Tại cuộc họp diễn ra vào sáng 28/10 tại Hà Nội, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Công điện số 1490/CĐ-TTg ngày 27/10 về việc khẩn cấp ứng phó với bão số 9 của Thủ tướng Chính phủ.
Quản lý chặt chẽ tàu, thuyền và tích cực cứu hộ cứu nạn
Đối với các địa phương ở tuyến biển, Phó Chánh Văn phòng Nguyễn Văn Tiến yêu cầu các lực lượng chức năng phối hợp với chính quyền để tiếp tục kêu gọi, hướng dẫn tàu, thuyền di chuyển tới nơi tránh trú an toàn và tích cực tìm kiếm 30 ngư dân của 3 tàu gặp sự cố trên biển; sẵn sàng bố trí phương tiện ứng trực tại khu vực bão đổ bộ để cứu hộ tàu, thuyền khi có sự cố. Các địa phương cần thực hiện nghiêm lệnh cấm biển đã ban hành.
[Bão số 9: Gió giảm khi vào vùng biển từ Quảng Nam đến Bình Định]
Phó Chánh Văn phòng Nguyễn Văn Tiến đề nghị các bộ, ngành, địa phương nằm sâu trong đất liền sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ để xử lý các tình huống xấu; rà soát và triển khai phương án sơ tán dân tại các khu vực thấp trũng có nguy cơ ngập sâu, sạt lở đất, lũ quét.
Ông Nguyễn Văn Tiến yêu cầu Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố trực tiếp chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 9 trên các phương tiện thông tin đại chúng (truyền hình, phát thanh,...); tăng cường công tác truyền thông qua hệ thống tin nhắn để người dân chủ động ứng phó với thiên tai; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư khắc phục các sự cố đê biển; hệ thống lưới điện, thông tin, ưu tiên cho công tác chỉ đạo điều hành, cứu hộ cứu nạn, y tế...
Bão số 9 tiến gần Quảng Ngãi, gió cấp 12, giật cấp 15, sóng biển cao từ 6-8m
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Hoàng Phúc Lâm, lúc 7 giờ ngày 28/10, vị trí bão cách thành phố Đà Nẵng khoảng 220km, cách Quảng Nam khoảng 155km, cách Quảng Ngãi 115km, cách Phú Yên 190km, sức gió mạnh nhất cấp 12, giật cấp 15.
Bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 20-25km.
Gió mạnh nhất ở khu vực đất liền ven biển từ Đà Nẵng đến Bình Định ở cấp 11-12, giật cấp 14, từ Thừa Thiên-Huế đến Phú Yên gió cấp 8-10, giật cấp 12; tại Kon Tum, Gia Lai gió cấp 7-8, giật cấp 10; tại Quảng Bình, Quảng Trị, Bắc Khánh Hòa gió cấp 6-7, giật cấp 10.
"Gió mạnh dần và mạnh nhất từ trưa và đầu giờ chiều ngày 28/10. Tại Đà Nẵng gió cấp 8-10 giật cấp 12, tại Quảng Nam gió cấp 11-12 giật cấp 14," ông Hoàng Phúc Lâm nhận định.
Sóng biển cao từ 6-8m ở vùng biển từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Nước dâng do bão cao từ 0,5-1,5m tại khu vực ven biển từ Nghệ An đến Bình Định.
Ở các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên-Huế đến Phú Yên đã có mưa to với lượng mưa phổ biến 70-150mm. Dự báo, từ ngày 28-29/10, các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên-Huế đến Phú Yên có lượng mưa 100-250mm; Bắc Tây Nguyên có lượng150 -250mm.
Từ ngày 28-31/10, các khu vực từ Nghệ An đến Quảng Trị mưa 200-400mm; riêng phía Nam Nghệ An và Hà Tĩnh có lượng mưa 500-700 mm.
Ban Chỉ đạo tiền phương tích cực hoạt động
Chiều 27/10, tại Đà Nẵng, Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 9 đã họp với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố trong vùng ảnh hưởng của bão để triển khai các phương án phòng, chống.
Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền có trách nhiệm, chỉ đạo các nhà mạng nhắn 34.758.549 tin cảnh báo, hướng dẫn phòng tránh tới các thuê bao trong khu vực bị ảnh hưởng của bão số 9.
Cục Hàng không (Bộ Giao thông Vận tải) cần dừng khai thác 6 sân bay gồm Chu Lai, Phù Cát, Đà Nẵng, Phú Bài, Tuy Hòa từ 18 giờ ngày 27/10 và dự kiến sẽ khai thác trở lại vào 16 giờ ngày 28/10; Sân bay Pleiku dừng khai thác từ 21 giờ ngày 27/10 đến 19 giờ ngày 28/10.
Tổng Công ty đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) có trách nhiệm dừng toàn bộ các tàu khách Thống Nhất từ đêm 27/10 đến hết ngày 28/10 (trong ngày 28/10 chỉ khai thác tuyến Hà Nội -Vinh và tuyến Sài Gòn-Nha Trang)./.