Diễn đàn Người khuyết tật ASEAN 2020 có chủ đề "Bảo vệ an sinh xã hội cho người khuyết tật trong và sau dịch COVID-19" tổ chức theo hình thức trực tuyến diễn ra vào ngày 18/12.
Tham dự có các thành viên Diễn đàn người khuyết tật ASEAN, các quan chức phụ trách phúc lợi xã hội và phát triển các nước thành viên ASEAN, Ban thư ký ASEAN.
Phát biểu tại điểm cầu Hà Nội, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Nguyễn Văn Hồi- Trưởng đoàn Việt Nam cho biết khu vực ASEAN có hơn 625 triệu người dân, trong đó có khoảng 100 triệu người là người khuyết tật.
Thời gian qua, các nước thành viên ASEAN luôn dành sự quan tâm đối với các vấn đề liên quan đến người khuyết tật. Mặc dù vậy, người khuyết tật không chỉ ở Việt Nam mà ở tất cả các nước thành viên ASEAN đều phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là khó khăn về tiếp cận y tế, giáo dục, dạy nghề, việc làm, tín dụng…
Theo Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, không chỉ ở Việt Nam mà ở các quốc gia thành viên, người khuyết tật đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc tiếp cận giáo dục, y tế, việc làm… và năm 2020 là một năm đặc biệt mà đại dịch COVID-19 đã gây ra những thách thức chưa từng có đối với y tế, an sinh xã hội, đòi hỏi Chính phủ các nước cần phải có những chính sách để đảm bảo mục tiêu kép đặc biệt đối với nhóm đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương trong đó nhóm người khuyết tật, phụ nữ và trẻ em là nhóm dễ bị tổn thương hơn cả.
[Đẩy nhanh tiến độ gói hỗ trợ tài chính, hạn chế ảnh hưởng dịch bệnh]
Ông Nguyễn Văn Hồi cũng chia sẻ một số kinh nghiệm, chương trình của Việt Nam trong việc hỗ trợ người khuyết tật sau COVID-19 cũng như một số hạn chế, tồn tại cần sự chung tay của Nhà nước và người dân để khắc phục.
Tại hội nghị, Chủ tịch Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam Đặng Huỳnh Mai cho biết năm 2020 đã diễn ra nhiều sự kiện làm ảnh hưởng đến toàn cầu trong đó sự hoành hành của đại dịch COVID-19 đã gây ra những tác động lớn đặc biệt là ảnh hưởng đến đối tượng yếu thế trong đó có người khuyết tật.
Để trợ giúp những người khuyết tật vượt qua khó khăn, Liên hiệp hội đã cùng một số tổ chức hội thành viên tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ người khuyết tật như truyền thông nâng cao nhận thức phòng chống dịch. Liên hiệp hội phối hợp với các bộ, ngành xây dựng các tài liệu hướng dẫn người khuyết tật; tặng các nhu yếu phẩm cần thiết đến với người khuyết tật gặp nhiều khó khăn; vận động các nguồn hỗ trợ người khuyết tật,…
Bà Đặng Huỳnh Mai cũng mong muốn qua hội nghị, các kinh nghiệm được chia sẻ sẽ giúp giảm thiểu tác động của COVID-19 cũng như triển khai hiệu quả Kế hoạch tổng thể ASEAN lồng ghép quyền của người khuyết tật đến năm 2025 với mục tiêu vì một cộng đồng ASEAN gắn kết và thích ứng.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã tham gia hai phiên với các chủ đề: "Đảm bảo Ứng phó cho người khuyết tật trong và sau COVID-19 thông qua việc thực hiện Kế hoạch Tổng thể về lồng ghép các quyền của người khuyết tật ASEAN 2025" với các chia sẻ của đại diện đến từ Singapore, Thái Lan, Văn phòng UNESCAP khu vực Đông Nam Á, Chủ tịch ADF, Hiệp hội người khiếm thính Thái Lan và chủ đề "Thảo luận và kiến nghị" với các nhóm chuyên đề về các biện pháp an sinh xã hội, các giá trị thích ứng mới và các dịch vụ công thiết yếu./.