​Bão số 3 có khả năng vào Vịnh Bắc Bộ gây mưa lớn ở Đông Bắc

Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục đi qua Bắc Bộ nối với bão số 3 kết hợp với hội tụ gió lên đến 5.000m nên trong ngày và đêm 20/7, phía Tây Bắc Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to.
Hướng di chuyển của bão. (Nguồn: nchmf.gov.vn)

Trưa 20/7, nhận định về bão số 3, Trưởng phòng Phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia) Trần Quang Năng cho biết, nhiều khả năng trong các ngày 22-23/7, bão số 3 di chuyển vào Vịnh Bắc Bộ và gây mưa lớn tại một số tỉnh, thành phố ở Đông Bắc như: Lạng Sơn, Hải Phòng, Quảng Ninh. Trong đó, các đảo như Cô Tô, Bạch Long Vĩ cần đề phòng khả năng mưa lớn, gió giật mạnh do ảnh hưởng của bão.

Theo ông Trần Quang Năng, bão số 3 có diễn biến phức tạp, có sự đổi hướng liên tục vì nằm trên dải hội tụ nhiệt đới. Mặt khác cũng đang có một cơn bão có tên quốc tế là Infa, đang xuất hiện ngoài biển Đông, cách Đài Loan (Trung Quốc) khoảng 850km, có thể tương tác và ảnh hưởng đến quỹ đạo chuyển động của bão số 3.

Cùng với đó, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục đi qua Bắc Bộ nối với bão số 3 kết hợp với hội tụ gió lên đến 5000m nên trong ngày và đêm 20/7, phía Tây Bắc Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 20-40mm/24h, có nơi trên 60mm/24h.

Ở phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to (thời gian mưa tập trung vào chiều tối và đêm), trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại các tỉnh miền núi.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam có cường độ trung bình đến mạnh nên trong chiều và đêm 20/7, ở Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 20-50mm, có nơi trên 70mm, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 10 giờ ngày 20/7, vị trí tâm bão ở  ngay trên vùng biển phía Nam của tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135km/giờ), giật cấp 14. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 160km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 60km tính từ tâm bão.

[Bão số 3 tăng cấp nhanh và duy trì sức gió mạnh cấp 10, giật cấp 12]

Từ 10 giờ ngày 20/7 đến 10 giờ ngày 21/7, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5km. Đến 10 giờ ngày 21/7, vị trí tâm bão ở trên đất liền phía Tây Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 19,5 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 110,0 đến 114,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu, thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.

Từ 10 giờ ngày 21/7 đến 10 giờ ngày 22/7, bão có khả năng đổi hướng di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được từ 5-10km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 10 giờ ngày 22/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 22,1 độ Vĩ Bắc; 109,6 độ Kinh Đông, trên đất liền phía Nam tỉnh Quảng Đông - Quảng Tây (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.

Từ 10 giờ ngày 22/7 đến 10 giờ ngày 23/7, áp thấp nhiệt đới có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Nam Tây Nam, mỗi giờ đi được 5-10km và có khả năng mạnh lại thành bão. Đến 10 giờ ngày 23/7, vị trí tâm bão ở trên vùng biển phía Đông Vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Từ 10 giờ ngày 23/7 đến 10 giờ ngày 24/7, bão có khả năng đổi hướng di chuyển về phía Đông Đông Nam, mỗi giờ đi được từ 10-15km. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông: Cấp 3. Vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 9-10, vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12, giật cấp 14, sóng biển cao từ 5-7 m, biển động rất mạnh.

Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, biển động mạnh; khu vực Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, biển động; sóng biển cao từ 2-4m.

Khu vực Biển Đông (bao gồm cả vùng biển các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và Cà Mau đến Kiên Giang có mưa rào và dông, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.

Điều khiển tàu, thuyền tránh xa vùng bão, áp thấp nhiệt đới 

Các chuyên gia khuyến cáo ngư dân và các thuyền viên: Cần thường xuyên theo dõi tin dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin, hệ thống tín hiệu báo bão, đồng thời chú ý quan sát bầu trời và mặt biển để nhận biết thời tiết. Khi nhận được tin bão, áp thấp nhiệt đới thì tùy thuộc vào vị trí của tàu, thuyền đang hoạt động, vị trí cường độ hướng di chuyển của bão, áp thấp nhiệt đới mà kịp thời cho tàu, thuyền vào bờ hoặc tránh xa vùng ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới.

Các thuyền viên cần điều khiển tàu, thuyền tránh xa vùng bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng đi tới. Nếu tàu, thuyền đang nằm ở phía bên phải hướng di chuyển của bão, áp thấp nhiệt đới thì các thuyền viên phải cho tàu thuyền chạy ngược gió, gió thổi lệch mũi trước mạn phải, góc lệch lớn hay nhỏ tùy thộc vào sức đẩy của tàu thuyền, tức là chạy về hướng Bắc-Đông Bắc.

Nếu tàu, thuyền đang nằm ở phía bên trái hoặc ở ngay trên đường bão, áp thấp nhiệt đới đang di chuyển tới thì cho tàu, thuyền chạy xuôi gió, gió thổi vào đuôi tàu thuyền từ mạn phải, tức là chạy về hướng Nam-Tây Nam.

Các thuyền viên cần chú ý rằng khi điều khiển tàu, thuyền tránh bão, áp thấp nhiệt đới trên biển phải luôn luôn giữ cho tàu, thuyền cách tâm bão, áp thấp nhiệt đới một khoảng tối thiểu từ 350-400km - khoảng 200 hải lý. Khi không thể tránh xa vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão, áp thấp nhiệt đới mà lọt vào vùng gió bão, áp thấp nhiệt đới thì người điều khiển phương tiện phải bình tĩnh, tập trung mọi khả năng đưa tàu, thuyền nhanh chóng thoát ra khỏi vùng bão, áp thấp nhiệt đới.

Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, lũ quét thường xảy ra bất ngờ tại các sông, suối khu vực miền núi; lũ lên nhanh và cũng xuống nhanh, có sức tàn phá lớn, thường đi kèm với sạt lở đất, đá. Người dân cần cảnh giác trước các dấu hiệu xuất hiện lũ quét như: mưa lớn nhiều ngày ở vùng thượng lưu, nước sông hoặc suối chuyển màu đục, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất...

Khi thấy các dấu hiệu trên, người dân cần nhanh chóng di chuyển khỏi khu vực có thể xảy ra lũ quét để đến nơi có vị trí cao hơn; sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục