Giới đầu tư mong muốn điều gì: lãi suất thấp, một nền kinh tế mở cửa, và ông Donald Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11 tới?
Theo một cuộc thăm dò dư luận được ISI Evercore tiến hành, các nhà đầu tư chuyên nghiệp tỏ ra khá lo ngại về việc ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden đang dẫn trước Tổng thống Trump với tỷ lệ giãn cách ngày càng lớn.
CNN đã công bố một cuộc khảo sát khác cho thấy cựu Phó Tổng thống Mỹ đang hơn nhà lãnh đạo đương nhiệm tới 14 điểm, và ngay sau đó thị trường sụt giảm tới 9% trong 3 ngày liên tiếp.
Mọi chuyện khó có thể được xem là trùng hợp.
Nói một cách ngắn gọn, nước Mỹ đang suy thoái. Kỳ suy thoái này không kéo dài, song chắc chắn sẽ rất nghiêm trọng và Mỹ cần những chính sách hiệu quả để sớm thoát khỏi khủng hoảng.
[Tổng thống Donald Trump duy trì lợi thế về vận động quỹ tái tranh cử]
Giới đầu tư vẫn nhớ về giai đoạn suy thoái trước và những gì bộ đôi Obama-Biden từng làm để đem lại cho nước Mỹ sự hồi phục “chậm chạp” nhất từ sau cuộc Đại Suy thoái.
Nhà kinh tế học Peter Ferrara, làm việc tại Trường King’s viết trong một bài bình luận năm 2018: “...trong 11 giai đoạn suy thoái từ sau Đại Suy thoái, nền kinh tế khôi phục được số việc làm như trước giai đoạn lao dốc sau trung bình 27 tháng từ khi suy thoái bắt đầu. Trong khi đó, nỗ lực phục hồi kinh tế của Obama, bắt đầu từ mùa Hè 2009, mất tới 76 tháng - tức là hơn 6 năm - để làm được điều này.”
Cũng theo ông, trong 11 kỳ suy thoái vừa qua, nền kinh tế bù đắp được mất mát GDP “chỉ trong trung bình 4,6 quý, hoặc chưa đầy 1 năm. Còn ông Obama phải mất tới 14 quý, hơn 3 năm rưỡi để đạt được thành quả ấy.”
Lo ngại lịch sử tái diễn là điều khiến người dè dặt với viễn cảnh Joe Biden trở thành người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.
Chắc chắn, lo ngại hàng đầu của các nhà đầu tư hiện nay là nguy cơ xảy ra làn sóng thứ hai của dịch viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19), kịch bản rất dễ đến việc tái lập các biện pháp phong tỏa.
Tuy nhiên, theo ISI, lo ngại lớn không kém khác chính là việc Tổng thống Trump có thể thất bại trong chiến dịch tái tranh cử.
Cuộc thăm dò mới nhất mà hãng này tiến hành lần đầu tiên cho kết quả là hơn một nửa số người được hỏi - cụ thể là 58% - cho rằng Biden sẽ thắng và chỉ có 42% lựa chọn Tổng thống Trump.
Đây là một thay đổi khá lớn so với hồi thánh 4 vừa qua, khi 58% người tham gia nghĩ rằng người đứng đầu Nhà Trắng sẽ tái đắc cử.
Việc ứng cử viên Joe Biden đột ngột gia tăng được sự ủng hộ của cử tri diễn ra sau cái chết của George Floyd và các cuộc biểu tình rầm rộ. Tổng thống Trump bị chỉ trích là thiếu đồng cảm trong phản ứng trước vụ việc và có thái độ thù địch quá mức đối với làn sóng bạo lực nảy sinh từ rắc rối này.
Nước Mỹ đang trong trạng thái bất an bởi dịch bệnh, các cuộc biểu tình và cũng bởi hơn 20 triệu người Mỹ đã thất nghiệp. Thất nghiệp gia tăng khiến kinh tế trở thành vấn đề đáng lưu tâm hàng đầu của nhiều cử tri.
Theo cuộc thăm dò của CNN, 77% số người được hỏi nói rằng nền kinh tế là yếu tố “rất” hoặc thậm chí là “cực kỳ” quan trọng đối với lá phiếu của họ, hơn cả những vấn đề liên quan tới dịch COVID-19, chăm sóc sức khỏe hay sắc tộc.
Hơn một nửa những người tham gia cuộc thăm dò dư luận (51%) lựa chọn đáp án nói rằng ông Trump có khả năng xử lý các vấn đề kinh tế tốt hơn đối thủ của mình. Khoảng 46% khác lựa chọn Biden.
Lý do vì sao vẫn có nhiều cử tri ủng hộ tổng thống, ngay cả khi không ít thành quả ông có được trong 3 năm gần như đã bị mất hết vì dịch COVID-19?
Lịch sử dường như đang đứng về phía người đứng đầu Nhà Trắng. Các chính sách kinh tế của Trump, một sự kết hợp giữa giảm thuế và nới lỏng các quy định, đã thành công trong việc thúc đẩy thị trường việc làm để đem lại lại ích cho tất cả người dân Mỹ.
Người lao động thuộc mọi nhóm xã hội - từ những người từng có tiền án tiền sự, người tàn tật, người không có bằng cấp, nhóm dân cư vốn thường rất chật vật tìm chỗ đứng trên các nấc thang kinh tế - đều có thể có việc làm phù hợp.
Theo số liệu từ JOLTS, cuối năm 2019, hơn một nửa triệu việc làm vẫn trong tình trạng chờ người đăng ký, điều chưa từng có suốt nhiều thập kỷ trở lại đây.
Ông Trump đã xử lý những vấn đề khó khăn như thâm hụt thương mại với Trung Quốc, yêu cầu và cuối cùng là đảm bảo sự đối đãi thích đáng hơn dành cho các doanh nghiệp và người lao động Mỹ.
Ông Trump cũng là người công khai lên án Trung Quốc đứng đằng sau các vụ tấn công an ninh mạng và đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ. Người Mỹ ủng hộ lập trường cứng rắn này trước đối thủ mà họ xem là đáng lo ngại nhất.
Một cuộc thăm dò dư luận được tiến hành vào mùa Thu năm 2019 cho thấy hơn 2/3 cử tri Mỹ ủng hộ việc Tổng thống Trump đối đầu Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại, dù họ thừa nhận việc Mỹ cũng sẽ gánh chịu những ảnh hưởng nhất định từ cuộc chiến thuế quan diễn ra sau đó.
Các chính sách của Trump vẫn phát huy hiệu quả cho tới khi dịch COVID-19 bùng phát, dẫn đến việc nhiều hoạt động buộc phải ngưng trệ.
Trong khi đó, ông Joe Biden cam kết gia tăng các quy định và tăng thuế - một sự trở lại của các chính sách kinh tế thời Obama.
Cũng giống như đảng Dân chủ, Biden hướng về cánh tả để thu hút các cử tri tiến bộ trẻ vốn ủng hộ những chính sách xã hội của Thượng nghị sỹ Bernie Sanders. Biden muốn gia tăng giám sát đối với các doanh nghiệp trong nước và cam kết siết chặt hơn nữa việc thực hiện các quy định mới, như luật lao động và nghiệp đoàn. Đây chính xác là các quan điểm thời Obama, vốn tác động không mấy tích cực tới lòng tin của doanh nghiệp và hủy hoại đầu tư.
Ông Joe Biden lấy việc “tái thiết lực lượng trung lưu” làm trọng tâm chương trình của mình, song Nhà Trắng thời Obama-Biden đã tham gia hàng loạt thỏa thuận thương mại khiến nước Mỹ “chảy máu” hàng trăm nghìn việc làm và chưa bao giờ thẳng thắn đối đầu với Bắc Kinh.
Ông Joe Biden đã làm thượng nghị sỹ 36 năm và 8 năm đảm nhận cương vị phó tổng thống. Có lẽ sẽ không ít cử tri tự hỏi liệu ông có nên tiếp tục trao cho ông cơ hội lãnh đạo đất nước hay không./.