Báo Nhật Bản đăng tải trang trọng bài viết của Chủ tịch nước về APEC

Báo Japan Times của Nhật Bản đã đăng tải trang trọng bài viết của Chủ tịch nước Trần Đại Quang "APEC Việt Nam 2017, thúc đẩy tương lai chia sẻ trong một thế giới đầy biến động."
Panô chào mừng Tuần lễ cấp cao APEC 2017 được trưng bày tại các khu vực công cộng ở Đà Nẵng. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Ngày 8/11, ngày khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC (CEO Summit) diễn ra tại Đà Nẵng, báo Japan Times của Nhật Bản đã đăng tải trang trọng bài viết của Chủ tịch nước Trần Đại Quang "APEC Việt Nam 2017, thúc đẩy tương lai chia sẻ trong một thế giới đầy biến động."

Theo bài viết, trong một thế giới toàn cầu hóa đầy biến động và khu vực châu Á-Thái Bình Dương phát triển năng động, APEC đang đứng trước những cơ hội và thách thức đan xen. Là chủ nhà của APEC 2017, Việt Nam đang nỗ lực cùng các nền kinh tế thành viên biến các cam kết của các nhà lãnh đạo APEC thành hiện thực, đồng thời đưa APEC đến gấn hơn với người dân và cộng đồng doanh nghiệp, hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược vì sự phát triển toàn diện và bền vững của khu vực châu Á-Thái Bình Dương thế kỷ 21.

Cuộc gặp thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo của các nền kinh tế APEC tại Đà Nẵng, một thành phố duyên hải hiếu khách năng động, hiện đại và xinh đẹp, có nhiệm vụ quan trọng là tạo ra động lực mới cho sự tăng trưởng, hội nhập và hợp tác của APEC. Đây cũng là cơ hội cho các nền kinh tế APEC tăng cường và làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác hướng tới xây dựng mối quan hệ đối tác châu Á-Thái Bình Dương phát triển bền vững, toàn diện trong thế kỷ 21.

Trên tinh thần hợp tác mang tính xây dựng, vì lợi ích của các bên, với phương châm "Tạo sự năng động mới, thúc đẩy tương lai chia sẻ," các lãnh đạo của các nền kinh tế APEC sẽ thảo luận các vấn đề mang tính định hướng sau:

Một là, tạo động lực tăng trưởng toàn diện, sáng tạo và bền vững cho các nền kinh tế thành viên. Động lực này cần được kết nối với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trang bị cho người lao động những kỹ năng mới để làm việc trong môi trường kỹ thuật số, tăng cường cải cách cơ cấu, thúc đẩy sáng tạo, tăng cường tính cạnh tranh của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Các nền kinh tế thành viên cũng cần nỗ lực xây dựng cộng đồng APEC phát triển toàn diện; thúc đẩy phát triển bền vững; đảm bảo an ninh lương thực, năng lượng và nguồn nước; giảm thiểu nguy cơ thảm họa; tăng quyền kinh tế cho phụ nữ đồng thời tạo ra môi trường tốt hơn cho các nhóm yếu thế. Những nỗ lực này sẽ giúp tăng cường chất lượng tăng trưởng của APEC.

Bài viết của Chủ tịch nước trên báo Japan Times

Hai là, thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, tăng cường kết nối khu vực; tăng cường các thành quả đạt được từ quá trình thực hiện các mục tiêu Bogor đến năm 2020; làm sâu sắc thêm sự kết nối và hội nhập khu vực, hướng tới thiết lập FTAAP để tăng cường các dòng đầu tư và thương mại tại châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời thúc đẩy liên kết giữa các nền kinh tế thành viên APEC.

APEC cũng cần thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương toàn diện, không phân biệt đối xử, minh bạch và mở cửa. Thực tiễn thương mại toàn cầu hiện nay đặt ra yêu cầu đối với các thành viên phải tăng cường hợp tác trong các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, thương mại điện tử, tiếp tục xây dựng năng lực và chính sách hài hòa. Đây là điều kiện tiên quyết để diễn đàn có thể tiếp tục duy trì được vai trò là động lực thúc đẩy hội nhập kinh tế trong một thế giới đa tầng.

Ba là, tăng cường củng cố vai trò dẫn đầu của APEC trong lĩnh vực quản trị kinh tế toàn cầu và đối phó với các thách thức chung; nâng cao khả năng thích ứng với vấn đề biến đổi khí hậu; dẫn đầu trong việc cải cách, đổi mới; tăng cường tính hiệu quả trong hợp tác nhằm tạo ra nhiều lợi ích hơn cho người dân và doanh nghiệp trong khu vực. Các thành viên APEC cũng cần chủ động thực hiện các cam kết toàn cầu, nhất là các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc và thỏa thuận Paris.

[APEC 2017 - Việt Nam rộng mở vòng tay chào đón bạn bè]

Bốn là, để chuẩn bị cho sự phát triển của APEC trong thập kỷ thứ 4, các thành viên APEC cần thảo luận các bước đi cần thiết cho tầm nhìn chiến lược sau năm 2020. Tầm nhìn này cần tiếp tục duy trì vài trò dẫn đầu của APEC trong việc thúc đẩy hội nhập, kết nối, phát triển toàn diện, bền vững, tái cấu trúc nền kinh tế kỹ thuật số, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, thu hẹp khoảng cách phát triển... Đây cũng là sự phát triển cần thiết của các nền kinh tế thành viên và là xu hướng chung của hợp tác quốc tế trong thể kỷ 21.

Kết thúc bài viết, Chủ tịch nước nhấn mạnh nhận thức rõ tầm quan trọng của mối quan hệ gần gũi giữa Việt Nam và APEC, trong hơn 20 năm qua, Việt Nam luôn có những đóng góp chủ động và có trách nhiệm cho diễn đàn.

Bước vào giai đoạn cải cách toàn diện, với vai trò là chủ nhà APEC 2017, Việt Nam mong muốn tái khẳng định chính sách đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ quốc tế, hội nhập quốc tế sâu sắc; là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế. Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng tất cả các nền kinh tế APEC nhằm xây dựng một cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, kết nối và thịnh vượng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục