Ngày 27/10, tại tỉnh Tiền Giang, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị Báo chí với Công tác Bảo vệ Nền tảng Tư tưởng của Đảng trong thời kỳ Chuyển đổi Số.
Dự hội nghị có lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam cùng 19 Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Ông Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, cho biết những năm qua, thực hiện chỉ đạo quyết liệt của Đảng, báo chí đã tạo ra khí thế sôi nổi, lan tỏa, tạo động lực cho toàn xã hội trong việc tham gia vào các nhiệm vụ chính trị quan trọng của đất nước; trong đó có công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Báo chí tích cực phổ biến tư tưởng, chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, tuyên truyền hiệu quả các quyết sách lớn về chính trị-kinh tế của đất nước; nhận diện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong nội bộ; chủ động đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, những quan điểm sai trái của các phần tử cơ hội chính trị; phê phán việc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, vấn đề chủ quyền biển, đảo… để kích động, lôi kéo, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Công tác thông tin, tuyên truyền trên các cơ quan báo chí về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở cả Trung ương, địa phương đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Thực tiễn cho thấy báo chí Trung ương với thế mạnh về nền tảng lý luận, tích cực thông tin sâu sắc mảng nội dung nghiên cứu chính trị, phân tích, khẳng định tính đúng đắn, khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tuyên truyền rộng rãi về công tác xây dựng Đảng cùng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh…
[Tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo]
Nhiều tờ báo lớn đã tập hợp được các nhà khoa học, nhà lý luận, hoạt động thực tiễn có uy tín, viết bài trực diện đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch với những tuyến bài có chất lượng cao, tạo hiệu ứng xã hội tốt trên các chuyên mục, chuyên trang nổi bật.
Báo chí địa phương với đặc trưng khác biệt về địa lý, dân cư, văn hóa vùng miền lại có những phương pháp, cách làm riêng trong đấu tranh, ngăn chặn các đối tượng chống phá, thù địch, nhất là đối với các vấn đề về dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền. Với lợi thế thông thạo cũng như bám sát địa bàn, báo chí địa phương luôn là những người nhanh chóng phát hiện vấn đề, kịp thời xử lý các điểm nóng, gióng hồi chuông cảnh báo, đưa ra giải pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn các quan điểm sai trái, phản bác các thế lực thù địch, góp phần tạo sự ổn định chính trị để phát triển kinh tế ở địa phương.
Các đại biểu có nhiều ý kiến, tham luận tập trung vào kinh nghiệm thực tế của báo chí trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; khó khăn, thách thức đối với đội ngũ nhà báo trong phản bác quan điểm sai trái, đấu tranh chống các thế lực thù địch; chia sẻ bài học kinh nghiệm, giải pháp, cách làm trong việc áp dụng thành tựu của công nghệ số trong tổ chức tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng…
Bế mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng một lần nữa khẳng định việc đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch không thể không nói tới vai trò đặc biệt của báo chí cách mạng. Cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng hiện nay còn không ít khó khăn, báo chí không chỉ là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng-văn hóa mà còn là nguồn cổ động tập thể, người tổ chức tập thể để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng...
Cơ quan Trung ương Hội ghi nhận các ý kiến, kiến nghị tâm huyết của đại biểu trong hội nghị; đồng thời sẽ chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan quản lý cũng như các cơ quan báo chí để có các giải pháp thỏa đáng cho các ý kiến này./.