Tại Giải thưởng Toàn quốc về Thông tin Đối ngoại lần thứ VIII diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội tối 5/11, Báo Điện tử VietnamPlus giành Giải Nhì với loạt 5 bài megastory công phu “Việt Nam-Cuộc đấu trí không khoan nhượng và những giải pháp đột phá để vượt bão COVID-19” của tác giả Cao Thùy Giang.
Tham dự lễ trao giải có ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại, và các lãnh đạo ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Nhìn lại cuộc chiến chống COVID-19
Chùm bài của tác giả Cao Thùy Giang mang đến cái nhìn toàn cảnh về đợt dịch COVID-19 lần thứ 4. Việt Nam đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc như lưu ý, nhắc nhở của Chủ tịch nước, chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo Quốc gia.
Nhìn lại năm 2021, Việt Nam đã cho thấy những nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị và người dân, doanh nghiệp trong việc khống chế, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Hàng loạt quyết sách đúng đắn đã được đưa ra để dịch bệnh tại Việt Nam từng bước được kiểm soát và mở cửa trở lại hòa nhập với thế giới trong giai đoạn bình thường mới.
Trong đợt dịch lần thứ 4 này, đó dường như một cuộc tổng tiến công toàn diện vào toàn bộ hệ thống, với nhiều “đòn đánh” mạnh, khi dịch lây lan với tốc độ mạnh hơn, phạm vi rộng hơn, đỉnh dịch dài hơn và tấn công nhiều bệnh viện hơn, chủng virus phức tạp, lây lan nhanh hơn. Bên cạnh đó, để phòng chống dịch Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, tổ chức quản lý của các cấp chính quyền, đặc biệt phải huy động sự vào cuộc của nhân dân.
[Vaccine - ‘Vũ khí tối thượng’ để ‘tấn công đại dịch’ ]
Loạt megastory của tác giả Cao Thùy Giang điểm lại những mặt trận chống dịch trên toàn quốc, khẳng định vaccine là “vũ khí tối thượng” để tấn công đại dịch. Trên “mặt trận” COVID-19, Đảng và Nhà nước đã đưa ra những chiến lược mới, những giải pháp đột phá để rồi từ đó có những “đòn đánh' quyết định giúp Việt Nam kiểm soát dịch. Chùm bài khép lại với “Nỗi đau COVID-19: Nhiều hy sinh, mất mát và sự cô đơn” như một dấu lặng trầm buồn, tưởng nhớ những F0, những nhân viên y tế… đã đầu hàng trước COVID-19.
Dấu ấn Thông tấn xã Việt Nam
Năm nay, Thông tấn xã Việt Nam giành được 20 Giải thưởng Toàn quốc về Thông tin Đối ngoại lần thứ VIII, trong đó có 2 Giải Nhất, 6 Giải Nhì, 3 Giải Ba và 9 Giải Khuyến khích.
Hai tác phẩm giành Giải Nhất gồm: “Chủ nghĩa xã hội soi sáng con đường phát triển đất nước: Nhìn từ bài viết của Tổng Bí thư” của nhóm tác giả Vũ Thị Kim Anh, Nguyễn Thị Ngọc Ánh và Vũ Thị Lộc (Ban Biên tập Tin Đối ngoại) và “Chiến lược ngoại giao vaccine, kiểm soát dịch bệnh góp phần phục hồi và phát triển kinh tế” của nhóm tác giả Trí Dũng, Thống Nhất, Doãn Tấn, Thanh Vũ, Minh Quyết và Phạm Kiên (Ban Biên tập Ảnh).
Chia sẻ cảm xúc khi nhận giải, nhóm tác giả Ban Biên tập Tin Đối ngoại cho rằng đây là một niềm vinh dự và tự hào to lớn. Trong quá trình thực hiện tác phẩm, bản thân họ đã có sự nâng cao nhận thức về những quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư, về con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam. Quan trọng hơn nữa, việc đoạt Giải Nhất lần này càng củng cố thêm niềm tin vào sự lựa chọn của các nhà báo trên con đường làm nghề thông tin đối ngoại của mình.
Để có được góc nhìn đa chiều, khách quan, những phân tích, đánh giá, nhận định sâu sắc nhất về ý nghĩa của bài viết của Tổng bí thư, các tác giả Ban Biên tập Tin Đối ngoại đã tiếp cận ý kiến của các chuyên gia, học giả đến từ nhiều quốc gia trên thế giới như Lào, Trung Quốc, Mexico, Nga, Ấn Độ, Canada, Cuba và Đức. Các chuyên gia nước ngoài đều cho rằng bài viết đã nêu ra các vấn đề có nội hàm rộng lớn, phong phú trên cơ sở lý luận và thực tiễn, cũng như chỉ ra những đường hướng mang tính chiến lược đối với tương lai của Việt Nam.
Đại diện nhóm tác giả Ban Biên tập Ảnh, nhà báo Lê Trí Dũng khẳng định những năm gần đây, Ban Biên tập Ảnh luôn đề cao phương châm đổi mới trên mọi phương diện, đóng góp hơn nữa vào chất lượng thông tin chung của toàn ngành.
Ngay từ khi chiến lược ngoại giao vaccine bắt đầu triển khai, Thông tấn xã Việt Nam đã xác định đây là tuyến thông tin đặc biệt quan trọng, cần được đẩy mạnh tuyên truyền. Tất cả các sự kiện, hoạt động ngoại giao vaccine đã được thông tin kịp thời, đầy đủ và đa dạng. Lãnh đạo Ban Biên tập ảnh chỉ đạo phóng viên chuyên trách, phóng viên theo dõi các ngành, lĩnh vực, phóng viên các cơ quan thường trú đảm bảo thông tin liên tục, không bỏ lọt sự kiện. Hình ảnh về các hoạt động ngoại giao vaccine được yêu cầu thể hiện phong phú, đa dạng. Nhờ đó, số lượng và chất lượng hình ảnh của Thông tấn xã Việt Nam luôn “đầy đặn,” phản ánh toàn diện của vấn đề và chi tiết từng sự kiện.
“Trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh còn phức tạp, Ban Biên tập ảnh xác định việc bám sát các sự kiện là yêu cầu số một. Sau mỗi cuộc công du của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ban Biên tập Ảnh cử thêm phóng viên có mặt tại sân bay để ‘bọc lót’, đề phòng trường hợp phóng viên chuyên trách theo đoàn phải đi cách ly y tế. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các phóng viên đã đảm bảo hình ảnh của các cuộc tiếp nhận, đưa vaccine về Việt Nam an toàn,” tác giả Trí Dũng cho hay.
Mùa giải có nhiều tác phẩm nhất từ trước đến nay
Ban Tổ chức Giải thưởng Toàn quốc về Thông tin Đối ngoại lần thứ VIII đã nhận được 1.172 tác phẩm dự thi, tăng 11% so với Giải thưởng lần thứ VII, nhiều nhất trong các kỳ giải thưởng từ trước đến nay.
Các tác phẩm dự thi được thể hiện bằng 14 ngữ, gồm tiếng Việt, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Tây Ban Nha, Lào, Khmer, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Kazakhstan, Bồ Đào Nha, Đức. Trong đó, số lượng các tác phẩm tiếng nước ngoài là khoảng 200 tác phẩm. Số lượng tác phẩm/sản phẩm của các tác giả người nước ngoài, kiều bào là 70 tác phẩm.
Hội đồng Giải thưởng đánh giá các tác phẩm có nội dung phong phú, đa dạng, tiếp cận được công nghệ truyền thông hiện đại, có giá trị thông tin đối ngoại, thu hút được sự quan tâm của công chúng trong và ngoài nước, qua đó cho thấy việc triển khai hiệu quả các yêu cầu về đổi mới nội dung, phương thức thực hiện công tác thông tin đối ngoại trong giai đoạn mới.
Về chủ đề, các tác phẩm dự thi đã phản ánh những sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội, đối ngoại quan trọng của Việt Nam; chủ trương, đường lối của Đảng trên mọi lĩnh vực; dấu ấn Việt Nam trên trường quốc tế; quảng bá, giới thiệu về đất nước, con người, văn hoá, trí tuệ Việt Nam; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam; ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh; nỗ lực trong phòng chống và phục hồi sau dịch bệnh…
Hội đồng Giải thưởng đã quyết định trao cho 112 tác phẩm, sản phẩm xuất sắc, gồm: 10 Giải Nhất, 21 Giải Nhì, 30 Giải Ba và 51 Giải Khuyến khích.
Hội đồng dành sự tôn vinh đặc biệt cho “Cộng đồng người hâm mộ Việt Nam trong SEA Games 31” - lực lượng đã góp phần quan trọng vào thành công của SEA Games 31 được tổ chức tại Việt Nam và giới thiệu với thế giới về một Việt Nam tươi đẹp, an toàn, thân thiện, hiếu khách, giàu truyền thống lịch sử văn hóa.
Phát biểu tại lễ trao giải, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của Hội đồng, Ban Tổ chức Giải thưởng và Báo Nhân dân - Cơ quan Thường trực của Giải thưởng năm nay; chúc mừng các tác giả đã đạt giải và các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho thành công của Giải thưởng Thông tin Đối ngoại lần thứ VIII.
Ông Võ Văn Thưởng khẳng định chính thực tiễn phong phú, sinh động của đời sống quốc tế, tình hình chính trị xã hội trong nước và công tác đối ngoại đã trở thành nguồn cảm hứng, thành chất liệu quý giá cho các tác giả trong và ngoài nước không ngừng sáng tạo ra tác phẩm/sản phẩm thông tin đối ngoại xuất sắc, mang theo hơi thở của thời cuộc, đóng góp không nhỏ vào việc khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tăng cường nhận thức, đồng thuận xã hội, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc; nâng cao hiệu quả quảng bá, giới thiệu đất nước, con người, văn hóa Việt Nam ra với thế giới./.
Các tác phẩm giành Giải Nhất: Báo in: “Vinh quang đời đời những người giữ biển” của nhóm tác giả: Trần Văn Quyết, Vũ Văn Hưởng; Báo Nhân Dân, Báo Hải quân Việt Nam Báo Điện tử: “Một Việt Nam đầy tự tin và trách nhiệm với các vấn đề cấp bách nhất của thế giới” của nhóm tác giả Nguyễn Hồng Sâm, Hà Thế Lực, Đặng Thu Cúc, Vũ Thùy Dung, Vũ Thanh Thúy; Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ, Báo Điện tử Chính phủ Báo in tiếng nước ngoài: Loạt tác phẩm “Quan hệ Việt Nam-Ấn Độ” bằng tiếng Anh của tác giả SD Pradhan; The Times of India Báo Điện tử tiếng nước ngoài: “Party leader’s article on socialism sheds light to nation’s future path: Scholars” bằng tiếng Anh của nhóm tác giả Vũ Thị Lộc, Vũ Thị Kim Anh, Nguyễn Thị Ngọc Ánh; Ban Biên tập tin Đối ngoại, Thông tấn xã Việt Nam Sách: “Ho Chi Minh Vida e obra do lisder da lisder da libertação nacional do Vietnã” (Hồ Chí Minh cuộc đời và sự nghiệp vị lãnh tụ giải phóng dân tộc Việt Nam) bằng tiếng tiếng Bồ Đào Nha của tác giả Pedro De Oliveira; Nhà xuất bản Anita Garibaldi (Brazil) Ảnh: “Chiến lược ngoại giao vaccine-Kiểm soát dịch bệnh góp phần phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội” của nhóm tác giả Lê Trí Dũng, Hoàng Thống Nhất, Bùi Doãn Tấn, Nguyễn Văn Điệp, Phan Thanh Vũ; Ban Biên tập Ảnh, Thông tấn xã Việt Nam Phát thanh: “Giải mã phục hồi tăng trưởng Việt Nam” bằng tiếng Pháp của nhóm tác giả Trần Thị Loan (Thy Lan), Tạ Anh Tuấn, Nguyễn Đức Quý, Nguyễn Thùy Linh; Ban Đối ngoại, Đài Tiếng nói Việt Nam Truyền hình: “Luồng sống” của nhóm tác giả Ban Truyền hình Đối ngoại, Đài Truyền hình Việt Nam Video clip: “Let’s Shine” (Hãy tỏa sáng) của nhạc sỹ Huy Tuấn Sáng kiến, ý tưởng, sản phẩm có giá trị thông tin đối ngoại: “Quảng bá Quốc gia trong Sự kiện Toàn cầu EXPO 2020 Dubai, UAE” của Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. |