Báo động tình trạng nạn nhân buôn người bị ép tham gia lừa đảo online

Cao ủy Liên hợp quốc về Nhân quyền Volker Turk cho biết các nạn nhân bị cưỡng ép tham gia hoạt động lừa đảo và chịu các hình thức đối xử vô nhân đạo như bạo hành và xâm hại.
Ảnh minh họa. (Nguồn: The Conversation)

Ngày 29/8, Liên hợp quốc cảnh báo các nhóm tội phạm đã ép hàng trăm nghìn người tại Đông Nam Á thực hiện các vụ lừa đảo trực tuyến.

Báo cáo của Liên hợp quốc cho thấy các nhóm tội phạm đã buôn người, ép họ thực hiện các hành vi lừa đảo trực tuyến. Cao ủy Liên hợp quốc về Nhân quyền Volker Turk cho biết các nạn nhân bị cưỡng ép tham gia hoạt động lừa đảo và chịu các hình thức đối xử vô nhân đạo như bạo hành và xâm hại.

Theo báo cáo, rất khó để đánh giá quy mô tình hình do các hành vi này diễn ra lén lút và phản ứng còn chưa hiệu quả của nhà chức trách. Tuy nhiên, các nguồn tin đáng tin cậy cho biết ít nhất 120.000 người trên khắp Myanmar có thể đang bị cầm giữ và buộc phải thực hiện lừa đảo trực tuyến.

Ước tính con số này tại Campuchia là khoảng 100.000 người. Lào, Philippines và Thái Lan là những quốc gia khác trong khu vực được xác định là điểm đến chính hoặc nơi trung chuyển của hoạt động buôn người.

[Trung Quốc phá đường dây liên quan đến 5.000 vụ lừa đảo trên mạng]

Ước tính các nhóm tội phạm này thu về hàng tỷ USD mỗi năm. Nạn nhân tới từ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Nam Á, Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Đài Loan (Trung Quốc), thậm chí là châu Phi và Mỹ Latinh. Phần lớn các nạn nhân là nam giới.

Các mạng lưới tội phạm này đã kiếm lời từ đại dịch COVID-19, khi một số quốc gia phải đóng cửa sòng bài để kiểm soát dịch. Điều này buộc các nhà điều hành sòng bài chuyển hoạt động tới những nơi có ít sự giám sát của nhà chức trách, chẳng hạn như khu vực biên giới có xung đột và môi trường trực tuyến.

Cuộc khủng hoảng COVID-19 khiến nhiều người di cư dễ bị tổn thương, mắc kẹt tại một số quốc gia, mất việc do biên giới đóng cửa và doanh nghiệp ngừng hoạt động. Các biện pháp hạn chế cũng khiến người dân dành nhiều thời gian trên mạng và dễ trở thành mục tiêu của lừa đảo trực tuyến./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục