Báo chí đồng hành và phát triển cùng sự nghiệp cách mạng

Báo chí đồng hành và phát triển cùng sự nghiệp cách mạng dân tộc

Báo chí cách mạng Việt Nam đã đồng hành cùng dân tộc, góp phần làm nên những thành tựu vĩ đại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Từ khi ra đời cho đến nay, Báo chí cách mạng Việt Nam đã đồng hành và phát triển cùng dân tộc, góp phần làm nên những thành tựu vĩ đại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Nhân dịp kỷ niệm 89 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2014), báo điện tử Vietnam+ trân trọng giới thiệu tới độc giả bài viết “Báo chí cách mạng Việt Nam đồng hành và phát triển cùng sự nghiệp cách mạng dân tộc” của Trung tâm Thông tin Tư liệu-Thông tấn xã Việt Nam.

Báo chí đồng hành và phát triển cùng sự nghiệp cách mạng dân tộc ảnh 1Các phóng viên tác nghiệp trên Nhà dàn DK1-Trường Sa (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Ngày 21/6/1925, báo Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra số đầu tiên. Cùng với tác phẩm “Đường Kách mệnh,” báo Thanh niên trở thành một trong những công cụ, tài liệu tiếng Việt đầu tiên truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam.

Với ý nghĩa đó, ngày 5/2/1985, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Quyết định số 52-QĐ/TW lấy ngày 21/6 hằng năm là Ngày Báo chí Việt Nam. Năm 2000, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đồng ý gọi Ngày báo chí Việt Nam là Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam.

Đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ đất nước

Từ khi báo Thanh niên ra đời, báo chí Việt Nam đã giương cao ngọn cờ cách mạng, nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam và chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Báo Thanh niên đã mở đầu cuộc cách mạng tư tưởng, đưa nền tảng tư tưởng truyền thống của dân tộc lên một tầm cao mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đào tạo lớp làm báo vô sản đầu tiên của Việt Nam.

Trong kháng chiến chống Pháp xâm lược, hàng loạt các báo, tạp chí lần lượt ra đời phục vụ tích cực cho công tác xây dựng Đảng, tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin và đường lối cách mạng dân quyền của Đảng, kiên quyết chống đế quốc, phong kiến, chuẩn bị điều kiện để đón thời cơ đưa cách mạng tiến lên một cao trào mới.

Có nhiều báo, tạp chí đã ra đời ngay trong các nhà tù của đế quốc như: Lao tù tạp chí, Đuốc đưa đường, Đường cách mạng, Con đường chính, Hoả lò Hà Nội, Bôn-sê-vích, Nhà tù Buôn Ma Thuột, Người tù đỏ, Qua tiếng sóng hận, Hòn Cau, Ý kiến chung ở Côn Lôn, Nẻo nhà pha ở nhà tù Quảng Nam...

Báo chí đã kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, phục vụ tích cực cho việc xây dựng lực lượng vũ trang tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945.

Dưới chế độ dân chủ nhân dân, báo chí cách mạng đã xuất bản công khai với số lượng lớn. Đặc biệt, báo chí trong nước đã đến với một số Đảng anh em và bạn bè trên thế giới, nhờ đó mà nhân dân thế giới ngày càng hiểu rõ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta, đồng tình và ủng hộ sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam.

Ngày 2/6/1950, Hội Nhà báo Việt Nam được thành lập đã đoàn kết rộng rãi các nhà báo trong nước. Tháng 7/1950, Hội Nhà báo Việt Nam gia nhập Tổ chức Quốc tế các nhà báo OIJ.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, báo chí cách mạng Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Những tờ báo từ kháng chiến chống Pháp được phát triển để phục vụ nhiệm vụ mới. Nhiều cơ quan nghiên cứu khoa học, tuyên truyền, lý luận, tổ chức, kỹ thuật và các tỉnh đều xuất bản báo. Một số tờ báo tiếng nước ngoài đã được xuất bản để giới thiệu các vấn đề của Việt Nam với bạn bè quốc tế, góp phần đấu tranh trên mặt trận ngoại giao.

Báo chí cách mạng Việt Nam đã đồng hành cùng dân tộc, góp phần làm nên những thành tựu vĩ đại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Suốt chiều dài hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, những người làm báo đã vượt lên mọi khó khăn, không quản hy sinh, có mặt trên tất cả các mặt trận để kịp thời phản ánh mọi diễn biến của cuộc chiến đấu.

Hàng nghìn lượt cán bộ, phóng viên báo chí đã sát cánh cùng bộ đội, dân công chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên các mặt trận. Hơn 400 nhà báo-liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng nước nhà.

Không ngừng phát triển trong tình hình mới

Đã 89 năm kể từ số báo Thanh niên đầu tiên, qua từng giai đoạn cách mạng, báo chí Việt Nam không ngừng phát triển phong phú và đa dạng.

Báo chí nước nhà đã phát triển khá nhanh về số lượng và chất lượng, hình thành hệ thống thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình rộng khắp cả nước với 838 cơ quan báo in, 67 đài phát thanh truyền hình với gần 200 kênh phát thanh, truyền hình.

Báo chí đồng hành và phát triển cùng sự nghiệp cách mạng dân tộc ảnh 2Phóng viên tác nghiệp trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội (Ảnh: TTXVN)

Nội dung thông tin của báo chí ngày càng phong phú, hiệu quả, hình thức đẹp, sinh động và hấp dẫn.

Báo chí đã đi sâu vào thực tiễn đời sống, phát hiện, giới thiệu, cổ vũ các mô hình kinh tế mới, cách làm ăn mới, nhân tố mới, người tốt, việc tốt; thể hiện rõ quan điểm bảo vệ và phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc, tuyên truyền cổ vũ toàn dân phát huy có chọn lọc nền văn hóa tiên tiến của các nước trên thế giới.

Báo chí góp phần nâng cao dân trí, ngăn chặn văn hóa xấu len lỏi vào Việt Nam, đã tổ chức khơi dậy và biến nhiều hoạt động xã hội từ thiện trở thành phong trào của toàn xã hội.

Hoạt động của báo chí trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước, trong quá trình hội nhập quốc tế và cơ chế thị trường, trong thời đại bùng nổ thông tin đang phát triển không ngừng. Đứng trước những yêu cầu mới, báo chí cách mạng Việt Nam luôn kiên định mục tiêu lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện tốt chức năng báo chí là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội và là diễn đàn của nhân dân.

Giải báo chí Quốc gia: Tôn vinh những cây bút, tay máy xuất sắc

Nhằm biểu dương những thành tích, đóng góp to lớn của những người làm báo chuyên nghiệp và không chuyên cả nước, ngày 29-3-2007, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định số 369/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án Giải báo chí Quốc gia” để góp phần động viên, cổ vũ phong trào thi đua lao động sáng tạo của đội ngũ những người làm báo trong cả nước; phát hiện, bồi dưỡng những tài năng báo chí trong xã hội.

Theo đó, Giải báo chí Quốc gia được tổ chức hằng năm, bắt đầu từ năm 2006 và thực hiện trên phạm vi toàn quốc. Năm sau tuyển chọn, thẩm định, chấm và trao giải cho các tác phẩm báo chí của năm trước đó.

Giải báo chí Quốc gia là sự kiện báo chí lớn, một điểm nhấn, một dấu ấn để công chúng và những người làm báo tổng kết lại đời sống một năm của báo chí; đồng thời tôn vinh những tác phẩm xuất sắc, tôn vinh lao động, sự cống hiến của những người làm báo.

Giải báo chí Quốc gia lần thứ I năm 2006 tổ chức lễ trao giải ngày 27/8/2007 tại Hà Nội. Hội đồng chung khảo Giải báo chí Quốc gia lần thứ nhất đã trao 3 giải A, 11 giải B, 19 giải C và 15 giải khuyến khích cho các tác giả và tác phẩm đoạt Giải.

Giải Báo chí quốc gia lần thứ II năm 2007 tổ chức lễ trao giải ngày 21/6/2008 tại Hà Nội. Hội đồng Giải báo chí Quốc gia đã trao Giải cho 80 tác phẩm, bao gồm: 4 giải A; 11 giải B; 24 giải C và 41 giải khuyến khích.

Giải Báo chí quốc gia lần thứ III năm 2008 tổ chức lễ trao giải ngày 21/6/2009 tại Hà Nội. Hội đồng chung khảo Giải Báo chí quốc gia đã lựa chọn 80 tác phẩm đoạt giải, gồm 3 giải A, 12 giải B, 37 giải C và 28 giải khuyến khích.

Giải Báo chí quốc gia lần thứ IV năm 2009 tổ chức lễ trao giải ngày 21/6/2010 tại Hà Nội. Hội đồng chung khảo Giải Báo chí quốc gia đã lựa chọn 129 tác phẩm để trao giải gồm: 1 giải A; 19 giải B; 54 giải C và 55 giải khuyến khích.

Báo chí đồng hành và phát triển cùng sự nghiệp cách mạng dân tộc ảnh 3Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, trao hai giải A cho tác giả Nguyễn Đăng Lâm ( TTXVN - ngoài cùng bên trái) và nhóm tác giả Báo Lao Động tại lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ V (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Giải Báo chí quốc gia lần thứ V năm 2010 tổ chức lễ trao giải ngày 21/6/2011 tại Hà Nội. Từ hơn 1.300 tác phẩm dự Giải, Hội đồng chung khảo đã lựa chọn 128 tác phẩm thuộc tám thể loại để trao giải gồm: 2 giải A; 24 giải B; 43 giải C và 59 giải khuyến khích.

Giải Báo chí quốc gia lần thứ VI năm 2011 tổ chức lễ trao giải ngày 21/6/2012 tại Hà Nội. Hội đồng chung khảo Giải Báo chí quốc gia đã lựa chọn 95 tác phẩm đoạt giải, gồm: 2 giải A; 23 giải B; 39 giải C và 31 giải khuyến khích.

Giải Báo chí quốc gia lần thứ VII năm 2012 tổ chức lễ trao giải ngày 21/6/2013 tại Hà Nội. Hội đồng chung khảo đã lựa chọn được 117 tác phẩm báo chí xuất sắc nhất trong số 160 tác phẩm vào chung khảo để trao giải gồm: 5 giải A; 28 giải B; 45 giải C và 39 giải khuyến khích.

Giải báo chí Quốc gia lần thứ VIII năm 2013 sẽ tổ chức lễ trao giải ngày 21/6/2014 tại Hà Nội. Hội đồng chung khảo Giải báo chí Quốc gia lần thứ VIII cho biết, trong tổng số 183 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo, Hội đồng đã lựa chọn 114 tác phẩm để trao giải gồm: 8 giải A; 27 giải B; 41 giải C và 38 giải khuyến khích./.

(TTXVN/VIETNAM+)

Tin cùng chuyên mục