Bầu cử Mỹ 2016: Tỷ phú Trump thu hẹp khoảng cách với bà Clinton

Một cuộc thăm dò dư luận mới nhất trên toàn nước Mỹ mới đây cho thấy tỷ phú Donald Trump đang ngày càng thu hẹp khoảng cách về tỷ lệ ủng hộ với đối thủ Hillary Clinton trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Bầu cử Mỹ 2016: Tỷ phú Trump thu hẹp khoảng cách với bà Clinton ảnh 1Tỷ phú D.Trump đang thu hẹp khoảng cách với bà Clinton. (Nguồn: rawconservative.com)

Một cuộc thăm dò dư luận mới nhất trên toàn nước Mỹ mới đây cho thấy tỷ phú Donald Trump, ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa, đang ngày càng thu hẹp khoảng cách về tỷ lệ ủng hộ với đối thủ của đảng Dân chủ là cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Theo kết quả cuộc điều tra của hãng Reuters/Ipsos công bố ngày 20/7, có 43% số cử tri đăng ký đi bầu được hỏi ủng hộ bà Clinton trở thành vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, trong khi 36% hy vọng ông Trump sẽ là chủ nhân mới của Nhà Trắng. Như vậy, ở thời điểm hiện tại, bà Hilary dẫn trước ông Trump 7%, giảm so với mức cách biệt 15% theo kết quả thăm dò công bố hồi cuối tuần trước.

Giới quan sát nhận định một nguyên nhân khiến tỷ lệ cử tri ủng hộ tỷ phú Trump tăng lên là do sự sụt giảm trong số cử tri trung lập. Theo đó, tỷ lệ cử tri chưa quyết định ủng hộ ứng cử viên nào đã giảm 12% trong cuộc thăm dò từ ngày 15-19/7 vừa qua, giảm 3% so với kết quả cuộc thăm dò ngày 10-14/7.

Trước đó cùng ngày, Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa đã chính thức đề cử tỷ phú Trump làm ứng cử viên tổng thống đại diện cho đảng này tham gia cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 vào ngày 8/11 tới. Đây được đánh giá là sự kiện lịch sử của đảng này vì ông vốn xuất thân không phải là một chính khách, từng có thời gian là một thành viên của đảng Dân chủ và mới chỉ gia nhập đảng Cộng hòa từ năm 2009. Việc chính thức được đề cử có thể giúp tỷ lệ ủng hộ "ông trùm" bất động sản này tăng lên. Trước đó hồi năm 2012, tỷ lệ ủng hộ đối với ứng cử viên Mitt Romney của đảng này cũng đã "nhảy vọt" 5% trong cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos được tiến hành sau kỳ đại hội của đảng Cộng hòa.

Trong một diễn biến khác, cũng trong ngày 20/7, Đại học Wright State của bang Ohio thông báo sẽ không tổ chức cuộc tranh luận đầu tiên của các ứng cử viên tổng thống vì lý do an ninh. Thay vào đó, Đại học Hofstra tại New York sẽ đứng ra tổ chức sự kiện này.

Trong một thông báo, Chủ tịch Đại học Wright State, ông David Hopkins cho biết dù đây là "một quyết định khó khăn," song nhấn mạnh "môi trường quốc gia hiện tại đã khiến vấn đề an ninh thậm chí trở nên quan trọng hơn."

Ông Hopkins đề cập đến hai vụ tấn công cảnh sát gần đây tại bang Lousiana và Texas, trong đó hai đối tượng da màu đã bắn chết 8 cảnh sát và khiến hàng chục người bị thương trong vòng 2 tuần qua. Ông cũng giải thích rằng không giống như các trường đại học tư, Đại học Wright State là trường công và do đó không thể hạn chế người ra vào khuôn viên trường, khiến nguy cơ về an ninh gia tăng.

Ngoài ra, mối lo ngại về vấn đề an ninh cũng sẽ đẩy chi phí để tổ chức cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên tổng thống tăng lên do phải tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh.

Dự kiến, Đại học Hofstra sẽ tổ chức cuộc tranh luận đầu tiên vào ngày 26/9 tới. Hai cuộc tranh luận còn lại sẽ lần lượt diễn ra tại Đại học Washington ở thành phố St.Louis, bang Missouri vào ngày 9/10 tới và tại Đại học Nevada ở thành phố Las Vegas vào ngày 19/10 tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ukraine

Chuyến thăm của ông Austin diễn ra vào thời điểm Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa và xem xét đẩy nhanh quá trình Ukraine gia nhập NATO.