Kết quả một cuộc khảo sát mới đây cho biết khoảng 70% công nhân Trung Quốc được chẩn đoán bị trầm cảm tới mức phải nghỉ việc.
Cuộc khảo sát trên, lần đầu tiên được thực hiện ở Trung Quốc, còn cho thấy 53% số chủ lao động được hỏi mong muốn có chính sách và hệ thống luật pháp có hiệu quả hơn nhằm giúp những công nhân bị trầm cảm.
Cuộc khảo sát do Ipos Heathcare UK thực hiện, có sự tham gia của 1.000 người Trung Quốc bao gồm cả nhân viên và chủ lao động trong độ tuổi từ 16-64. Đây là một phần của cuộc khảo sát được tiến hành tại 16 nước trên thế giới, trong đó có Pháp, Italy, Mexico và Nhật Bản.
Vương Cương, giáo sư tâm lý và sức khỏe tinh thần thuộc trường Đại học Y Bắc Kinh, đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội Sức khỏe tinh thần Trung Quốc, cho biết trầm cảm ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng suất lao động và hơn một nửa gánh nặng kinh tế và xã hội do trầm cảm tạo ra có liên quan đến việc xin nghỉ ốm và hiệu quả thấp.
Năm 2007, một công trình nghiên cứu do Đại học California, Berkeley và Trung tâm Sức khỏe tinh thần Thượng Hải cùng thực hiện cho thấy thiệt hại kinh tế hằng năm liên quan đến bệnh trầm cảm ở Trung Quốc là 51,37 tỷ Nhân dân tệ (8,35 tỷ USD), trong đó 5,62 tỷ Nhân dân tệ là để chữa bệnh. Ở Mỹ, theo chuyên gia Wang, con số này lên tới 44 tỷ USD/năm, trong đó hầu hết là những thiệt hại gián tiếp do năng suất sụt giảm.
Số liệu của hiệp hội trên cho biết Trung Quốc Đại lục hiện có khoảng 90 triệu người bị trầm cảm, chiếm gần 7% dân số. Theo truyền thông Trung Quốc, trong tháng 7 vừa qua có tới 6 quan chức chính quyền địa phương tự tử. Còn theo số liệu của cơ quan y tế Trung Quốc, mỗi năm ở nước này có khoảng 287.000 người tự tử và 2 triệu người khác có ý định tự tử.
Trong nỗ lực ngăn chặn các vụ tự tử, các bệnh viện ở Thượng Hải (Trung Quốc) đã cung cấp dịch vụ hỗ trợ tâm lý và can thiệp ngăn ngừa tự tử tại các phòng cấp cứu. Ngoài ra, một tổ chức xã hội mới có tên là Trung tâm Can thiệp khủng hoảng tâm lý Shanghai Xinsheng sẽ được thành lập vào tháng tới nhân Ngày chống tự tử thế giới (10/9) nhằm ngăn chặn các vụ tự tử. Tổ chức này còn có kế hoạch hợp tác với phòng cấp cứu của các bệnh viện để cung cấp dịch vụ chữa trị ban đầu cho những người tự tử bất thành.
Những năm gần đây, chính quyền các địa phương và các tổ chức xã hội ở Trung Quốc đã tăng cường cung cấp dịch vụ hỗ trợ tâm lý và thiết lập đường dây nóng để ngăn ngừa các vụ tự tử. Cho đến nay, ngoài Thượng Hải (thiết lập năm 2012), dịch vụ đường dây nóng 24/24 can thiệp các vụ tự tử đã được mở rộng ra các tỉnh, thành phố như Bắc Kinh, Thâm Quyến, Hà Nam và Cát Lâm./.