Báo Mỹ chỉ trích chính quyền khi ám sát Tướng Qasem Soleimani

Theo tác giả Ryan Cooper, Tướng Qasem Soleimani không khác biệt gì so với hàng chục các chính trị gia của Mỹ, thậm chí ông ta còn kiềm chế hơn khi sử dụng vũ lực.
Người đứng đầu đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Thiếu tướng Qasem Soleimani - giữa. (Ảnh: AP/TTXVN)

Tờ The Week của Mỹ đã có bài viết tựa đề "Chính Mỹ phạm phải mọi tội ác mà chúng ta cáo buộc Iran tiến hành," trong đó chỉ trích vụ ám sát Tướng Qasem Soleimani và chính sách can thiệp vào các nước khác của Washington.

Theo tác giả Ryan Cooper, ông Soleimani không khác biệt gì so với hàng chục các chính trị gia của Mỹ, thậm chí ông ta còn kiềm chế hơn khi sử dụng vũ lực.

Tướng Iran đã dính líu đến nhiều cuộc chiến đẫm máu, nhưng tất cả các Tổng thống Mỹ từ năm 2000 đến nay cũng như vậy.

Mặt khác, hầu hết các cuộc chiến mà Tướng Soleimani tham gia đều được khởi xướng hoặc kích động bởi Mỹ. 

Phe diều hâu ở Mỹ ghét Tướng Soleimani chủ yếu vì ông hậu thuẫn Hezbollah and Hamas, lực lượng phe phiến quân chống lại Mỹ xâm lược Iraq, được cho là dẫn đến cái chết của nhiều lính Mỹ - mặc dù viên tướng này rất tích cực chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trong một liên minh ngầm với lực lượng Mỹ.

Tuy vậy, các con số thống kê tồi tệ nhất của ông Soleimani cũng không thể so sánh với phe gây chiến của Mỹ.

Bài báo nêu quan điểm, nếu ông Soleimani đáng bị chỉ trích vì vũ trang cho phiến quân Iraq, Tổng thống Mỹ George W.Bush và Phó Tổng thống  Dick Cheney trước đây cũng nên bị lên án vì phát động cuộc chiến tranh này.

Đây là một cuộc chiến vô ích khiến xã hội Iraq kiệt quệ và nửa triệu người thiệt mạng, trong đó hầu hết là dân thường vô tội.

[Vụ Mỹ sát hại Tướng Iran: EU mời Ngoại trưởng Iran tới Bỉ]

Chính Tướng David Petraeus, được coi là phiên bản Soleimani của Mỹ, dính líu tới các khu tra tấn và biệt đội sát thủ ở Iraq trong cuộc chiến chống phiến quân nước này. 

Lực lượng Quds của Iran được thành lập trong cuộc chiến Iran-Iraq, vốn do Saddam Hussein phát động vào năm 1980 với sự hậu thuẫn tích cực của Mỹ.

Một triệu người Iran bỏ mạng trong cuộc chiến đẫm máu này. Xa hơn nữa, Cộng hòa Hồi giáo Iran ra đời chính vì Mỹ và Anh lật đổ nền dân chủ non trẻ của nước này vào năm 1953 và dựng lên một vị vua độc tài.

Không khó để lý giải vì sao Iran, giống như mọi quốc gia khác ở Trung Đông, đều duy trì những nhân vật cứng rắn như Soleimani trong chính quyền. Ở khu vực bạo lực và bất ổn này, chiến tranh là điều không thể tránh khỏi. Và chính Mỹ phải chịu trách nhiệm chính cho thực tế này. 

Theo bài báo, vụ ám sát có thể đem lại những hậu quả nghiêm trọng cho Mỹ. Chính phủ Iraq phản ứng giận dữ với hành động vi phạm chủ quyền trắng trợn của Washington và có thể sẽ yêu cầu tất cả lính Mỹ rời khỏi nước này.

Ngoài ra, Iran có rất nhiều mục tiêu để tấn công trả đũa như các căn cứ Mỹ ở nước ngoài, chặn đường vận chuyển dẩu mỏ hay nhắm vào các nhóm tàu sân bay. Cái giá của Mỹ phải trả sẽ là rất đắt./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục