Báo chí phát huy mạnh mẽ vai trò cầu nối giữa Quốc hội và người dân

Báo chí luôn là kênh thông tin kịp thời, sống động, đa chiều, giúp Quốc hội, đại biểu Quốc hội nắm bắt kịp thời diễn biến của đời sống xã hội.
Phóng viên phỏng vấn đại biểu Trần Hoàng Ngân bên lề cuộc họp Quốc hội. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Phóng viên phỏng vấn đại biểu Trần Hoàng Ngân bên lề cuộc họp Quốc hội. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Với Quốc hội, báo chí đóng vai trò không thể thiếu. Báo chí chính là cầu nối giữa Quốc hội với người dân, giúp đại biểu Quốc hội lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, phát hiện các vấn đề trong cuộc sống, đồng thời là kênh truyền tải hoạt động của Quốc hội đến với cử tri.

Ngược lại, Quốc hội cũng có thể lắng nghe ý kiến, nguyện vọng, những phản ánh của cử tri, nhân dân thông qua báo chí.

Phản ánh chân thực bản chất, diễn biến Quốc hội

Báo chí luôn là kênh thông tin kịp thời, sống động, đa chiều, giúp Quốc hội, đại biểu Quốc hội nắm bắt kịp thời diễn biến của đời sống xã hội. Vai trò của báo chí với Quốc hội ngày càng được coi trọng. Ý thức trách nhiệm của các nhà báo ngày càng được nâng cao từ trách nhiệm chính trị đến trách nhiệm công dân. Điều này đã giúp cử tri, cộng đồng xã hội tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật và giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật.

Nhà báo, tiến sỹ Trần Bá Dung, Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam, cho rằng vai trò quan trọng của báo chí và những thành quả báo chí đạt được trong công tác tuyên truyền đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận.

Báo chí phát huy mạnh mẽ vai trò cầu nối giữa Quốc hội và người dân ảnh 1Nhà báo Trần Bá Dung, Trưởng Ban Nghiệp vụ-Hội Nhà báo Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

“Nhìn từ Đại hội Đảng vừa qua có thể thấy báo chí đã làm tốt vai trò tuyên truyền chủ trương đường lối Đảng, nêu rõ tầm quan trọng của tổ chức sinh hoạt Đảng, góp phần lựa chọn những người xứng đáng vào cấp ủy. Bên cạnh đó báo chí cũng nêu ra vấn đề còn tồn tại của cấp ủy để rút kinh nghiệm,” nhà báo Trần Bá Dung cho biết.

Trong công tác tuyên truyền về Quốc hội và bầu cử, tiến sỹ Trần Bá Dung cho rằng điều quan trọng nhất là báo chí phải tuyên truyền về quyền tự ứng cử, quyền bầu cử, bởi nhiều người dân chưa hiểu được đó là quyền và nghĩa vụ công dân theo Hiến pháp.

['Ứng dụng công nghệ để tăng tương tác giữa người ứng cử với cử tri']

Theo ông, vai trò của báo chí là giúp người dân hiểu về hệ thống cơ quan quyền lực của nhà nước ở địa phương là hội đồng nhân dân các cấp. Bên cạnh đó, báo chí có thể giúp gần gũi hơn với đời sống nhân dân qua các bài chân dung đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân. Họ là ai, có xứng đáng là tấm gương cho người dân không, nhiệm kỳ vừa rồi có đại biểu nào làm tốt…

“Thực tế là báo chí còn chưa làm được điều này. Phóng viên cần đưa tin một cách dễ hiểu hơn để người dân nắm được vai trò của Quốc hội trong hệ thống chính trị, làm rõ bản chất của Quốc hội, Quốc hội ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước như thế nào,” ông thẳng thắn nhìn nhận những điểm còn hạn chế.

Sự phát triển nhanh chóng của truyền thông xã hội, sự bùng nổ thông tin với tính đa dạng, đa chiều... cũng làm cho cử tri, nhân dân trở nên khó khăn hơn trong việc lựa chọn tiếp cận những thông tin phù hợp. Điều này đòi hỏi, cơ quan báo chí, nhà báo phải không ngừng sáng tạo, đổi mới để bảo đảm thông tin về hoạt động của Quốc hội trở nên chuyên sâu hơn, hấp dẫn hơn, dễ tiếp cận hơn.

Báo chí phát huy mạnh mẽ vai trò cầu nối giữa Quốc hội và người dân ảnh 2Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Oanh, Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. (Ảnh: QĐND)

Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Oanh, Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho rằng cần mở rộng các kênh truyền thông về hình ảnh của Quốc hội trên các nền tảng công nghệ số và trên mạng xã hội.

“Việt Nam là quốc gia có số người sử dụng Internet và mạng xã hội cao, đây là kênh quan trọng trong việc chuyển tải thông tin đến người dân và ngược lại tiếp thu thông tin từ người dân. Vấn đề sử dụng mạng xã hội cần được cân nhắc và có chiến lược trong việc sử dụng hình thức này,” ông Oanh cho biết.

Ông gợi ý có thể cho các cơ quan chuyên trách của Quốc hội lập trang riêng trên mạng xã hội để giao tiếp và lắng nghe ý kiến người dân một cách thuận tiện, để mọi người dân đều có thể chủ động phản ánh thông tin đến các cơ quan của Quốc hội bên cạnh việc thông qua các đại biểu tiếp xúc cử tri.

“Ngoài ra, có thể tạo điều kiện và có cơ chế để các đại biểu Quốc hội lập trang cá nhân trên mạng xã hội. Hình thức này có thể giúp các đại biểu gần dân hơn và có thể giao tiếp và chuyển tải thông tin hai chiều đến cử tri của đơn vị bầu cử đã bầu cho đại biểu đó,” ông nói thêm.

Thực hiện hiệu quả vai trò đối ngoại

Bầu cử Quốc hội là một sự kiện chính trị-xã hội quan trọng thu hút sự quan tâm của các nhà ngoại giao, đối tác nước ngoài của Việt Nam.

Ông Antonio Alessandro, Đại sứ Italia tại Việt Nam, cho biết để theo dõi tình hình chính trị-xã hội của Việt Nam, ông thường xuyên theo dõi các tờ báo chính thống bằng tiếng Anh như VietnamPlus, Việt Nam News, VnExpress... Ngoài ra, nhân viên đại sứ quán theo dõi báo tiếng Việt hàng ngày, điểm tin và phiên dịch giúp ông.

“Báo chí có vai trò hết sức quan trọng trong công tác tuyên truyền về bầu cử. Báo chí Việt Nam hiện nay tự do, trung thực và đưa rất nhiều tin tức xoay quanh các sự kiện lớn của đất nước. Thông tin về bầu cử rất quan trọng thời điểm này. Tôi nhận thấy vài tháng trở lại đây, báo chí tích cực đưa tin, phản ánh đa chiều, giúp cho người nước ngoài hiểu hơn về cơ cấu tổ chức bộ máy chính trị của Việt Nam, tình hình phát triển của đất nước,” ông nhận xét.

Cá nhân đại sứ bày tỏ sự vui mừng khi được đồng hành với những lãnh đạo trong nhiệm kỳ mới và tiếp tục đưa quan hệ hai nước phát triển.

Một nhà ngoại giao khác, ông Saud F.M. Al Suwelim, Đại sứ Saudi Arabia, cho hay Thông tấn xã Việt Nam và Thông tấn xã Saudi Arabia vừa ký biên bản hợp tác để trao đổi thông tin. Thông tấn xã Việt Nam cũng đang nghiên cứu mở văn phòng đại diện tại Saudi Arabia. Ông rất tin tưởng vào sự hợp tác tốt đẹp này.

Báo chí phát huy mạnh mẽ vai trò cầu nối giữa Quốc hội và người dân ảnh 3Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Đức Lợi tiếp Đại sứ Saudi Arabia tại Việt Nam Saud F.M. Al Suwelim. (Ảnh: TTXVN)

“Nhiệm kỳ của tôi trùng với những sự kiện chính trị-xã hội quan trọng của Việt Nam như Đại hội Đảng và bầu cử Quốc hội. Tôi vẫn luôn theo dõi sát sao tin tức đăng tải trên các phương tiện thông tin của Việt Nam và đánh giá rất cao chất lượng thông tin mà báo chí Việt Nam cung cấp,” Đại sứ cho biết.

Đại sứ Saud F.M. Al Suwelim nhận định báo chí Việt Nam đã đưa tin đầy đủ, minh bạch, dễ hiểu, đặc biệt là hình thức truyền thông rất đa dạng. Các bản tin đa phương tiện trên các tờ báo điện tử như VietnamPlus, các phóng sự truyền hình và độ nhanh nhạy của truyền thông mạng xã hội góp phần tạo dựng bộ mặt báo chí Việt Nam hiện đại.

Đại sứ mong dịch COVID-19 sớm được kiểm soát để có thể tổ chức các chuyến thăm cấp cao, giao lưu nhân dân-doanh nghiệp và trao đổi chuyên gia giữa hai nước.

“Dù báo chí Việt Nam không có bản tin tiếng Ả rập, nhưng tôi vẫn theo dõi tin tức bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Chúng tôi định hướng phát triển giáo dục ngôn ngữ, phổ biến tiếng Ả rập tại Việt Nam,” ông nói thêm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục