Bầu cử Mỹ 2020: Hồ sơ thuế hâm nóng cuộc tranh luận đầu tiên

Chỉ vài giờ trước cuộc tranh luận trực tiếp với đương kim Tổng thống Trump, ông Joe Biden và liên danh tranh cử Phó Tổng thống Kamala Harris đã công bố dữ liệu khai thuế liên bang và bang của họ.
Bầu cử Mỹ 2020: Hồ sơ thuế hâm nóng cuộc tranh luận đầu tiên ảnh 1Ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ Joe Biden (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tối 29/9 (sáng 30/9 giờ Việt Nam), hai ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa sẽ bắt đầu bước vào vòng đấu trực tiếp đầu tiên tại trường Đại học Notre Dame, thành phố Cleveland, bang Ohio, mở màn cho ba cuộc tranh luận sẽ diễn ra trong giai đoạn nước rút của cuộc đua vào Nhà Trắng 2020 sắp tới.

Cuộc tranh luận dự kiến kéo dài 90 phút giữa đương kim Tổng thống Donald Trump và ứng cử viên Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden được truyền hình trực tiếp và xoay quanh 6 chủ đề, mỗi chủ đề kéo dài 15 phút, gồm hồ sơ của hai ứng cử viên, Tòa án Tối cao, đại dịch COVID-19, nền kinh tế, nạn phân biệt chủng tộc và bạo lực ở các thành phố và tính toàn vẹn của cuộc bầu cử.

Tuy nhiên, vấn đề thuế của Tổng thống Trump cũng có thể sẽ là một vấn đề nóng được đề cập tại cuộc tranh luận đầu tiên này.

Chỉ vài giờ trước cuộc tranh luận, ông Biden và liên danh tranh cử Phó Tổng thống Kamala Harris đã công bố dữ liệu khai thuế liên bang và bang của họ trong năm 2019. Đây được coi là động thái thách thức Tổng thống Trump, cũng như là dấu hiệu báo trước đòn tấn công mạnh mẽ từ ứng cử viên đảng Dân chủ trong vấn đề này tại cuộc tranh luận.

[Bầu cử Mỹ 2020: Tổng thống Trump mạnh tay chi cho các dịch vụ pháp lý]

Trước đó, ngày 27/9, theo tờ New York Times, trong hồ sơ sơ thuế 20 năm qua, Tổng thống Trump chỉ chỉ nộp 750 USD tiền thuế thu nhập cá nhân cho mỗi năm trong hai năm 2016 và 2017.

Ngoài ra, trong 15 năm qua, có 10 năm ông Trump không nộp thuế thu nhập, mặc dù năm 2018 ông thu lời 427,4 triệu USD từ chương trình truyền hình thực tế ăn khách và các thương vụ được chứng thực và cấp phép khác. Tuy nhiên, Tổng thống Trump nhiều lần bác bỏ những thông tin trên khi khẳng định đó là “tin giả."

Cuộc tranh luận lần này được dự đoán sẽ thu hút lượng khán giả vượt mức kỷ lục 84 triệu người trong cuộc tranh luận đầu tiên của năm bầu cử 2016 bởi sự kiện chính trị quan trọng này là cơ hội để cử tri Mỹ xem trực tiếp và so sánh về chính sách, tầm nhìn, năng lực và tính cách của cả hai ứng cử viên trong bối cảnh với nhiều bất ổn như hiện nay trước khi đưa ra quyết định chọn người dẫn dắt nước Mỹ trong 4 năm tiếp theo.

Dù vẫn còn hai cuộc đối đầu trực tiếp khác, tuy nhiên hai ứng cử viên sẽ phải nỗ lực ngay trong “màn thể hiện” đầu tiên này để tác động trực tiếp đến suy nghĩ của các cử tri, đặc biệt là nhóm cử tri không đi bỏ phiếu và cử tri dao động đang tăng lên hiện nay.

Cơ hội này sẽ giúp Tổng thống Trump lấy lại vị thế của mình còn ông Biden thực chất ưu thế mà ông có được trong các cuộc thăm dò dư luận trước đó khi luôn dẫn trước Tổng thống Trump, thậm chí tại các bang chiến trường.

Nhiều nhận định cho rằng Tổng thống Trump có thể sẽ gặp khó khăn liên quan đến hiệu quả điều hành công việc trong 4 năm cầm quyền của ông, đặc biệt là các cuộc khủng hoảng hiện nay mà Mỹ đang phải đối mặt, hay những cáo buộc về hồ sơ thuế của ông.

Trong khi đó, ông Biden cũng sẽ phải gặp áp lực trong việc thể hiện cho cử tri dao động nhận thấy rằng ông xứng đáng là lựa chọn của họ.

Theo tiến trình bầu cử, hai ứng cử viên tổng thống này sẽ tham gia thêm hai cuộc tranh luận trực tiếp, lần lượt diễn ra ở Miami, bang Florida vào ngày 15/10 và ở Nashville, bang Tennessee vào ngày 22/10 trước khi diễn ra ngày bầu cử chính thức 3/11./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ukraine

Chuyến thăm của ông Austin diễn ra vào thời điểm Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa và xem xét đẩy nhanh quá trình Ukraine gia nhập NATO.