"Báo in không diệt vong mà ở giai đoạn mới của vòng đời"

"Báo in không diệt vong mà ở trong giai đoạn mới của vòng đời"

Sau một loạt sự phân tách, ngành báo in của Mỹ giờ đây đang phải đối mặt với tương lai nhiều chông gai, khi không còn được các công ty mẹ "bơm" tài chính.
"Báo in không diệt vong mà ở trong giai đoạn mới của vòng đời" ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AP)

Sau một loạt sự phân tách chưa có tiền lệ của các tập đoàn truyền thông lớn của Mỹ, ngành sản xuất báo in giờ đây đang phải đối mặt với tương lai nhiều chông gai, khi không còn được các công ty mẹ "bơm" tài chính.

Làn sóng chia tách ở các tập đoàn truyền thông diễn ra vào thời điểm các tờ báo/tạp chí đang phải vật lộn để chuyển sang công nghệ kỹ thuật số, và cổ đông của các tập đoàn truyền thông ngày càng "ít cảm tình ra mặt" với loại hình báo in.

Gannett - sở hữu tờ USA Today và hàng chục tờ báo khác - là tập đoàn gần đây nhất thông báo kế hoạch tách hoạt động của mảng báo in và truyền hình thành hai đơn vị riêng biệt, nhằm tăng tính chuyên nghiệp của mỗi đơn vị.

Sự kiện trên diễn ra sau khi Tribute Co. cho các tờ báo Los Angeles Times và Chicago Tribute tách ra khỏi tập đoàn này, cũng như Time Warner để tạp chí Time Inc ra "ở riêng."

Tháng trước, hai công ty truyền thông EW Scripps và Journal Communications sau khi tuyên bố hợp nhất cũng quyết định tách mảng báo giấy ra khỏi công ty, để hoàn toàn tập trung vào mảng truyền hình và truyền thông kỹ thuật số.

Xu hướng trên được cho là bắt đầu vào năm ngoái khi "ông trùm" truyền thông Rupert Murdoch phân tách “đế chế” News Corp của mình thành hai mảng truyền thông-giải trí và xuất bản.

Trước làn sóng hàng loạt các tờ báo in Mỹ liên tục bị tách ra khỏi công ty mẹ, ông Mark Jurkowitz, phó Giám đốc Dự án Báo chí của trung tâm nghiên cứu Pew, cho rằng hành động này giống như tình cảnh “những đứa trẻ bị bố mẹ tống ra khỏi nhà.”

Trong thời kỳ báo giấy mang lại lợi nhuận khổng lồ thì các công ty truyền thông đã nhanh chóng “tóm lấy” mảng này.

Nhưng nay, các mảng khác của truyền thông, chẳng hạn như truyền hình, lại giữ vai trò chi phối lợi nhuận của các hãng truyền thông. Ông Jurkowitz còn cho rằng “dường như thị trường không quan tâm nhiều đến tương lai ngành báo in nữa.”

Chuyên gia tư vấn truyền thông Alan Mutter cho biết, mặc dù nhiều tờ báo in vẫn còn đem lại lợi nhuận trung bình khoảng 16% (cao hơn cả mức lợi nhuận của Walmart hay Amazon) song trong những năm gần đây, tin tức trong lĩnh vực kỹ thuật số đã dần thay thế ngôi vị một thời của báo giấy.

Ông Mutter cho rằng báo giấy ngày càng phụ thuộc vào những tên tuổi trong làng công nghệ như Google, Facebook hay Twitter, để tạo ra số lượng truy cập lớn - nguồn sống đối với các tập đoàn truyền thông.

Ông Dan Kennedy, một giáo sư báo chí tại Đại học Northeastern, cho rằng ngành báo giấy đang phục hồi sau ảnh hưởng tiêu cực từ các thỏa thuận phân tách trước đây.

Ông Kennedy nhận định lợi nhuận ngành báo giấy vẫn còn khá ổn, và nếu thuộc sở hữu của các doanh nghiệp tư nhân không bị nợ nần thì sẽ có chắc chắn sẽ có tờ báo "làm ăn" tốt.

Một số nhà phân tích cho rằng sự tan rã của các tập đoàn truyền thông lớn có thể buộc các nhà xuất bản tìm cách kết nối với độc giả qua mạng trực tuyến.

Theo ông Jurkowitz, vấn đề thực sự với ngành báo giấy không phải là việc giải quyết một “cành cây chết” mà đó là sự thất bại trong việc kiếm tiền từ phương tiện kỹ thuật số ngày nay.

Ngành công nghiệp báo chí đang theo dõi sát những nỗ lực của các tờ báo như New York Times - đang thử nghiệm các kế hoạch truy cập kỹ thuật số mới, và Washington Post - dưới thời chủ sở hữu mới Jeff Bezos đã nâng lượng độc giả trực tuyến lên mức cao kỷ lục.

Giáo sư Kennedy cho rằng dù báo in có thể hoạt động sinh lời và là một phần quan trọng của cộng đồng, nhưng vẫn không thể đáp ứng được kỳ vọng của Phố Wall về tốc độ phát triển.

Tuy nhiên, ông Kennedy cũng nhấn mạnh việc các chủ sở hữu tư nhân vẫn có thể tiếp tục phát triển công việc kinh doanh và báo in cần phải đầu tư đáng kể để chuyển đổi sang công nghệ kỹ thuật số trong những năm tới.

Ông Peter Copeland, cựu biên tập viên của Scripps Howard News Service và hiện là một nhà tư vấn truyền thông, nhận định tách báo giấy khỏi các công ty mẹ đa truyền thông là xu hướng hợp lý và nhìn chung là tích cực đối với báo giấy.

Ông nhấn mạnh rằng sẽ tốt hơn khi báo in và truyền hình được tách biệt, vì chúng không bao giờ kết hợp được với nhau và là những mảng kinh doanh rất khác biệt.

Ông nói: "Tôi nghĩ rằng báo in đang bước vào một thời kỳ mới. Đó không phải là sự diệt vong, nó chỉ là một giai đoạn trong vòng đời của báo in"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục