Sau khi phục hồi vào phiên cuối tuần trước sau một loạt ngày "lình xình" bất nhất, chứng khoán Mỹ lại khởi động tuần mới (ngày 29/9) trong sắc đỏ do giới đầu tư giữ tâm lý thận trọng chờ đợi một loạt báo cáo kinh tế quan trọng của Mỹ sẽ lần lượt được công bố trong tuần này.
Bên cạnh đó, tình hình bất ổn chính trị tại Hong Kong cũng hạn chế hoạt động giao dịch.
Kết thúc phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 41,93 điểm (0,25%), xuống 17.071,22 điểm, sau khi có lúc "tụt" xuống mức thấp 16.934,43 điểm vào đầu phiên.
Chỉ số S&P 500 cũng lùi 5,05 điểm (0,25%), xuống 1.977,80 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite mất 6,34 điểm (0,14%), đóng cửa ở mức 4.505,85 điểm.
Ngày 29/9, thị trường đón nhận các số liệu đan xen từ nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Cụ thể, theo báo cáo mới nhất từ Bộ Thương mại Mỹ, chi tiêu tiêu dùng - động lực tăng trưởng chính của kinh tế nước này - đã tăng 0,5% trong tháng 8/2014, sau khi duy trì ổn định trong tháng Bảy. Trong khi đó, thu nhập cá nhân cùng kỳ cũng tăng 0,3%.
Tuy nhiên, sự hưng phấn của các nhà đầu tư trước những số liệu tích cực trên đã bị chặn lại sau khi Hiệp hội Bất động sản quốc gia Mỹ cho hay chỉ số nhà chờ bán của nước này đã giảm 1% xuống 104,7 trong tháng Tám.
Ngoài ra, không khí ảm đạm tại Phố Wall phiên đầu tuần còn chịu tác động bởi tình hình bất ổn chính trị đang diễn ra tại Hong Kong.
Sáng sớm ngày 28/9, Benny Tai - thủ lĩnh Phong trào chiếm lĩnh khu Trung Hoàn ở Đặc khu hành chính Hong Kong - đã phát động chiến dịch phong tỏa trung tâm thành phố này để đòi thêm các quyền tự do.
Khu Trung Hoàn là khu trung tâm thương mại-tài chính của Hong Kong và cũng được coi là “Phố Wall” của đặc khu hành chính này.
Phong trào "Chiếm trung tâm" diễn ra sớm hơn kế hoạch hai ngày, ảnh hưởng tới nhiều hoạt động tại đặc khu này.
Ngoài việc làm tắc nghẽn nhiều tuyến đường, buộc nhiều tuyến xe buýt phải chuyển hướng, phong trào còn khiến nhiều trường học phải đóng cửa.
Cũng trong phiên này, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu cũng đua nhau hạ điểm, giữa bối cảnh đồng euro giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai năm so với đồng USD, do giới đầu tư lo ngại về diễn biến chính trị căng thẳng tại Hong Kong trước thềm cuộc họp của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB).
Khép lại phiên này tại thị trường London, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0,04%, xuống 6.646,60 điểm.
Tại thị trường Paris, chỉ số CAC 40 cũng giảm 0,83%, xuống 4.358,07 điểm. Trong khi đó, tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức, chỉ số DAX cũng mất 0,71%, xuống 9.422,91 điểm.
Không nằm ngoài xu hướng trên, tới đầu phiên giao dịch ngày 30/9, thị trường cổ phiếu châu Á cũng hầu hết đi xuống, khi phong trào "Chiếm trung tâm" tại Hong Kong đã bước sang ngày thứ hai và lan rộng ra những nơi khác như Vịnh Đồng La (Causeway Bay), Vượng Giác (Mongkok).
Những người biểu tình kêu gọi Chính phủ Trung Quốc rút lại quyết định đưa ra hồi cuối tháng Tám vừa qua về cải cách bầu cử tại Hong Kong.
Mở cửa phiên này, chỉ số MSCI khu vực châu Á Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm 0,5%.
Tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm mạnh 239,74 điểm, xuống 16.070,90 điểm, do số liệu đáng thất vọng về sản lượng tại các nhà máy nước này, bất chấp đồng yen tiếp tục mất giá so với đồng USD.
Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite và Hang Seng của hai thị trường chứng khoán chủ chốt khác là Thượng Hải và Hong Kong cũng lần lượt hạ 0,1% và 1,1%./.