Hiện nay, thông tin trên mạng xã hội ngày càng bùng nổ, đáp ứng nhu cầu của công dân số. Tuy nhiên, mặt trái của xu thế này là sự xuất hiện của những luồng thông tin xấu độc, gây méo mó dư luận xã hội.
Trong bối cảnh đó, báo chí ngày càng phát huy vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận, là diễn đàn tin cậy của nhân dân. Các tờ báo chính thống luôn chủ động thông tin về những vấn đề lớn của đất nước, hòa mình vào truyền thông số và giữ vững vị thế là kênh thông tin đáng tin cậy.
Dòng chảy chủ lưu trong ‘biển’ thông tin
Nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhìn nhận chúng ta đang sống trong một “biển” thông tin đa chiều, phong phú, đa dạng. Thực tế, nhiều tờ báo xem đó là một nguồn tin mà không kiểm chứng, “bê nguyên” lên mặt báo, thiếu sự kiểm duyệt.
Chia sẻ với phóng viên VietnamPlus, ông Lợi khẳng định đây là hiện trạng cần phải xóa bỏ.
[Chuyện của những phóng viên dấn thân tác nghiệp ở 'tâm dịch' COVID-19]
“Ở Việt Nam, báo chí cách mạng cần phải khẳng định vai trò của mình trong việc cung cấp thông tin cho công chúng, cần khẳng định tính Đảng, tính cách mạng, tính chính thống của báo chí chứ không thể chạy theo những thông tin hời hợt, phục vụ những sở thích, nhu cầu không chính đáng,” ông Lợi bình luận.
Nhờ nỗ lực của báo chí và cơ quan quản lý Nhà nước, nhà báo Nguyễn Đức Lợi cho rằng công chúng ngày nay cũng nhận ra rằng đã đến lúc phải quay lại với các nguồn tin chính thống, với các tờ báo nghiêm túc đáng tin cậy. Đây là cơ hội để báo chí khẳng định lại vị thế, vai trò và uy tín của mình.
Lấy ví dụ tuyến thông tin về cuộc xung đột Nga-Ukraine, ông Lợi cho biết ban đầu nhiều tờ báo chủ yếu dựa vào thông tin từ các hãng thông tấn phương Tây, nên vô tình đưa tin theo cách nhìn, quan điểm của phương Tây về sự kiện này.
Sau đó, nhờ sự định hướng của Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin-Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam, các báo đã có sự điều chỉnh, trở về đúng vai trò dẫn dắt dư luận xã hội, phản ánh đúng quan điểm của Nhà nước Việt Nam, đường lối đối ngoại Việt Nam về vấn đề này.
“Như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói, ‘Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải.’ Chúng ta không thiên về một bên nào cả. Những thông tin về sau ngày càng cân bằng, đúng định hướng, khách quan hơn. Báo chí Việt Nam không trở thành ‘cánh tay nối dài’ hay ‘cái loa’ của báo chí phương Tây, chúng ta có cách nhìn độc lập, rộng mở hơn, từ đó cũng định hướng lại càng luồng dư luận trong nước,” ông Lợi bình luận.
Tiến sỹ Nguyễn Nga Huyền (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đồng tình với quan điểm trên. Bà cho rằng ở thời đại 4.0, vai trò định hướng dư luận của báo chí lại càng được khẳng định.
“Thông tin trên báo chí có thể không nhanh bằng mạng xã hội nhưng có sự thẩm định và có trách nhiệm hơn rất nhiều. Hơn nữa, bên cạnh phản ánh thông tin, báo chí còn phân tích, diễn giải thông tin và qua đó thì độc giả có cơ sở để đưa ra quan điểm của bản thân mình trước một vấn đề, một sự kiện gây tranh cãi,” bà Huyền cho biết.
Lấy dẫn chứng cho nhận định này, bà Huyền nhắc đến giai đoạn cao điểm của đại dịch COVID-19 cũng là lúc bùng nổ thông tin sai lệch và độc hại trên mạng xã hội liên quan đến cách thức chữa bệnh, số ca nhiễm và những người bệnh.
“Báo chí đã thể hiện vai trò tích cực trong việc đưa ra thông tin đúng, chuẩn xác cũng như là phủ nhận những thông tin sai sự thật. Khi đó, phần lớn người dân đã bình tĩnh, chờ tin chính thức trên báo, không vội tin hay chia sẻ những thông tin lan tràn trên mạng,” tiến sỹ cho biết.
Tránh sa bẫy ‘lá cải hóa’
Báo chí định hướng dư luận thông qua việc phản ánh, cung cấp thông tin và các bài báo phân tích, bình luận, diễn giải vấn đề. Thực tế cho thấy cả hai khía cạnh này đều cần được coi trọng như nhau.
Bàn về vấn đề này, tiến sỹ Nguyễn Nga Huyền cho rằng báo chí cần hỏi ý kiến của nhiều chuyên gia trước các sự việc gây tranh cãi, mặc dù quá trình này có thể khiến báo chí “chậm chân” hơn so với mạng xã hội hay các trang tin.
“Tôi hiểu rằng báo chí có áp lực là phải đưa tin nhanh. Nhưng đó không nên là lý do khiến cho báo chí mất đi khả năng khai thác sâu và diễn giải thông tin bởi đây mới là thế mạnh của báo chí. Chúng ta không thể cạnh tranh về tốc độ với mạng xã hội nên đưa tin chậm hơn một chút cũng không sao, quan trọng là có tin sâu, có những góc nhìn riêng, có chất lượng thông tin cao hơn. Đó là điều mà tôi cho rằng các nhà báo hiện nay nên hướng đến,” tiến sỹ góp ý.
Trước các vụ việc như thanh thiếu niên tự tử hay ngoại tình, đánh ghen, nếu báo chí khai thác sâu thì dễ sa vào cái bẫy “lá cải hóa” hoặc thậm chí gây hiệu ứng ngược trong dư luận xã hội. Tiến sỹ Nga Huyền cho rằng các nhà báo cần dựa trên quy tắc hành xử của của nghề báo, đạo đức báo chí, Luật Báo chí để tác nghiệp.
“Muốn đưa ra những bài viết có chiều sâu, có tính định hướng thì chúng ta cần phải tiếp cận vấn đề ở góc độ đa chiều và phải thật nhạy cảm để không xoáy sâu vào những nỗi đau mà thông tin mang lại,” tiến sỹ chia sẻ.
Liên quan đến việc đưa tin về những vấn đề nhạy cảm, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng báo chí không nên lẩn tránh, ngược lại phải xung kích, tích cực làm rõ những vấn đề còn gây tranh cãi, quyết không 'nhường' trận địa cho những thông tin không chính thống.
“Nếu báo chí ngó lơ thì tất yếu công chúng sẽ tìm đến những nguồn khác để nắm bắt sự việc. Vậy, tôi cho rằng báo chí cần tích cực đưa tin cả các vụ việc phức tạp, nhạy cảm,” ông nói.
Nhà báo Nguyễn Đức Lợi nói thêm rằng các cơ quan có trách nhiệm cũng cần chủ động cung cấp thông tin cho báo chí một cách nhanh chóng để phóng viên có nguồn tin chính thức, có chất liệu chính thống cho bài viết của mình, giữ vững vai trò là dòng chủ lưu giữa ‘biển’ thông tin hiện nay.
Nói về vai trò định hướng dư luận của báo chí, ông Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu các cơ quan báo chí phải tiếp tục phát huy vai trò chủ động, tiên phong, dẫn dắt, định hướng, lan tỏa thông tin tích cực, nhân văn, nhân ái vì cộng đồng. Cùng với đó, báo chí phải lên án, đấu tranh mạnh mẽ, quyết liệt các hiện tượng, hành vi cụ thể lợi dụng mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác trên internet để thông tin sai sự thật, thiếu chuẩn mực đạo đức, trái thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật.
Để giữ vững tính định hướng, ông Trần Thanh Lâm cho rằng cơ quan báo chí cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ người làm báo; nâng cao nhận thức, trách nhiệm mỗi cá nhân trong việc thực hiện 10 điều Quy định đạo đức người làm báo và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.
“Báo chí phải có cái nhìn khách quan, thận trọng trước các hiện tượng trên mạng xã hội; tuyệt đối không vì mục tiêu tăng views mà đưa tin theo hướng giật gân, câu khách, a dua, chạy theo và bị mạng xã hội dẫn dắt, quên đi trách nhiệm xã hội và sứ mệnh cao cả của người làm báo,” ông Trần Thanh Lâm nói./.