoái, hơn 430.000 người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar đã chạy sang thành phố Cox's Bazar Bangladesh, gần biên giới giữa hai nước, để lánh nạn kể từ khi bạo động nổ ra tại bang Rakhine.
Myanmar không công nhận người Rohingya là một trong các dân tộc thiểu số của nước mình, và gọi họ là người Bengalis - hay người nhập cư bất hợp pháp từ nước Bangladesh láng giềng - dù nhiều người đã sống tại Myanmar qua nhiều thế hệ. Đây là lệnh cấm mới nhất được ban hành đối với hơn 430.000 người tị nạn Rohingya tại Bangladesh.
Hiện những người này cũng bị cấm ra khỏi khu vực tị nạn tại thành phố Cox's Bazar. Tuy nhiên, tình hình vệ sinh tại trại tị nạn này đang ở mức báo động. Tổ chức bác sỹ không biên giới mới đây cảnh báo khu vực này đang đứng trước nguy cơ của một "thảm họa y tế."
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mới đây đã bày tỏ quan ngại trước tình trạng tại bang Rakhine, đồng thời kêu gọi "lập tức có những biện pháp" để chấm dứt tình trạng bạo lực./.