Bảo tàng Báo chí Việt Nam: Cần số hóa tư liệu để hấp dẫn người xem

Bảo tàng Báo chí Việt Nam hiện nay lưu giữ và bảo quản hơn 35.000 tài liệu, hiện vật. Con số ấn tượng này là thành quả sau 15 cuộc vận động hiến tặng, những chuyến đi sưu tầm trong cả nước.
Nhà báo Lê Quốc Trung, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, giới thiệu về các hiện vật của Thông tấn xã Giải phóng trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Nhà báo Lê Quốc Trung, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, giới thiệu về các hiện vật của Thông tấn xã Giải phóng trưng bày tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Kể từ khi ra đời năm 2017, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã trở thành nơi lưu giữ, tôn vinh và phát huy truyền thống nền báo chí Việt Nam đã có từ hơn 150 năm trước, và do đó trở thành cầu nối giữa quá khứ và hiện tại của lịch sử báo chí nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung.

Thông tin trên được đưa ra tại tọa đàm khoa học: “Bảo tàng Báo chí Việt Nam: Định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” nhân kỷ niệm 5 năm thành lập (2017-2022) diễn ra sáng 16/8 tại Hà Nội.

Bảo quản hơn 35.000 tài liệu, hiện vật

Trải qua 5 năm thành lập, từ con số 636 tài liệu, hiện vật, Bảo tàng Báo chí Việt Nam hiện nay lưu giữ và bảo quản hơn 35.000 tài liệu, hiện vật. Con số ấn tượng này là thành quả sau 15 cuộc vận động hiến tặng, những chuyến đi sưu tầm trải dài khắp các tỉnh thành trên cả nước.

[Bảo tàng báo chí Việt Nam: Nơi ghi dấu ký ức về lịch sử dân tộc]

Dù trong điều kiện dịch dã hay có nhiều thời gian giãn cách xã hội ngặt nghèo, sau hai năm chính thức mở cửa đón khách, tính đến tháng 7/2022, bảo tàng đã đón hơn 18.000 lượt khách tham quan, trong đó có hơn 150 lượt khách nước ngoài; hàng nghìn lượt theo dõi trên Facebook, hàng trăm nghìn lượt truy cập website của bảo tàng. Một số cơ quan báo chí lớn đã tổ chức nhiều đoàn tham quan, sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chuyên đề ngay tại Bảo tàng và tiếp tục nhiệt tình hiến tặng thêm nhiều hiện vật, tư liệu mới.

Cùng với đó, bảo tàng đã biên soạn, xuất bản một cuốn sách tư liệu về lịch sử báo chí; thực hiện thành công hai đề tài nghiên cứu khoa học, sản xuất 250 phim tư liệu và clip về chân dung các nhà báo, các giai đoạn lịch sử báo chí, trong đó có chùm phim đoạt Giải B, Giải búa liềm vàng năm 2021 và một phim được nhận giải Khuyến khích Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVI, 2021.

Theo Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam Trần Thị Kim Hoa, ngoài những thành tích nổi bật đã làm được, bảo tàng đã đóng vai trò nòng cốt và tiên phong trong việc khảo sát, định vị, lập hồ sơ công nhận Di tích lịch sử quốc gia cho Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại Đại Từ, Thái Nguyên.

“5 năm là một chặng đường chưa dài nhưng với những người làm công tác bảo tàng thì đây là một chặng đường đặt nền móng đầy ý nghĩa. Kết quả đạt được trong 5 năm qua là tâm huyết và công sức của nhiều thế hệ lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, các cấp hội nhà báo, các cơ quan báo chí, các nhà báo lão thành và công chúng báo chí, trực tiếp là của những người làm Bảo tàng,” bà Trần Thị Kim Hoa nhấn mạnh.

Bảo tàng Báo chí Việt Nam: Cần số hóa tư liệu để hấp dẫn người xem ảnh 1Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi trao tặng Bằng khen của Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Ghi nhận những hoạt động của bảo tàng, song Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cho rằng những kỷ vật, tấm gương, câu chuyện về báo chí cách mạng Việt Nam vẫn chưa được khai thác nhiều. Cách thức sắp xếp, trang trí tại bảo tàng cần có thêm tính sáng tạo, đổi mới… cần nghiên cứu cách thức xây dựng của các nước trên thế giới, tổ chức nhiều hoạt động những phải đa dạng hoá hơn.

Đẩy mạnh số hóa để phục vụ công chúng

Tại tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng Bảo tàng Báo chí Việt Nam cần thay đổi mạnh mẽ, thực hiện chuyển đổi số để thích ứng với xu thế phát triển.

Theo Trưởng phòng Quản lý bảo tàng và Thông tin tư liệu (Cục Di sản văn hóa) Nguyễn Hải Ninh, số hóa đang là một yêu cầu cần và đủ cho sự phát triển của ngành bảo tàng, trong đó Bảo tàng Báo chí Việt Nam rất cần những định hướng có tính khoa học và thực tiễn, rất cần được bổ sung thêm các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực có chất lượng cao. Trong đó, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động bảo tàng trong giai đoạn hiện nay và tương lai.

Ngoài những thành tựu đạt được trong 5 năm qua, Bảo tàng Báo chí Việt Nam vẫn còn những hạn chế như công tác sưu tầm vẫn rất nặng nề; các không gian trưng bày cố định chưa có sự đột phá mạnh mẽ. Một thực tế chỉ rõ, bảo tàng chưa thu hút được khách tham quan ngoài ngành, sự tiếp cận của người dân, độc giả chưa phổ biến, vì thế cần tiếp tục bổ sung, chỉnh lý để bắt kịp sự chuyển đổi công nghệ trưng bày, đặc biệt là không gian trải nghiệm các loại hình báo chí để nhiều người biết đến, tiếp cận nhanh hơn và để lại dấu ấn đẹp mỗi khi tham quan.

Chia sẻ tại buổi toạ đàm, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi khẳng định với định hướng phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Bảo tàng Báo chí Việt Nam cần tiếp tục làm phong phú kho tư liệu, cần có sự vào cuộc của tất cả các bên để đưa ra phương pháp sưu tầm và lưu giữ, trưng bày.

“Bảo tàng cần phối hợp, khai thác tốt hơn các di sản của báo chí Việt Nam. Làm phong phú các hoạt động tại địa điểm bằng việc tổ chức các cuộc tham quan, trải nghiệm và học tập. Cần tổ chức trưng bày theo hướng sáng tạo, đổi mới. Đặc biệt, sử dụng công nghệ truyền thông mới, chuyển đổi số mạnh mẽ, tăng cường sự hợp tác với các bảo tàng trong nước và quốc tế. Khai thác tiềm năng phong phú, kinh nghiệm quý báu của các chuyên gia báo chí, chuyên gia bảo tàng, cố vấn của Bảo tàng Báo chí Việt Nam…,” ông Hồ Quang Lợi nhấn mạnh.

Bảo tàng Báo chí Việt Nam: Cần số hóa tư liệu để hấp dẫn người xem ảnh 2Nhà báo Lê Quốc Trung chia sẻ ý kiến tại tọa đàm. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Nhà báo Lê Quốc Trung, Nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam đồng tình với quan điểm đó. Ông cho rằng sự kết hợp giữa hình thức trưng bày truyền thống với các tư liệu số hoá vừa tạo sự hấp dẫn cho người xem, thuận lợi cho người xem tra cứu tư liệu, vừa tiết kiệm đáng kể không gian trưng bày.

“Bảo tàng cần thay đổi phương thức sưu tầm, lưu trữ và trưng bày để giúp công chúng có điều kiện tìm hiều nhanh nhất, hiệu quả nhất, phong phú nhất về lịch sử báo chí Việt Nam. Bảo tàng cần sớm có kho tư liệu số, có nhiều phương tiện công nghệ tại các gian trưng bầy phục vụ công tác tra cứu của người xem, tiến tới xây dựng bảo tàng điện tử để công chúng ở bất kỳ nơi nào, kể cả ở nước ngoài, cũng có thể tiếp cận bảo tàng bằng thiết bị điện tử của mình,” ông gợi ý./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục