Tối 19/9, ba ứng cử viên ra tranh cử chức Thủ tướng Đức đã có màn tranh luận cuối cùng khi còn đúng một tuần nữa sẽ diễn ra cuộc tổng tuyển cử.
Kết quả khảo sát sau màn tranh luận cho thấy ứng cử viên của đảng Dân chủ Xã hội (SPD) tiếp tục dẫn đầu trong cuộc đua trở thành người kế nhiệm Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, cuộc tranh luận của bộ ba ứng cử viên thủ tướng, gồm ông Armin Laschet của liên đảng Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU), ông Olaf Scholz của SPD và bà Annalena Baerbock của đảng Xanh, được truyền hình trực tiếp trên các kênh ProSieben, Sat.1 và Kabeleins.
Đây là màn tranh luận thứ 3 và là cuối cùng, sau hai màn tranh luận trước đó trên RTL/N-TV và ARD/ZDF.
[Bầu cử quốc hội Liên bang Đức: Cuộc bầu cử khó đoán định]
Tại cuộc tranh luận lần này, ba chủ đề được tập trung tranh luận chính gồm mức lương tối thiểu, khủng hoảng khí hậu, số hóa.
Bên cạnh đó, các ứng cử viên cũng đề cập tới chính sách ứng phó với đại dịch COVID-19, công bằng xã hội, an ninh nội địa...
Cuộc tranh luận ngay từ đầu đã nóng lên khi các ứng cử viên đưa ra quan điểm về mức lương tối thiểu và chính sách để đạt công bằng xã hội.
Để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, hai ứng cử viên Scholz của SPD và Baerbock của đảng Xanh kêu gọi áp dụng mức lương tối thiểu 12 euro/giờ.
Bà Baerbock còn yêu cầu đảm bảo mức sống tối thiểu cho trẻ em, được tài trợ từ nguồn thuế lấy từ người giàu (với những cặp vợ chồng có mức thu nhập trên 200.000 euro/năm).
Ông Scholz cũng ủng hộ các chính sách này và muốn đánh thuế cao hơn với những người có thu nhập cao để bù cho những người có thu nhập thấp.
Trong khi đó, ứng cử viên Laschet kịch liệt chỉ trích việc tăng thuế cũng như phản đối mức lương tối thiểu 12 euro, cho rằng việc thương lượng tiền lương là nhiệm vụ của các nghiệp đoàn.
Theo ứng cử viên của CDU/CSU, do các ngành nghề khác nhau nên sẽ không phù hợp khi quy chuẩn một mức lương tối thiểu thống nhất.
Ứng cử viên Baerbock lập luận phản đối chủ trương của ông Laschet, cho rằng có nhiều người lao động, phụ nữ độc thân hay bà mẹ đơn thân không tham gia công đoàn, do vậy họ sẽ không được hưởng lợi từ các cuộc thương lượng mức lương tập thể và những trường hợp này sẽ rơi vào "bẫy nghèo" ở Đức.
Về vấn đề khí hậu, ứng cử viên Baerbock nhấn mạnh chủ trương về một "chính phủ khí hậu," chấm dứt sử dụng động cơ đốt trong từ năm 2030, cũng như ngừng sử dụng điện than sớm hơn.
Ứng cử viên Laschet cho rằng nên loại điện than đá sớm hơn điện hạt nhân, mở rộng các nguồn năng lượng tái tạo và cần hợp tác chung ở châu Âu trong lĩnh vực này.
Trong khi đó, ứng cử viên Scholz kêu gọi ngành công nghiệp của Đức cần phải đạt trung hòa về khí thải trong 25 năm tới, trong đó cần mở rộng hiệu quả mạng lưới điện và đẩy mạnh hơn nữa các nguồn năng lượng tái tạo.
Để bảo vệ khí hậu tốt hơn, ứng cử viên Laschet cảnh báo việc áp đặt các lệnh cấm sẽ có tác dụng ngược và ngăn cản sự đổi mới, trong khi bà Baerbock cho rằng cần phải có những quy định rõ ràng để bảo vệ khí hậu.
Liên quan chính sách ứng phó với đại dịch COVID-19, ứng cử viên Scholz kêu gọi người dân khẩn trương đi tiêm phòng, cảnh báo nguy cơ nhập viện cao đối với những người trưởng thành không tiêm chủng.
Đồng ý kiến này, hai ứng cử viên Laschet và Baerbock cũng nhấn mạnh cần đảm bảo duy trì việc dạy và học ở trường cũng như hoạt động ở các nhà trẻ.
Bà Baerbock phản đối việc bắt buộc phải làm xét nghiệm nhanh trước các em khi tới trường hay nhà trẻ, bởi quy định này không được áp dụng với người lớn tại nơi làm việc.
Cả ba ứng cử viên cũng kêu gọi tăng lương cho cho lực lượng y tế-điều dưỡng để ghi nhận những đóng góp cũng như giảm bớt khó khăn cho họ trong đại dịch COVID-19.
Về chủ đề an ninh nội địa, ứng cử viên Laschet đề cập tới các nguy cơ từ khủng bố Hồi giáo và cánh hữu, kêu gọi cần có biện pháp mạnh tay hơn nữa trong cuộc chiến chống tội phạm và khủng bố, chẳng hạn như trục xuất những người Hồi giáo gây nguy hiểm cho xã hội.
Về chủ đề này, ứng cử viên Baerbock chỉ trích liên đảng bảo thủ CDU/CSU, dù nắm giữ Bộ Nội vụ liên bang nhiều năm qua, song chưa đạt được nhiều kết quả.
Theo bà, cần có biện pháp cụ thể, như theo dõi 24/24 giờ các mối nguy hại dù tốn kém, tăng cường nhân lực để theo dõi các đối tượng nguy hiểm trong bối cảnh gia tăng bạo lực cực hữu ở Đức.
Chủ đề đáng chú ý là khả năng hình thành liên minh cầm quyền sau bầu cử. Cả ba ứng cử viên đều bác bỏ khả năng bắt tay với đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD), trong khi ứng cử viên CDU/CSU cũng bác bỏ lựa chọn hợp tác với đảng Cánh tả.
Ứng cử viên SPD bày tỏ mong muốn lập liên minh với đảng Xanh, ngược lại, bà Baerbock cũng ủng hộ việc hợp tác với ông Scholz sau cuộc bầu cử tới. Tuy nhiên, cả ông Scholz và bà Baerbock đều không đề cập tới đảng Cánh tả trong các phát biểu của mình.
Trong một diễn biến liên quan, tại Đại hội bất thường của đảng Dân chủ tự do (FDP) ngày 19/9, Chủ tịch đảng này ông Christian Lindner đã bày tỏ khả năng ủng hộ một liên minh với CDU/CSU và đảng Xanh, còn gọi là "liên minh Jamaica," đồng thời ông Lindner không còn đề cập tới tham vọng trở thành Bộ trưởng Tài chính (vị trí mà đồng Chủ tịch đảng Xanh Robert Habeck mong muốn).
Theo kết quả một cuộc khảo sát nhanh được viện thăm dò Forsa thực hiện ngay sau màn tranh luận trên, ứng cử viên SPD Scholz tiếp tục dẫn đầu với kết quả khá cách biệt so với hai ứng cử viên còn lại.
Cụ thể, có 42% số người được hỏi đánh giá ông Scholz có màn tranh luận thuyết phục, trong khi ứng cử viên Laschet nhận được 27% và bà Baerbock 25%.
Cuộc bầu cử Quốc hội Đức lần thứ 20 sẽ diễn ra vào ngày 26/9 tới. Sau ngày bầu cử, các đảng sẽ đàm phán thăm dò để thành lập liên minh cầm quyền. Quốc hội mới sẽ bầu người kế nhiệm Thủ tướng Đức Angela Merkel sau 16 năm liên tục cầm quyền./.