Báo Toàn cảnh Frankfurt (FAZ) của Đức ngày 6/10 có bài viết đánh giá cao công tác chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của Việt Nam, nhận định nên coi Việt Nam như hình mẫu trong cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2.
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, bài báo thực hiện phân tích mô hình chống dịch của các nước giàu có với những nước nghèo và đang phát triển, cũng như những khác biệt trong hệ thống chính trị của các nước đối với hiệu quả phòng chống dịch.
Bài báo dẫn đánh giá của các chuyên gia cho biết, những nước nghèo đã thành công hơn trong việc phòng chống COVID-19 so với những nước giàu có, như Mỹ, đồng thời nhận định vấn đề hệ thống chính trị không mang tính quyết định, thay vào đó là sức sáng tạo và hiệu quả mới là điều quan trọng.
Theo bài báo, chưa thể xác thực ý tưởng cho rằng các nước phát triển có thể đối phó tốt hơn với đại dịch nhờ vào các thể chế vận hành tốt, nguồn tài chính dồi dào và mặt bằng giáo dục cao.
Trong khi số trường hợp mắc bệnh đang gia tăng ở hầu hết các nước châu Âu và một số bang của Mỹ, thì các nước châu Phi lại ghi nhận mức gia tăng thấp nhất trong nhiều tuần.
Việt Nam, Mông Cổ và Thái Lan hầu như đã quét sạch virus ở những nước này. Ý tưởng xét nghiệm gộp mẫu (Pool-Test), trong đó một phần các mẫu được lấy để gộp vào làm xét nghiệm trong khi phần còn lại được bảo quản để xét nghiệm lại nếu kết quả mẫu gộp dương tính, cho phép xét nghiệm nhiều người để kịp thời cách ly các trường hợp bị nhiễm và đặc biệt hiệu quả với những nước hạn chế về năng lực xét nghiệm.
[Chuyên gia: 'Việt Nam xử lý thành công làn sóng COVID-19 thứ hai']
Bài báo dẫn các đánh giá cho rằng Đức nên nhìn sang Việt Nam để thấy hiệu quả trong nỗ lực phòng chống dịch bệnh. Trong khi nước Đức đã ghi nhận gần 10.000 ca tử vong vì COVID-19 thì Việt Nam - quốc gia đông dân hơn với khoảng 100 triệu người - đến nay mới chỉ có tổng cộng 35 ca tử vong.
Câu hỏi đặt ra hồi đầu năm rằng liệu việc kiểm soát dịch có dễ dàng hơn với những nước có hệ thống chính trị đặc thù, đến nay đã được làm rõ. Theo báo này, vấn đề hệ thống chính trị không mang tính quyết định.
Những nước như Việt Nam, Trung Quốc, Singapore hay Hàn Quốc đã kiểm soát dịch tốt. Chính phủ các nước sớm có hành động nghiêm túc trước mối đe dọa của đại dịch và thông tin về nguy cơ này thường có lợi thế trong cuộc chiến chống COVID-19.
Ngoài ra, kinh nghiệm chống các đại dịch, như Hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính (SARS) năm 2003, cũng là yếu tố thuận lợi cho các nước trong xử lý dịch. Đó cũng là lý do giúp Chính phủ các quốc gia Đông Nam Á khống chế tốt dịch bệnh.
Theo một bài bái khác của FAZ số ra cùng ngày, các nước như Việt Nam, Thái Lan và Singapore hầu như không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng. Những nước này đã gặt hái thành công trước hết với việc đóng cửa biên giới và áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội.
Cho đến hiện nay, việc qua lại biên giới ở những nước này vẫn rất hạn chế, trừ những trường hợp ngoại lệ. Tuy nhiên, những biện pháp này cũng tác động tới nền kinh tế các nước trong khu vực, đặc biệt với Thái Lan và Singapore.
Với Việt Nam thì vấn đề khả quan hơn. Bất chấp việc áp đặt những biệt pháp ngặt nghèo để chống dịch, Việt Nam vẫn kỳ vọng đạt mức tăng trưởng trên 2% trong năm nay.
Thực tế, dịch bệnh COVID-19 cũng đã tác động tới những bộ phận dân chúng nghèo nhất trong khu vực. Lần đầu tiên kể từ hàng chục năm qua, tỷ lệ nghèo đói trong khu vực tăng lên và Theo Ngân hàng thế giới (WB), dịch bệnh có thể đẩy khoảng 38 triệu người ở khu vực Đông Á vào cảnh nghèo đói./.