Báo chí góp phần thực hiện hiệu quả 'mục tiêu kép' của Thủ đô

Trong cuộc chiến chống COVID-19, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã áp dụng nhiều phương thức truyền thông mới, phủ rộng trên mọi “mặt trận” truyền thông, thông tin được liên tục cập nhật 24/7.
Báo chí góp phần thực hiện hiệu quả 'mục tiêu kép' của Thủ đô ảnh 1Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội ký kết Chương trình phối hợp với Cục Báo chí về quản lý, thông tin báo chí trên địa bàn thành phố. (Nguồn: Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội)

Trong chiến dịch truyền thông không ngừng nghỉ về phòng, chống đại dịch COVID-19, báo chí Trung ương và Hà Nội đã phát huy sức mạnh, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, góp phần thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội.

Nhân kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2021), phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội xung quanh vấn đề này.

- Thưa ông, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, trên “mặt trận” truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu, giúp Ủy ban Nhân dân thành phố triển khai công tác tuyên truyền thế nào để góp phần đẩy lùi dịch bệnh?

Ông Nguyễn Thanh Liêm: Để thực hiện tốt “mục tiêu kép," vừa chống dịch hiệu quả, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, Hà Nội luôn chú trọng công tác tuyên truyền, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong phòng, chống dịch.

Sở Thông tin và Truyền thông đã tăng cường cung cấp thông tin cho báo chí thông qua nhiều hình thức như Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội, email công vụ, mạng xã hội Zalo, Facebook… về các văn bản chỉ đạo điều hành của Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 liên quan đến công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Đặc biệt, đối với những chỉ đạo khẩn của lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19..., Sở đã tích cực phối hợp các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội tăng cường số lượng tin bài, diện tích đăng tải và thời lượng phát sóng để tuyên truyền đến người dân một cách kịp thời.

Qua đó, ý thức tự giác người dân được nâng cao, nghiêm túc thực hiện yêu cầu 5K của Bộ Y tế, cài đặt Bluezone trên điện thoại thông minh, hạn chế tập trung đông người...

[Báo chí góp phần củng cố niềm tin, khơi dậy ý chí tự lực tự cường]

Có thể nói, trong cuộc chiến chống COVID-19, Sở Thông tin và Truyền thông đã áp dụng nhiều phương thức truyền thông mới, phủ rộng trên mọi “mặt trận” truyền thông, thông tin được liên tục cập nhật 24/7.

Điển hình gần đây nhất, Thành ủy, Ủy ban Nhân dân Thành phố đã có chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân có liên quan đến vi phạm của Giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội về việc chấp hành quy định trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ động phối hợp các cơ quan liên quan, liên tục cung cấp thông tin “không kể ngày đêm” về các quyết định, công văn thượng khẩn, công văn khẩn của các cấp lãnh đạo để cơ quan báo chí đưa tin, phản ánh kịp thời, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, đúng theo tinh thần chỉ đạo chung của Thành ủy Hà Nội là “việc xử lý phải bảo đảm thượng tôn pháp luật, đúng nguyên tắc của Đảng; bảo đảm giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật; trách nhiệm đến đâu, vi phạm đến đâu xử lý đến đó; lấy răn đe, giáo dục làm trọng."

Bên cạnh công tác tuyên truyền trên báo chí, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục duy trì việc cung cấp và chia sẻ tài liệu tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19 cho hệ thống đài truyền thanh cơ sở. Tăng cường lan tỏa thông tin phòng chống dịch thông qua các trang thông tin điện tử tổng hợp, hệ thống màn hình điện tử tại các khu chung cư, tòa nhà cao tầng. Cập nhật liên tục cho người dân những thông tin mới nhất liên quan đến tình dịch COVID-19 tới gần 1.000.000 người quan tâm tài khoản của Sở trên ứng dụng mạng xã hội Zalo, Lotus.

Báo chí góp phần thực hiện hiệu quả 'mục tiêu kép' của Thủ đô ảnh 2Phóng viên báo chí tác nghiệp, đưa tin về dịch COVID-19. (Nguồn: Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội)

Ngoài ra, Sở đã phối hợp công ty Cổ phần VNG gửi các “Thông báo khẩn” của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố thông báo tìm người tại các địa điểm các trên địa bàn thành phố Hà Nội, đến hơn 7.000.000 tài khoản Zalo trên địa bàn.

Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã tập trung tăng cường rà soát, phát hiện, ngăn chặn thông tin xấu, độc, nhận diện, xử lý tin giả, tin sai sự thật trên môi trường mạng; khuyến cáo người dân không đăng tải, bình luận, chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, thông tin giả mạo, sai sự thật liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Từ đầu năm 2021 đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã phát hiện và xử lý trên 30 trường hợp vi phạm đăng tải các thông tin chứa nội dung sai sự thật về dịch bệnh COVID-19, với tổng số tiền nộp phạt 270 triệu đồng. Ngoài ra, các bộ phận chức năng của Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã tiến hành kiểm tra, rà soát, nhắc nhở, yêu cầu gỡ thông tin đối với nhiều trường hợp khác.

- Ông đánh giá như thế nào về vai trò của báo chí đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19 cũng như phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô hiện nay?

Ông Nguyễn Thanh Liêm: Báo chí truyền thông, với lực lượng hùng hậu, có ý nghĩa rất quan trọng, là một trong những yếu tố quyết định sự thành bại của bất cứ “mặt trận” nào. Đặc biệt, báo chí đã góp một phần quan trọng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 cũng như phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô hiện nay bởi thông tin về tình hình dịch bệnh luôn đầy đủ, minh bạch và kịp thời.

Các cơ quan báo chí đã bám sát tình hình dịch bệnh, chỉ đạo của lãnh đạo Trung ương và thành phố, các cơ quan chức năng, đưa tin và thực hiện kỷ luật thông tin, giúp người dân có thông tin chính xác về diễn biến dịch…; tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nâng cao tinh thần chủ động phòng, chống dịch, nắm rõ các dấu hiệu mắc bệnh dịch COVID-19 và chủ động khai báo y tế khi trở về từ vùng dịch; tự giác thực hiện cách ly khi có yêu cầu của cơ quan chức năng; hướng dẫn, nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ sức khỏe, hình thành kỹ năng vệ sinh an toàn để tự tin đối phó với dịch bệnh, bảo vệ mình và cộng đồng.

Báo chí cũng góp phần phát hiện, tố giác các hành vi tiêu cực, lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi; hỗ trợ các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý các cá nhân, nhóm người tung tin thất thiệt về tình hình dịch bệnh trên các kênh truyền thông xã hội... Đồng thời, báo chí tuyên truyền các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ và Thành phố để khắc phục tác động tiêu cực của COVID-19 với tinh thần không để ai bị bỏ lại ở phía sau.

- Để công tác tuyên truyền "thấm" tới từng người dân, giúp nhân dân nhận thức đầy đủ về dịch COVID-19, qua đó có hành động, ứng xử phù hợp, không chủ quan song cũng không hoang mang trước dịch bệnh, thành phố sẽ tập trung giải pháp gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Liêm: Một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021 của thành phố Hà Nội là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã giao Sở Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã phối hợp tốt với các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền, kịp thời đưa tin đầy đủ, toàn diện hoạt động chỉ đạo-điều hành của thành phố về công tác phòng chống dịch để người dân hiểu, tiếp cận nhanh nhất chỉ đạo của thành phố.

Khuyến cáo người dân tiếp tục nâng cao tinh thần cảnh giác, thực hiện tốt thông điệp 5K; không mở cửa kinh doanh ăn uống, càphê khi chưa có quyết định của Thành phố; không tụ tập buôn bán chợ cóc, chợ tạm; bắt buộc đeo khẩu trang khi ra đường và chỉ ra khỏi nhà khi thực sự cần thiết…

Thành phố cũng yêu cầu, các quận huyện, thị xã, sở, ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền công tác phòng chống dịch COVID-19 bằng nhiều hình thức, nhất là trên hệ thống đài truyền thanh cơ sở, hệ thống thông tin nội bộ tại các nhà chung cư, tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại, xe tuyên truyền lưu động, trên không gian mạng... Việc thông tin, truyền thông cần bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, đồng bộ, thống nhất.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Cung cấp thông tin “Kịp thời-Minh bạch-Chính xác và Tin cậy”

“Trong chiến dịch truyền thông không ngừng nghỉ về phòng, chống đại dịch COVID-19, với quan điểm việc cung cấp thông tin phải đảm bảo “Kịp thời-Minh bạch-Chính xác và Tin cậy," Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã huy động sức mạnh của các cơ quan báo chí, sử dụng triệt để các loại hình truyền thông mới và truyền thông cơ sở, tạo ra “chiến dịch truyền thông” với những dấu ấn thật sự ấn tượng.

Việc phối hợp thực hiện đồng thời công tác tuyên truyền trên các “trận tuyến” đã mang lại hiệu quả trong cuộc chiến truyền thông phòng, chống dịch và góp phần vào thành tích chung trong việc kiểm soát đại dịch.

Thay mặt ngành thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội, tôi bày tỏ sự cảm ơn chân thành đến các cơ quan thông tấn báo chí, các nhà báo đã sát cánh cùng ngành thông tin và truyền thông, các ngành y tế, công an... và nhân dân Thủ đô trong hoạt động truyền thông nói chung và công tác phòng, chống dịch nói riêng, góp phần thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô và đất nước” - ông Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục