“Trong công tác bổ nhiệm, một số vị trí nhất định phải có bằng thạc sỹ, tiến sỹ mới đủ tiêu chuẩn, chúng tôi rất bối rối vì không biết bằng cấp đó có được công nhận hay không.”
Đó là chia sẻ đáng chú ý của bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Công Thương, tại Hội nghị Tổng kết thực hiện Luật Giáo dục Đại học. Hội nghị do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 26/9.
[Kiến nghị sửa đổi hàng loạt nội dung trong Luật Giáo dục Đại học]
Theo bà Giang, gần đây, có rất nhiều ý kiến khác nhau về việc bằng cấp của các cơ sở đào tạo tại Việt Nam có liên kết với nước ngoài có thể không được cơ quan chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận. Và đây cũng là vấn đề bản thân bà đang lúng túng khi thực hiện công tác bổ nhiệm cán bộ tại Bộ Công thương.
Cụ thể, việc bổ nhiệm hiệu trưởng, hiệu phó các trường đại học thuộc Bộ Công Thương yêu cầu phải có trình độ học vấn nhất định. Tuy nhiên, Vụ Tổ chức cán bộ rất bối rối vì không biết bằng cấp trong hồ sơ của ứng viên có đủ tiêu chuẩn không, có được công nhận không.
“Một quy trình bổ nhiệm cán bộ chỉ có 3 tháng. Nếu làm văn bản gửi sang Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị xác nhận, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại đi xác minh thì rất lâu,” bà Giang chia sẻ.
Theo đó, vị Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ Công thương cho rằng, trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có quy định rõ và có thông báo đối với các cơ sở đào tạo nói riêng và xã hội nói chung về vấn đề này.
[Xét xử 10 đối tượng trong đường dây làm giả con dấu, chứng chỉ]
“Nếu có thông tin chính thức và cập nhật về các đơn vị liên kết được công nhận thì sẽ rất tiện lợi,” bà Giang nói.
Bà Giang cũng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vấn đề này vào quy định khung trong Luật Giáo dục Đại học sửa đổi sắp tới.
Hiện Bộ Công thương có 9 trường đại học trực thuộc Bộ, hai trường thuộc tổng công ty là Đại học Dệt may và Đại học Dầu khí, 25 trường cao đẳng trực thuộc Bộ và 11 trường cao đẳng, trung cấp trực thuộc tổng công ty./.