Hướng tới kỷ niệm 50 năm tàu vũ trụ Apollo 11 của Mỹ đưa con người khám phá Mặt Trăng, Bảo tàng Không gian và hàng không Smithsonian tại thủ đô Washington (Mỹ) cùng công ty huy động vốn Kickstarter đã phát động một chiến dịch gây quỹ nhằm phục chế bộ đồ phi hành gia mà nhà du hành vũ trụ Neil Amstrong đã sử dụng trong chuyến thám hiểm lịch sử trên bề mặt hành tinh này.
Chỉ trong vài giờ sau khi phát động, chiến dịch với tên gọi Reboot the Suit, bước đầu đã nhận được 100.000 USD trong tổng kinh phí 500.000 USD cần có để phục chế bộ quần áo phi hành gia của Amstrong.
Theo quy định của Kickstarter, chiến dịch Reboot the Siut sẽ phải đạt số tiền gây quỹ đã đặt ra vào 19/8 tới. Những nhà hảo tâm đóng góp cho chương trình sẽ được hưởng những ưu đãi "độc nhất vô nhị," tương xứng với khoản tiền đóng góp, như phiên bản 3D chiếc găng tay phi hành gia của Amstrong hay một mảnh tàu vũ trụ Apollo 11.
Ngoài ra, những người đầu tiên có khoản tiền ủng hộ 10.000 USD có cơ hội chiêm ngưỡng bộ đồ phi hành gia nổi tiếng trên trong khu phục chế của Bảo tàng Không gian và hàng không Smithsonian vào tháng 11 tới.
Phục dựng bộ quần áo của phi hành gia Armstrong mặc khi đặt chân lên Mặt Trăng chỉ là một trong nhiều dự án mà Bảo tàng Không gian và hàng không Smithsonian và Kickstarter có kế hoạch triển khai trong thời gian tới.
Theo Giám đốc phụ trách công tác từ thiện của Smithsonian, ông Yoonhyung Lee, công chúng có thể tùy tâm đóng góp cho những dự án cụ thể, đồng thời tiếp tục tiến trình sáng tạo thông qua các hoạt động gây quỹ của bảo tàng này.
Reboot the Suit là chiến dịch gây quỹ đầu tiên do bảo tàng Smithsonian khởi xướng và là một trong những dự án hợp tác giữa đơn vị này và công ty huy động vốn Kickstarter.
Toàn bộ công tác bảo trì hệ thống 19 bảo tàng và phòng trưng bày của Smithsonian được nhận kinh phí từ chính phủ Mỹ, tuy nhiên riêng các hoạt động như trưng bày và phục chế lại phụ thuộc phần lớn vào những đóng góp của các nhà hảo tâm.
Kickstarter được biết đến là một một công tuy huy động vốn nổi tiếng của Mỹ, hoạt động trên nguyên tắc giới thiệu trực tiếp các dự án đầu tư với khách hàng mà không cần trải qua các bước thông thường khác.
Thông qua Kickstarter, các nhà khởi nghiệp sẽ giới thiệu các sản phẩm và ý tưởng của mình, và sẽ nhận được số vốn cần thiết từ cộng đồng để triển khai dự án của mình trong trường hợp những dự án đó có sức hấp dẫn và tính khả thi cao.
Mặt Trăng - vệ tinh duy nhất của Trái Đất và là vệ tinh tự nhiên lớn thứ năm trong Hệ Mặt Trời, có diện tích bằng 0,074 lần Trái Đất. Khoảng cách trung bình tính từ tâm Trái Đất đến Mặt Trăng là 384.403km, lớn gấp khoảng 30 lần đường kính Trái Đất.
Mặt Trăng là thiên thể duy nhất ngoài Trái Đất mà con người đã đặt chân tới. Liên Xô và Mỹ là hai quốc gia dẫn đầu trong cuộc chinh phục đó. Năm 1959, là năm mang tính lịch sử đối với công cuộc khám phá Mặt Trăng, mở đầu bằng chuyến bay của tàu vũ trụ Luna 1 của Liên Xô đến phạm vi Mặt Trăng.
Trong những năm tiếp theo, Mỹ và Liên Xô đều tiến hành nhiều chương trình không gian để hoàn thiện các chuyến bay vũ trụ. Năm 1966, tàu Luna 9 của Liên Xô đã trở thành tàu thăm dò đầu tiên hạ cánh mềm thành công lên Mặt Trăng và truyền những hình ảnh bề mặt Mặt Trăng về Trái Đất. Con tàu hạ cánh gần miệng núi lửa, thu thập toàn cảnh quan ở đây cho đến khi chạy hết pin.
Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) cũng không ngừng phấn đấu, giải quyết những thách thức lớn trong công nghệ, kỹ thuật, và hậu cần cho sứ mệnh đưa tàu có người lái lên Mặt Trăng.
Tháng 12/1968, tàu Apollo 8 của Mỹ đã trở thành con tàu đầu tiên có người lái thoát khỏi quỹ đạo của Trái Đất, bay vòng quanh Mặt Trăng và trở về Trái Đất cùng những bức ảnh ghi lại những nơi có thể hạ cánh trên hành tinh này.
Ngày 20/7/1969, phi hành gia Neil Armstrong và Buzz Aldrin của tàu Apollo 11 đã ghi tên mình vào lịch sử vũ trụ học khi trở thành người đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng huyền bí.
Trước sự dõi theo của hàng triệu người trên thế giới, Armstrong đã bước những bước đầu tiên trên Mặt Trăng và tuyên bố “Đây là bước đi nhỏ của một con người, nhưng là bước tiến lớn của nhân loại”./.