Xuyên suốt chiều dài gần 100 năm hình thành và phát triển, báo chí chính thống luôn nắm giữ vai trò dẫn dắt dòng chủ lưu thông tin trong đời sống, có sứ mệnh xung kích trên mặt trận văn hóa-tư tưởng đồng thời là vũ khí sắc bén đấu tranh với những thông tin sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động.
Tuy nhiên, sự bùng nổ của không gian mạng đang đặt ra không ít khó khăn, thách thức đối với báo chí trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Đấu tranh xuyên tạc: 'Khó, khô, khổ, khiếp'
Theo ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, báo chí đóng vai trò quan trọng trong định hướng dư luận, lan tỏa, tăng cường những thông tin tích cực trong dòng chảy tin tức hàng ngày đồng thời phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị chính đáng của nhân dân, góp phần củng cố quan hệ “máu thịt” giữa Đảng với dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tuy nhiên, các cơ quan báo chí đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trong công tác tuyên truyền bởi nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng với đó là sự bùng nổ thông tin trên Internet và mạng xã hội tạo điều kiện cho các thế lực thù địch, quan điểm sai trái lợi dụng không gian mạng để truyền thông phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng.
“Trong khi đó, hoạt động của một số cơ quan báo Đảng hiện nay do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan còn chậm đổi mới, chưa bắt kịp các xu hướng mới trong hoạt động báo chí, nhất là về chuyển đổi số. Công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở một số cơ quan báo chí chưa đủ kịp thời, nhạy bén và hiệu quả chưa cao,” ông Lê Quốc Minh nói.
Ông Minh chỉ rõ rằng một số nơi còn thiếu chủ động trong xây dựng kế hoạch thông tin-tuyên truyền về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, thiếu vắng các cây bút sắc sảo, các tác phẩm chuyên sâu, có tính chiến đấu cao về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; hình thức thể hiện có phần thiếu sinh động, hấp dẫn, chưa gần gũi với đối tượng công chúng, nhất là giới trẻ; phương thức làm báo, cách tiếp cận độc giả vẫn bị bó hẹp trong không gian cũ, dẫn đến hiệu ứng lan tỏa các bài viết về nền tảng tư tưởng của Đảng chưa cao, thiếu tính thuyết phục.
Do đó, cần thiết phải có những giải pháp tổng thể, đồng bộ nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của các cơ quan báo Đảng trong tình hình mới.
Là người trực tiếp thực hiện các chương trình chính luận, phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch (chẳng hạn như “Đối diện”), nhà báo Đỗ Quang Anh, Phó Trưởng phòng Chính trị, Ban Thời sự, Đài truyền hình Việt Nam cũng “than khó” bởi loạt chương trình này đề cập đến các đề tài nhạy cảm đòi hỏi những người làm chương trình ý thức rất rõ khi đưa vấn đề phải có tính thuyết phục cao, không giáo điều mà phải có dẫn chứng sự việc và chuyên gia uy tín chia sẻ.
“Việc phát hiện đề tài khá khó, do vậy chúng tôi phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để kịp thời phát hiện vấn đề. Đãi ngộ cho những phóng viên làm các chương trình này khá thấp, chưa tương xứng với sự khó khăn gặp phải trong quá trình tác nghiệp. Êkip thực hiện đôi khi bị các thế lực thù địch tấn công cá nhân trên mạng xã hội, phần nào đó cũng ảnh hưởng đến tâm lý của các phóng viên,” nhà báo Đỗ Quang Anh chia sẻ.
Cùng quan điểm trên, Đại tá, nhà báo Đỗ Phú Thọ, chuyên gia Ban Chỉ đạo 35 Quân ủy Trung ương, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân cũng cho rằng, việc thực hiện các đề tài mang tính chính luận cao luôn gắn liền với 4 chữ “KH” (khó, khô, khổ, khiếp).
Vì vậy, theo nhà báo Đỗ Phú Thọ, muốn nâng cao chất lượng tin bài chính luận cần cung cấp thông tin, trau dồi tri thức cho phóng viên. Các tờ báo phải có sự liên hệ chắc chắn với Ban Chỉ đạo 35 (Ban Chỉ đạo Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch).
Thay đổi phương thức tác chiến
Chia sẻ về giải pháp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời kỳ mới, nhà báo Đỗ Phú Thọ cho rằng các cơ quan báo chí phải xốc lại đội ngũ, thay đổi chiến thuật, phương thức tác chiến để thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội của báo chí.
Theo đó, ông Đỗ Phú Thọ cho rằng cần phải xây dựng cấp ủy, tổ chức Đảng ở các cơ quan báo chí thực sự vững mạnh. Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa nội dung, hình thức, biện pháp, phương tiện hoạt động báo chí để phát huy được vai trò hiệu quả của báo chí trong giám sát, phản biện xã hội và đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; gắn công tác giám sát, phản biện xã hội với việc đấu tranh phản bác những luận điểm sai trái, xuyên tạc để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Ngoài ra, cũng cần huy động sức mạnh tổng hợp của các nhà báo, kết hợp với các cộng tác viên, thông tin viên để phát huy được vai trò, chức năng của báo chí trong giám sát phản biện xã hội và đấu tranh phản bác luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Ông Đỗ Phú Thọ cũng đề cập đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ báo chí chuyên trách đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng lãng phí, đấu tranh chống quan điểm sai trái thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
“Cần tập trung xây dựng đội ngũ này có bản lĩnh, trí tuệ, năng lực, phương pháp và kỹ năng làm báo, có chiều sâu tư duy, có tầm nhìn rộng, có khả năng nắm bắt kịp thời những vấn đề mới nảy sinh, có văn phong và bút pháp tốt để có những bài viết sâu sắc, có sức thuyết phục, làm sáng tỏ và bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng,” ông Thọ nói.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Bá Dương, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng các tờ báo Đảng cần đẩy mạnh hoạt động trên không gian mạng, gồm: Nghiên cứu, dự báo chiến lược, chủ động phát hiện “từ sớm, từ xa” các âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; sớm có những bài bút chiến hay, sắc sảo, thuyết phục để “phá tan những đám mây đen” góp phần định hướng chính trị cho cán bộ, Đảng viên, chiến sỹ và nhân dân đề cao cảnh giác, quyết tâm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi mọi âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.
Theo đó, báo chí cần chủ động phát tán các thông tin tích cực, chính xác và kịp thời trên các nền tảng truyền thông truyền thống và kỹ thuật số, tăng cường sự hiện diện trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông trực tuyến để tiếp cận rộng rãi với công chúng.
Ông Dương cho rằng báo chí cần phải đầu tư vào công nghệ truyền thông hiện đại để nâng cao khả năng theo dõi và phân tích thông tin, tạo ra các mạng lưới hợp tác giữa các cơ quan báo chí, các tổ chức nghiên cứu và các cơ quan chức năng, từ đó hình thành “trận địa” thông tin vững chắc chống lại các quan điểm sai trái và thù địch.
Để có thể làm được điều đó, ông Dương cũng kiến nghị xây dựng cơ chế tài chính hợp lý cho báo chí, giúp báo chí có nguồn lực ổn định để thực hiện nhiệm vụ./.
TTXVN: Góp tiếng nói đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đã đạt được những kết quả nổi bật, trong đó có đóng góp không nhỏ của các cơ quan báo chí mà Thông tấn xã Việt Nam là một "mắt xích" vô cùng quan trọng.