Cộng hòa Séc, với dân số khoảng 10,5 triệu người, có nền giáo dục với chất lượng đào tạo và giá trị bằng cấp tương đương với nhiều nước châu Âu và châu Mỹ.
Giáo dục tại Séc là hoàn toàn miễn phí cho tất cả các bậc phổ thông trung học, đại học, thạc sỹ, tiến sỹ học bằng tiếng Séc. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm vượt trội không thể phủ nhận thì hệ thống giáo dục của Cộng hòa Séc cũng đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ.
Theo phóng viên TTXVN tại Cộng hòa Séc, công sức lao động của giáo viên bị đánh giá thấp là một trong những bất cập nổi lên hiện nay.
Theo Bộ trưởng Giáo dục Séc Katerina Valachova, Bộ đang có kế hoạch tăng lương cho giáo viên từ tháng 11 năm nay lên 3%, cũng như chi một khoản lớn hơn nhiều cho các giờ học thể thao của học sinh, trong đó khoảng 500 triệu koruna (18,5 triệu euro) được dành cho các tổ chức thanh niên, các nhóm du lịch lữ hành và tổ chức hướng đạo sinh đứng ra tổ chức hoạt động ngoại khóa cho học sinh.
Theo kết quả nghiên cứu của nhóm phân tích IDEA thuộc Viện kinh tế CERGE-EI của Séc, các nhà sư phạm ở quốc gia Trung Âu này được xếp vào hàng chuyên gia có bằng đại học được trả lương thấp nhất, trong khi hơn 80% công chức Séc có bằng đại học được nhận lương cao hơn.
Mức lương trung bình của nhân viên các lĩnh vực hưởng lương ngân sách nhiều hơn khoảng 10.000 koruna (370,4 euro) so với mức lương giáo viên.
Nếu so sánh với các nước có nền kinh tế phát triển hơn trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) thì Cộng hòa Séc thuộc vào số các quốc gia tụt hậu nghiêm trọng về mức lương giáo viên, cũng như Slovakia, Hungary hay Áo.
Bên cạnh đó, hàng nghìn giáo viên làm hợp đồng không được nhận lương trong kỳ nghỉ Hè cũng là bất cập lớn trong nền giáo dục ở Séc hiện nay.
Theo kế hoạch, Bộ trưởng Giáo dục Séc sẽ đưa ra thảo luận tại Quốc hội vấn đề trên.
Ngoài ra, thái độ của phụ huynh học sinh đối với nhà trường cũng được xem là một trong những thách thức.
Theo kết quả thăm dò ý kiến cha mẹ có con ở độ tuổi dưới 12, khoảng 30% số người được hỏi bày tỏ sự không hài lòng với ngôi trường mà con họ đang theo học.
Chỉ có 25% số cha mẹ học sinh cho rằng nhà trường có thể phát triển những khả năng tiềm ẩn của trẻ, trong khi đó 10% tỏ ý sẵn sàng trả thêm tiền cho một trường học có chương trình giáo dục chất lượng cao./.