Dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (COVID-19) đang lây lan mạnh mẽ, khiến toàn thế giới rơi vào vực thẳm không đáy.
Số ca nhiễm COVID-19 tại Mỹ tính đến ngày 12/4 đã lên tới 524.903 người, số ca tử vong là 20.398 ca, đưa nước này trở thành nước có số ca nhiễm COVID-19 nhiều nhất thế giới.
Điều này khiến cho người dân Mỹ và Tổng thống Donald Trump hết sức thất vọng.
Báo Văn Hối (Hong Kong) nhận định, do mức độ phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh của Mỹ chưa đủ, nên Mỹ không những không thể ngăn chặn hữu hiệu dịch bệnh mà trái lại dịch tiếp tục xấu đi, khiến Mỹ rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hơn cả cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 và cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Mặc dù Tổng thống Trump luôn theo đuổi và khẳng định về tiêu chí “Nước Mỹ trước tiên” dưới sự lãnh đạo của mình, nhưng cái danh “đứng đầu về số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu” là điều mà người Mỹ và ngay cả người dân trên thế giới đều không mong muốn.
Đến nay có thể thấy Tổng thống Trump không dễ tránh được "cú đòn chí mạng COVID-19."
Tại sao Mỹ lại chìm sâu vào cuộc khủng hoảng dịch bệnh, và tại sao cuộc khủng hoảng đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn?
Chính giới, các giới trong xã hội và dư luận truyền thông Mỹ đều đang nhìn nhận lại một cách nghiêm túc về vấn đề này.
Nhìn từ phản ứng của dư luận trong các lĩnh vực, có 3 nguyên nhân lớn:
Một là sự thờ ơ với virus corona chủng mới (SARS-CoV-2), xem nhẹ dịch bệnh. Sau khi Mỹ phát hiện ca nhiễm đầu tiên, chính quyền trước tiên đã phủ nhận thông tin này, tiếp đó là hạ mức nghiêm trọng của vấn đề.
Sau đó, khi bị dư luận truy vấn, giới chức Mỹ đã liên tục tuyên bố rằng Mỹ có thực lực lớn mạnh, đủ năng lực để ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh, thậm chí tuyên bố rằng dịch bệnh đã “hoàn toàn được kiểm soát.”
Sự xem nhẹ, chủ quan, lạc quan mù quáng và quá tự tin của giới chức Mỹ đã làm lạc hướng phán đoán của nhiều người về dịch bệnh, đồng thời gây ra sự hoảng loạn, lúng túng từ trên xuống dưới sau khi dịch bệnh bùng phát.
Điều thực sự gây ra sự hoảng loạn cho Nhà Trắng không phải là sự gia tăng các ca nhiễm mới, mà là sự sụt giảm liên tiếp của thị trường chứng khoán Phố Wall.
Hai là Mỹ quá tập trung vào việc cứu thành phố, cứu doanh nghiệp và bảo vệ nền kinh tế.
Nói một cách khách quan, sau khi dịch bệnh gia tăng, Chính phủ Mỹ đã thực hiện một loạt biện pháp.
Tuy nhiên, xét từ lời nói và hành động của chính Tổng thống Trump và các quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ, trọng tâm chống dịch của Mỹ cho đến nay vẫn thiên về việc cứu thành phố, cứu doanh nghiệp và cứu nền kinh tế, chứ không phải ưu tiên hàng đầu là chống dịch bệnh, cứu sinh mạng của người dân.
Chính ông Trump từng công khai tuyên bố rằng điều quan trọng là phải cứu nền kinh tế và thị trường tài chính của Mỹ dưới tác động của dịch bệnh, chỉ bằng cách bảo vệ nền kinh tế và thị trường tài chính Mỹ mới có thể đảm bảo sức mạnh, sự vĩ đại của Mỹ. Do đó, Mỹ không thể vì phòng chống kiểm soát dịch bệnh mà làm cho giải pháp phức tạp hơn chính vấn đề.
[Mỹ có hơn 20.000 ca tử vong, tuyên bố tình trạng thảm họa tại Wyoming]
Tại Mỹ, mỗi năm có nhiều người tử vong do tai nạn giao thông, nhưng không vì thế mà chính phủ tuyên bố ngăn chặn tai nạn giao thông.
Hàm ý của Tổng thống Trump cho thấy việc phong tỏa quy mô lớn là không cần thiết.
Theo tư tưởng chỉ đạo này, chính quyền Mỹ cũng như thái độ, trọng tâm và các biện pháp chính sách của họ trong chống dịch có những sai lầm không đáng có.
Mỹ lơ là các biện pháp mạnh mẽ như cách ly nghiêm ngặt mà các nước khác trên thế giới thực hiện. Chính quyền chủ yếu cảnh báo người dân duy trì cự ly tiếp xúc, thậm chí không yêu cầu người dân đeo khẩu trang.
Trong giai đoạn đầu, Mỹ xem nhẹ việc kiểm dịch và tỷ lệ người được kiểm dịch đến nay kém xa so với các nước như Hàn Quốc, Đức và Singapore.
Việc kiểm dịch không đầy đủ đã dẫn đến sự lây lan nhanh chóng của virus và sự lây nhiễm chéo, trong khi cách ly lỏng lẻo đã dẫn đến sơ hở trong phòng chống dịch.
Trọng tâm chính sách cứu trợ thiên về cứu thành phố, cứu doanh nghiệp đã gây ra sự thiếu hụt nghiêm trọng về vật tư, thiết bị y tế trong công tác điều trị, kiểm soát dịch bệnh của Mỹ.
Ba là tính ích kỷ, hỗn loạn cả bên trong lẫn bên ngoài.
Là một nước lớn trên thế giới, việc chống dịch của Mỹ liên quan đến nhiều khía cạnh khác nhau như trong-ngoài, trên-dưới, ngành-nghề và chính quyền-người dân… tất cả phải tập trung thống nhất, sắp xếp triển khai tỉ mỉ, cẩn thận mới có thể tạo thành sức mạnh tổng hợp.
Tuy nhiên, cho đến nay, 50 tiểu bang của Mỹ, Đặc khu Columbia (Washington, D.C.) và các lãnh thổ hải ngoại vẫn hoạt động độc lập, chiến đấu độc lập và có quyết sách độc lập.
Các tiểu bang đều phàn nàn rằng chính phủ liên bang thiếu sự hỗ trợ kịp thời và cần thiết, trong khi chính phủ liên bang lại đẩy trách nhiệm lên các bang và giữa các bang lại tranh giành nguồn vật tư và thiết bị bảo vệ để ứng phó khẩn cấp chống dịch, thái độ của Tổng thống Trump là phân bổ vật tư cho những ai lắng nghe ông ta.
Kết quả là, những bang mà đảng Dân chủ thống trị không ngớt phàn nàn về việc chịu thiệt.
Tổng thống Trump, người đang ở thời điểm quan trọng trong năm bầu cử Mỹ và tuyên bố sẽ tái đắc cử, được cho là luôn lợi dụng việc chống dịch để phục vụ cho chiến dịch tranh cử liên nhiệm của mình vào bất cứ thời điểm nào, ở bất cứ nơi đâu.
Lý do cơ bản khiến ông Trump xoay quanh việc cứu nền kinh tế và cứu sinh mạng người dân về căn bản không phải là vì ông không hiểu mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, mà là ông ta đang lựa chọn theo nhu cầu lợi ích của mình.
Mỹ có liên hệ lớn nhất với các nước trên thế giới. Ở trong nước, phong cách điều hành khác người, biến hóa khó lường, không nhất quán của ông Trump không phù hợp với nhiều người, trên bình diện quốc tế lại càng tạo ra nhiều mâu thuẫn, chẳng hạn châu Âu rất không hài lòng với việc Mỹ đột nhiên tuyên bố thực hiện lệnh cấm du lịch đối với các nước châu Âu mà không nói trước, trong khi nội bộ nước Mỹ do các chính sách, quy định không rõ ràng đã dẫn đến sự hỗn loạn.
Trong bối cảnh dịch bệnh, ngoài nỗi sợ hãi, lo lắng và bi thảm, Mỹ còn bộc lộ sự hỗn loạn.
Chừng nào tình trạng này còn tiếp diễn, dịch bệnh ở Mỹ sẽ khó có thể ngăn chặn trong ngắn hạn, và cũng không thể tránh khỏi những thảm họa thứ cấp phát sinh từ đó.
Do số lượng lớn doanh nghiệp Mỹ thua lỗ và đóng cửa, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng vọt 3.000%, những người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã xếp hàng dài.
Các bệnh viện ở Mỹ đã quá tải bệnh nhân, trong khi thiếu hụt nghiêm trọng máy thở, khẩu trang và găng tay y tế.
Dư luận nhìn chung vẫn chưa thể rõ đến bao giờ nước Mỹ mới có thể thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng dịch bệnh hiện nay./.