Bất cập trong khai thác khoáng sản tại TT-Huế: Quản lý lỏng lẻo

Hoạt động khai thác khoáng sản tại Thừa Thiên-Huế thời gian qua xảy ra nhiều sai phạm liên quan đến việc DN khai thác vượt độ sâu, ngoài phạm vi được cấp phép, hết hạn khai thác vẫn không đóng cửa mỏ.
Lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Hương Thuỷ kiểm tra khu vực mỏ đất làm vật liệu san lấp ở phường Thuỷ Phương mặc dù hết hạn khai thác nhưng chưa hoàn thành thủ tục đóng cửa mỏ theo quy định. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Công tác khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế thời gian qua đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tạo nguồn vật liệu tại chỗ cho các công trình xây dựng.

Tuy nhiên, công tác quy hoạch, cấp phép và việc chấp hành các quy định pháp luật trong quá trình khai thác khoáng sản của các chủ mỏ vẫn còn những bất cập, lỏng lẻo, nảy sinh nhiều sai phạm trong thời gian gần đây. 

Bài 1: Hết hạn khai thác, “cửa mỏ” vẫn chưa đóng

Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế hiện có hàng chục mỏ khoáng sản đang hoạt động, chủ yếu là mỏ đất, đá, mỏ cát trắng... Thực tế cho thấy nhiều mỏ mặc dù đã hết thời hạn khai thác nhưng chưa hoàn thành thủ tục đóng cửa theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, những ràng buộc về trách nhiệm hoàn thổ, cải tạo môi trường sau khai thác đối với doanh nghiệp chưa chặt chẽ nên nhiều doanh nghiệp không tự giác chấp hành.

Chậm đóng cửa mỏ

Phường Thủy Phương và xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy là địa phương tập trung nhiều mỏ đất làm vật liệu san lấp của tỉnh với quy mô vài chục hécta. Vị trí của các mỏ đất tại đây nằm tập trung, gần với tuyến đường tránh Huế nên thuận lợi trong quá trình khai thác, vận chuyển. Vì vậy, nơi đây được nhiều nhà thầu xây dựng lựa chọn để cung cấp vật liệu san lấp cho các công trình.

Tuy nhiên, hoạt động khai thác khoáng sản khu vực này thời gian qua đã xảy ra nhiều sai phạm liên quan đến việc các doanh nghiệp khai thác vượt độ sâu, ngoài phạm vi được cấp phép.

Thời gian gần đây, khu vực này có một số mỏ đất đã hết thời hạn cấp phép khai thác nhưng chưa hoàn thành thủ tục để trình Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế ra quyết định đóng cửa theo quy định; trong đó có mỏ đất của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng Đồng Tâm, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phú Bài, Hợp tác xã Nông nghiệp Thủy Phù I…

Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Hương Thủy Nguyễn Văn Hiền cho biết, theo quy định sau khi hết thời gian được cấp phép khai thác, các chủ mỏ có 6 tháng làm thủ tục đóng cửa mỏ gửi cơ quan chức năng để trình Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt.

Đến nay, đã quá hạn nhiều tháng nhưng trên địa bàn thị xã vẫn có 4 mỏ đất san lấp chưa thực hiện đúng nghĩa vụ đóng cửa mỏ.

Để hoạt động khai thác khoáng sản đúng theo quy định pháp luật, đi vào nền nếp, Phòng đề nghị các sở, ngành của tỉnh tăng cường chỉ đạo, phối hợp triển khai công tác giám sát, lắp đặt camera trong khu vực mỏ theo quy định để tăng cường việc hậu kiểm, xử lý.

Tình trạng này cũng xảy ra tại nhiều địa phương của tỉnh như huyện Phú Lộc, Phong Điền, thị xã Hương Trà, thành phố Huế...

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên-Huế Hồ Đắc Trường, toàn tỉnh hiện có 17 trường hợp chưa thể đóng cửa mỏ theo quy định.

Trong số này có nhiều doanh nghiệp đã giải thể, phá sản; một số doanh nghiệp mặc dù Sở Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều văn bản yêu cầu, hướng dẫn và đã xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn chây ỳ.

Ông Hồ Đắc Trường cho biết thêm mức xử phạt vi phạm hành chính đối với việc chậm làm thủ tục đóng cửa mỏ là từ 80-120 triệu đồng. Thời gian qua đã có khoảng 3 doanh nghiệp bị xử phạt về nội dung này.

Thời gian tới, đối với doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, Sở sẽ đề xuất với lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh cho sử dụng số tiền ký quỹ của doanh nghiệp nộp trước đó để thực hiện việc đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường, hoàn thổ sau khai thác.

Trường hợp những doanh nghiệp còn hoạt động, đơn vị đề xuất cưỡng chế tài khoản để doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện lập hồ sơ đóng cửa mỏ.

Bên cạnh đó, Sở sẽ nghiên cứu, hướng dẫn nội dung đề án đóng cửa mỏ theo hướng đơn giản hơn, bỏ những nội dung không cần thiết, phù hợp với quy mô và từng loại hình khoáng sản.

Ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm chủ mỏ

Công tác đóng cửa mỏ liên quan đến trách nhiệm hoàn thổ, cải tạo môi trường tại vị trí khai thác của doanh nghiệp khoáng sản. Trường hợp, nếu doanh nghiệp không thực hiện hoàn thổ sau khai thác, cơ quan chức năng phải dùng tiền ký quỹ bảo vệ môi trường của doanh nghiệp đóng trước đó để thực hiện.

Tuy nhiên, mức phí đóng hiện nay rất thấp, thường không đủ cho chi phí hoàn thổ nên phần kinh phí chênh lệch Nhà nước phải bỏ ra là rất lớn.

Thực tế hiện nay, mức ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản chỉ từ 1-3% tổng mức đầu tư nên nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc cam kết bảo vệ môi trường, hoàn thổ đóng cửa mỏ theo đúng quy định.

[Phạt 154 triệu đồng với doanh nghiệp khai thác khoáng sản trái phép]

Theo lý giải của lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên-Huế, việc ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường của dự án khai thác khoáng sản được phê duyệt vào thời điểm thông qua báo cáo đánh giá tác động môi trường, phương án phục hồi môi trường của dự án trước khi triển khai.

Đồng thời, với từng giai đoạn nêu trên, địa phương áp dụng theo quy định pháp luật định mức kinh tế kỹ thuật tại thời điểm đó để tính toán tiền ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường.

Do vậy, Nhà nước vừa quy định mức ký quỹ thấp, vừa áp dụng quy định pháp luật định mức kinh tế kỹ thuật thấp dẫn đến việc ký quỹ sẽ thấp.

Trên địa bàn thị xã Hương Thuỷ có 4 mỏ đất san lấp hết thời hạn khai thác chưa thực hiện đóng cửa mỏ. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Ngoài ra, thông thường một dự án khai thác khoáng sản sẽ có thời gian tồn tại rất lâu từ 10-20 năm nên số tiền trước đây chủ dự án ký quỹ nay cơ quan nhà nước sử dụng để cải tạo, phục hồi môi trường là không đủ do yếu tố trượt giá.

Trong trường hợp đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng không thể yêu cầu chủ dự án đã giải thể hoặc phá sản phải đóng thêm tiền bởi vì không có quy định của pháp luật cho phép việc này.

Đây là một thực tế bất cập trong xây dựng chính sách so với thực tế cần được các cơ quan soạn thảo văn bản pháp luật của Trung ương điều chỉnh, sửa đổi để phù hợp với thực tiễn.

Từ đầu năm 2022 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tiến hành thực hiện nhiều cuộc kiểm tra hồ sơ, rà soát việc đóng cửa mỏ đối với các doanh nghiệp trên địa bàn.

Qua đó, Sở đã lập thủ tục xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản đối với 3 tổ chức (gồm: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng Bảo Thái, Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ Hồng Phát và Công ty Một thành viên Xây dựng Giao thông Tuấn Hải) trình Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh xử phạt theo thẩm quyền với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng./. 

Bài 2: Điều chỉnh việc cấp phép và quy hoạch khoáng sản

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục