Bánh Trung thu keto, lowcarb và những hiểu lầm về thực phẩm “healthy”

Chỉ cần gõ “bánh Trung Thu keto” hay “bánh Trung Thu nguyên cám,” những sản phẩm được đăng trên các web bán hàng sẽ khiến khách hàng kinh ngạc vì không có gì khác biệt so với bánh Trung Thu thường.
Bánh Trung thu keto, lowcarb và những hiểu lầm về thực phẩm “healthy” ảnh 1Bánh Trung Thu keto có hình dáng không khác gì bánh thật. (Nguồn: Vietnam+)

Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Trung Thu. Lướt các kênh mạng xã hội, bán hàng online những ngày này, chúng ta không khó để bắt gặp các quảng cáo bánh Trung Thu rất đa dạng, từ thập cẩm cổ truyền đến mới lạ.

Chỉ cần gõ từ khóa “bánh Trung Thu keto” hay “bánh Trung Thu nguyên cám,” những sản phẩm được đăng trên các web bán hàng sẽ khiến khách hàng kinh ngạc vì không có gì khác biệt so với bánh Trung Thu thông thường, cả hình thức bên ngoài và ruột bên trong.

Không chỉ bánh Trung Thu, các dòng bánh được mang tên các chế độ ăn kiêng ngày càng trở nên phổ biến, nhưng cũng kéo theo đó là rất nhiều cuộc tranh cãi, cũng như sự lo ngại của người tiêu dùng.

Hình thức đẹp, giá cao

Hiện nay, ngoài cách ăn kiêng truyền thống là giảm bớt lượng thức ăn nạp vào cơ thể và tăng cường vận động, có nhiều phương pháp ăn kiêng khác nhau khá đa dạng và cũng rất thú vị.

Nổi bật trong những năm gần đây là chế độ ăn keto, phương pháp ăn kiêng theo nguyên tắc cắt giảm tối đa lượng tinh bột (carbohydrate) và tăng cường bổ sung protein cùng các chất béo có lợi cho cơ thể. Nhờ đó giúp cho cơ thể tăng cường đốt cháy calo và mang lại hiệu quả giảm cân một cách nhanh chóng.

Bên cạnh đó, một chế độ ăn khác cũng rất được ưa chuộng, là ăn “healthy (lành mạnh),” theo đó, các loại bột nguyên cám, gạo lức, hạt dinh dưỡng sẽ được sử dụng thay thế cho bột mỳ, gạo trắng và các loại ngũ cốc truyền thống. Đường tinh luyện sẽ được thay thế bằng đường ăn kiêng.

[Người phụ nữ chết vì suy nhược sau khi theo chế độ ăn thuần chay]

Giống như thị trường đồ ăn chay giả mặn, những chế độ ăn này cũng dẫn đến một thị trường bánh ăn kiêng hết sức sôi động, với những loại bánh sử dụng các nguyên liệu thay thế, có hình thức và hương vị gần giống nhất đối với các loại bánh thông thường, giúp những người ăn kiêng giảm được cơn “thèm” đối với những loại thực phẩm bị cấm. 

Bánh keto là loại bánh không sử dụng bột mỳ, bột gạo, các loại hạt hay đường, mà thay thế bằng các loại bột hạnh nhân, bột dừa, đường ăn kiêng. Đặc điểm của loại bánh này là giàu protein nhưng hoàn toàn không có tinh bột.

Ngoài bánh keto hay lowcarb, người tiêu dùng còn biết đến những dòng bánh được cho là sử dụng các loại nguyên liệu cao cấp thay thế, ít các chất gây hại như bột nguyên cám, bột mỳ đen thay thế bột mỳ thông thường, mật ong thay cho đường tinh luyện, các loại hạt óc chó, hạnh nhân, hạt chia thay thế cho ngũ cốc thông thường.

Đây cũng là nguyên nhân khiến giá của chúng thường cao gấp mấy lần các loại bánh thông thường.

Tuy nhiên, với đặc điểm chung là cùng gắn mác “ăn kiêng,” đặc biệt là lời quảng cáo “healthy,” những sản phẩm này đã khiến nhiều người tiêu dùng sẵn sàng chi một khoản tiền lớn ra mua với mong muốn được thưởng thức những đồ ăn ngon lành mà không sợ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Sự mơ hồ của người tiêu dùng

Trên mạng xã hội, không thiếu những dòng quảng cáo hấp dẫn với những chiếc bánh với những nguyên liệu cao cấp nhưng lại gộp chung các tiêu chí "keto, lowcarb, healthy," khiến người tiêu dùng tin tưởng rằng mình đang sử dụng một sản phẩm lành mạnh mà không biết rằng mỗi chế độ ăn kiêng có một công thức và chế độ riêng.

Bánh Trung thu keto, lowcarb và những hiểu lầm về thực phẩm “healthy” ảnh 2Bánh Trung Thu keto có hình dáng không khác gì bánh thật. (Nguồn: Vietnam+)

Một chiếc bánh theo chế độ keto có thể ít hoặc không có tinh bột, nhưng lượng protein và năng lượng có thể cao vượt những chiếc bánh bình thường. Ngược lại, những chiếc bánh làm từ bột mỳ nguyên cám lại là “kẻ thù” của chế độ ăn cắt giảm hoàn toàn tinh bột. Do đó, những quảng cáo về một loại bánh đáp ứng cho các chế độ ăn kiêng khác nhau thường là không đúng sự thật, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, việc sử dụng những sản phẩm thay thế cũng không có nghĩa là cắt giảm được các chất gây hại. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, việc thay thế đường bằng mật ong có thể cung cấp cho cơ thể một số chất chống oxy hóa như flavonoid, axit phenolic rất tốt cho sức khỏe, tuy nhiên mật ong vẫn cung cấp khá nhiều calo (288kcl trên 100g mật ong, trong khi 100g đường cung cấp 387kcl), nên việc tiêu thụ nhiều mật ong cũng cung cấp khá nhiều năng lượng, đặc biệt khi kết hợp với tâm lý chủ quan “không có hại nên không cần quá hạn chế” của người tiêu dùng.

Do đó, khi sử dụng các loại bánh bằng nguyên liệu thay thế, điều người tiêu dùng cần quan tâm là thành phần, số lượng, khối lượng của các nguyên liệu đó, từ đó tính ra được lượng sử dụng vừa phải cân bằng cho mình.

Sự thiếu hiểu biết cũng đã khiến nhiều người tiêu dùng bị lợi dụng sử dụng những sản phẩm giả. Cách đây nửa năm, vào tháng 3, VTV đưa một phóng sự về vụ việc một cửa hàng bánh online khá nổi tiếng đã bán các sản phẩm bánh thường “đội lốt” keto với giá cao gấp nhiều lần.

Thông tin này đã khiến dư luận dậy sóng, cả người tiêu dùng lẫn người bán hàng, kéo theo nhiều cuộc tranh luận gay gắt. Trong đó, nhiều ý kiến chỉ trích khách hàng “dễ dãi và dại dột” khi bỏ một khoản tiền lớn ra mua sản phẩm mà hoàn toàn không kiểm tra kỹ về chất lượng.

Chị T.H.Y, chủ một shop bánh keto online lâu năm cho biết bánh keto có hình thức gần như giống bánh thường cùng loại nhưng kết cấu không thể giống hoàn toàn với bánh bình thường bởi đã loại bỏ hoàn toàn gluten, là thành phần giúp bánh có độ dai, kết dính. Do đó, bánh keto, đặc biệt là bánh gato, thường sẽ thiếu độ đàn hồi, dễ vỡ hơn so với bánh thông thường.

Tuy nhiên, chị cũng cho biết hiện nay nhiều chủ cửa hàng đã tìm ra nhiều phương pháp khác nhau giúp cải tiến để bánh có được độ dai, dẻo gần giống nhất với bánh thông thường. Nên để chắc chắn nhất về thành phần của bánh, khách hàng có thể mua iốt ở các hiệu thuốc, sau đó kiểm tra bằng cách lấy một phần bánh và nhỏ iốt lên, nếu iốt chuyển sang màu tím thẫm thì bánh đó có chứa tinh bột, không phải là bánh keto.

Cũng giống như đối với dòng bánh keto, các loại bột nguyên cám, bột mỳ đen có đặc điểm là ở dạng “thô,” do đó cũng rất khác biệt bột mỳ trắng về mặt kết cấu.

Do đó, những chiếc bánh làm từ bột mỳ đen, bánh mỳ nguyên cám càng ít pha trộn bột mỳ trắng thì sẽ càng ít độ dai , àn hồi, thậm chí nặng, đặc, bở và cứng hơn hẳn những chiếc bánh làm từ bột mỳ trắng. Người tiêu dùng có thể căn cứ vào đó để phân biệt được loại bánh mình đang tiêu thụ.

Các phương pháp ăn kiêng khác nhau hiện nay vẫn là đề tài gây tranh cãi trên các phương tiện truyền thông xã hội và cần rất nhiều thời gian để kiểm định.

Tuy nhiên, dù áp dụng biện pháp nào, thì điều quan trọng nhất đối với những người tiêu dùng vẫn là phải hiểu thật kỹ phương pháp và chế độ của mình, qua đó xây dựng một thực đơn hợp lý, tốt cho sức khỏe và đem lại hiệu quả tốt./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục